Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Về chữ, nghĩa THÌN 辰, LONG 龍 và RỒNG




                     Về chữ, nghĩa THÌN , LONG và RỒNG
                                                                                    Đinh Văn Tuấn

           Năm nay là năm Nhâm Thìn 壬 辰, cũng như mọi năm Thìn , theo truyền thống của các nước Á Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn, Nhật, trên các phương tiện truyền thông người ta thấy hình tượng con RỒNG được dùng để làm biểu tượng cho năm Thìn. Ở Việt Nam, vẫn hay nói năm RỒNG, tuổi RỒNG, cầm tinh con RỒNG. Hiện nay có một số luận chứng ngược lại với cách hiểu cũ để cho Chi Thìn chính là tên gọi của con RỒNG bằng tiếng Việt cổ và con RỒNG được sáng tạo từ phương Nam, đặc biệt là ở đất Cổ Việt. Vấn đề này thật ra không đơn giản, người viết cố gắng góp phần tìm hiểu và gợi mở một số suy nghĩ về chuyện chữ nghĩa  THÌN , LONG RỒNG xem sự thật ra sao?
         
          Trong lịch pháp Trung Quốc thời cổ, Thìn là Chi thứ 5 trong 12 Địa Chi (Thập nhị Chi) như Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn…12 Địa Chi phối hợp với 10 Thiên Can (Thập Can) như Giáp, Ất, Bính, Đinh…để ghi nhớ, tính toán thời gian. 12 Địa Chi ban đầu không phải là những tên gọi của 12 con thú, chúng thuần túy chỉ là tên gọi chỉ thời gian, rồi sau mới phối hợp 12 tên gọi của thú vật dùng làm biểu tượng cho 12 Địa Chi, 12 biểu tượng này được gọi là 12 Sinh Tiếu 生肖(Trung Quốc) hay 12 con Giáp (Việt Nam). Những chữ biểu thị thời gian mà sau được gọi là Can và Chi đã xuất hiện sớm nhất với bằng chứng khảo cổ trong các “bốc từ” được khắc trên Giáp cốt văn có từ thời nhà Ân-Thương (1766–1122 TCN). Sau đây là chữ (Chi thứ 5)  từ Giáp cốt văn (1) (xem hình) :
 Trong bài viết Một vài ý kiến về “An Dương ngọc giản” và vấn đề Thục An Dương Vương, [14] học giả Trần Văn Giáp đã dẫn lời khảo thích của học giả Quách Mạt Nhược, (Thích Can Chi, tờ 1) như sau: “Từ Đông Hán (25-220 S.C.Ng) trở về trước, chưa hề có tên gọi “can chi”, người xưa gọi thập can là thập nhật (mười ngày), gọi thập nhị chi là thập nhị thần (mười hai giờ)” và theo tác giả thì: “ người sau dùng “chi can” để ghi năm, nhưng người xưa dùng “chi can” để ghi ngày”. Các học giả Trung Hoa đa số đều đồng ý cho việc sử dụng Can Chi để ghi năm bắt đầu từ nhà Đông Hán Quang Vũ Đế, năm Kiến Vũ thứ 30 (năm 54) [1]. Dấu vết xưa nhất hiện liên quan đến 12 Sinh Tiêu đã được xác định ở khoảng đời Tần (221-206 TCN), vào năm 1975, khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện ra ở vùng đất Thụy Hổ, huyện Vân Mộng, tỉnh Hồ Bắc một bộ sách Tần giản 秦简 (thẻ trúc đời Tần)  Nhật thư 日書, trong đó ở chương Đạo giả 盗者 đã ghi chép về 12 con vật phối ứng với 12 Địa Chi đáng chú ý là có một số dị biệt so với 12 con Giáp truyền thống [15]. Ở Vân Nam người ta đã phát hiện một di vật đồ đồng xanh (trống đồng) thuộc đời Tây Hán (206 TrCN–9 CN) khắc đầy đủ 12 chữ Hán của Thập nhị Chi đối ứng với hình ảnh 12 con vật và trong đó, Chi Thìn là con rồng [2], chứng tỏ từ thời Tây Hán, Vân Nam cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc  có thể đã chịu ảnh hưởng một hệ thống lịch pháp cổ của Trung Hoa. Vào thời Đông Hán trong sách Luận hành 論衡 (2) Vương Sung 王充 đã luận giải về 12 con thú tương ứng với 12 địa chi, trong đó cũng đã chỉ rõ : Chi Thìn là rồng (Thiên 66 - Ngôn độc) và Triệu Diệp 趙曄 trong sách Ngô Việt Xuân Thu 吴越春秋 (3) viết: 吴在辰其位: Đất Ngô tại Thìn, địa vị là rồng (Hạp Lư nội truyện quyển thứ 4). So sánh Nhật thư đời Tần với họa tiết đồ đồng Vân Nam đời Tây Hán và Luận hành đời Đông Hán ta thấy sự đối ứng của 12 con vật với 12 Chi là không hoàn toàn giống nhau, nhất là ở 3 cặp Ngọ/lộc, Mùi/mã, Tuất/dương (Nhật thư) so với Ngọ/mã, Mùi/dương, Tuất/khuyển (đồ đồng Vân Nam, Luận hành), trước Tần giản, hiện vẫn chưa tìm thấy bằng chứng của 12 con  Giáp đã hiện diện ra sao, điều này đã chứng tỏ 12 Chi chỉ đến đời Hán mới thật sự có 12 con vật tượng trưng đối ứng hoàn chỉnh và không thay đổi cho đến ngày nay. Đây chính là chứng cứ quan trọng để có thể khẳng định 12 Địa Chi ban đầu không phải là tên gọi 12 con vật quen thuộc xưa nay như nhiều người lầm tưởng.
          
          Như vậy, qua thư tịch và khảo cổ ở Trung Quốc cho đến nay ta có thể xác định Thập nhị Chi xuất hiện phổ biến từ thời Thương, lúc này chỉ là những ý niệm thuần  túy về thời gian và vào khoảng thời Tần đến Hán biểu tượng 12 con vật của 12 Địa Chi mới bắt đầu định hình và  phổ biến (4). Như vậy ban đầu THÌN không phải là tên gọi của con rồng mà chữ Hán viết là Chữ , theo các tự điển Hán xưa nay, chỉ ý niệm về thời gian (Từ 7 giờ sáng cho đến 9 giờ sáng). Chi thứ 5 là Thìn từ đời Hán đã gắn kết với biểu tượng của nó là hình tượng con rồng, long . Nhưng có một số nhà nghiên cứu lại không công nhận sự thật khách quan này và  đưa ra giả thuyết khác để chứng minh tên gọi THÌN ban đầu chính là tên gọi của con rồng, long  thậm chí có nhà còn khẳng định tên gọi Chi THÌN   thực ra có nguồn gốc từ tên gọi RỒNG của Việt Nam (5). Người ta đã quên rằng cũng chính vào thời Thương, cùng với chữ chữ ,  thì ch LONG (con rồng) đã được ghi nhận qua Giáp cốt văn (6), (xem hình)
và hơn nữa, theo Lê Anh Minh trong bài viết Hình tượng RỒNG trong văn hoá Trung Quốc và trong Chu Dịch [3] đã cho biết như sau: “Cuối năm 1987 tại huyện Bộc Dương 濮陽 tỉnh Hà Nam, người ta khai quật được một con rồng bằng gốm, giám định là có 6 ngàn năm tuổi...Sùng bái rồng trong xã hội nguyên thủy chiếm địa vị trọng yếu trong tín ngưỡng linh vật hay vật tổ (totemism: Đồ đằng sùng bái 圖騰崇拜) và liên quan mật thiết đến chính trị, kinh tế, văn học nghệ thuật, phong tục dân gian từ đời Hạ, đời Thương”. Như ở trên, người viết đã chứng minh là đến đời Hán 12 Chi mới thật sự có 12 con vật đại diện và không thay đổi cho đến ngày nay, cùng với kết luận này, đến đây sự thật đã sáng tỏ: ngay từ đời Thương, THÌN không phải là LONG   và 2 chữ này cũng không dùng thay lẫn nhau. Trong thư tịch từ thời Tiên Tần trở về sau, 2 chữ này cũng luôn được xác định  như thế.

          Trong lich sử, lịch pháp 12 con Giáp và con Rồng ở Việt Nam ra sao? Theo (Đại)Việt sử lược (khuyết danh đời Trần)[12] nước Văn Lang của Hùng Vương chưa có chữ viết, chỉ biết dùng cách thắt nút để ghi nhớ chính sự, không nói gì về lịch pháp Can Chi, hay 12 con giáp. Sau khi Nam Việt bị nhà Hán tiêu diệt, nước ta bắt đầu nội thuộc Trung Hoa và chịu ảnh hưởng văn hóa Hán sâu đậm, dĩ nhiên trong đó có hệ thống lịch pháp Trung Hoa cùng với biểu tượng của nó  là 12 Sinh Tiêu (con Giáp). Về phương diện  khảo cổ học, cho đến nay chưa có bằng chứng khẳng định dân tộc Việt Nam thời thượng cổ đã có chữ viết. Trên các di vật văn hóa Đông Sơn không hề thấy hình tượng, họa tiết 12 con giáp ứng với 12 Địa Chi. Vào thời thuộc Hán, ở Giao Chỉ, Giao Châu cũng không phát hiện được các bằng chứng về 12 con vật làm biểu tượng cho 12 Địa Chi. Về thư tịch cổ, dấu vết xưa nhất liên quan 12 con Giáp được ghi chép ở các truyền bản đời Trần là Việt sử lược, Thiền uyển tập anh[4], có lẽ đây là các bằng chứng sớm nhất về 12 con giáp đã xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ X-XI (4).  Riêng về dấu vết con rồng qua khảo cổ, hiện chưa có bằng chứng cho thấy con rồng đã xuất hiện ở đất Cổ Việt, hình tượng rồng  cũng chỉ được ghi chép trong truyền bản đời Trần là sách Đại Việt sử lược khi ghi chép về Đinh Bộ Lĩnh (thế kỷ X). Tuy nhiên có một số nhà nghiên cứu lại thích dựa vào hình tượng con vật giống hình cá sấu trên các di vật văn hóa Đông Sơn  để dùng làm chứng cứ cho giả thuyết về hình tượng con RỒNG được sáng tạo ra trên đất Cổ Việt và đưa ra luận cứ Chi Thìn chính là tên gọi “cổ” thuần Việt của con rồng. Có nhà đã tin vào truyền thuyết xưa để cho vùng đất hồ Động Đình là nơi phát tích của người Việt với hy vọng từ đây người Hán đã tiếp cận văn minh Việt (Bách Việt) phương Nam để tiếp thụ về hệ thống lịch 12 con Giáp. Theo truyền thuyết trong Lĩnh Nam Chích quái, Truyện Hồng Bàng kể về Kinh Dương Vương  nước Xích Quỷ (đất phương Nam) lấy con gái LONG Vương ở hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc LONG Quân, thế là người Việt xưa nay đều tự xưng là “con RỒNG cháu Tiên”, nhưng xét đến cùng, hồ Động Đình thuộc về lãnh thổ Trung Quốc (Hoa Nam) hiện nay và “mèo lại hoàn mèo”, con RỒNG vẫn xuất hiện tại đất Trung Hoa và hóa ra người Việt Nam chúng ta cũng chỉ là di duệ góp phần chứng minh nguồn gốc con RỒNG ở Trung Hoa mà thôi! Tưởng chừng chỉ có dân Việt mới là di duệ của RỒNG, không phải thế, vì chính người Trung Hoa họ cũng tự xưng là  dòng dõi của RỒNG, theo bài viết Tại sao người Trung Quốc lại gọi mình là “con cháu của Rồng(7), truyền thuyết kể rằng: “Trước khi Hoàng Đế thống nhất Trung nguyên coi “Gấu” là Tô-tem. Sau khi thống nhất Trung nguyên, để lấy lòng các bộ tộc qui thuận, Hoàng Đế từ bỏ tô-tem Gấu thay bằng một tô-tem mới gọi là “Long” tức rồng, nó được kết hợp giữa đầu tô-tem Gấu với thân tô-tem một loài rắn. Thực ra tô-tem Rồng là sự hết hợp hình ảnh của tô-tem bộ tộc cha với tô-tem bộ tộc mẹ của Hoàng Đế…truyền thuyết “Cảm Thiên Nhĩ Sinh”, nói rằng Viêm Đế là con của Trần Long với một thiếu nữ tên là Đăng, Hoàng đế là được sinh ra do cảm động của “Sao bắc đẩu”, Nghiêu là được sinh ra bởi sự cảm động Xích Long. Thủy tổ của dân tộc Trung Hoa là hóa thân của Rồng”. Thật rắc rối, cả Hoa lẫn Việt đều là dòng dõi của RỒNG!

           Có lẽ vì thấy truyền thuyết khó có thể dùng làm chứng cứ khoa học nên các nhà nghiên cứu  đã chuyển hướng về vùng đất bản địa  của Cổ Việt với các di vật khảo cổ và các dấu vết ngữ âm cổ, tiêu biểu cho khuynh hướng này, đáng chú ý là luận cứ ngữ âm học lịch sử của cố Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn qua bài viết Về tên gọi con rồng của người Việt [7], tác giả viết: “…mối quan hệ giữa Thìn với rồng. Thìn thuộc vận bộ chân, thanh mẫu thiền. Trong Hán ngữ sử cảo, giáo sư Vương Lực cho biết rằng thời Kinh Thi, thiền đang là một âm /z/ mặt lưỡi trước (tạm ghi là /z’/) và chân đang là vần /en/, nghĩa là thìn phải được phục nguyên thành /z’en/. Rõ ràng là quá xa với /rông/ của cùng thời ấy. Thìn đúng là không bắt nguồn từ tên gọi con rồng của người Hán. Nhưng nếu đem so sánh với tên gọi con rồng /mahing/ của người Thà Vựng thì như thế nào? …chúng ta đã ngờ rằng /mahing/ ứng với tên rắn /mơsinh/ mà dạng phục cổ được phục nguyên là /psănh/…Cho /z’en/ ứng với /psănh/ thì hóa ra kết luận rằng Thìn  là một tên gọi loài rồng – rắn, rồng là một tên gọi gốc từ Proto Việt-Chứt, và cư dân Proto Việt-Chứt hóa ra lại là một trong những tác giả đã tham gia góp phần vào việc hình thành nên hệ thống tên gọi  12 năm!”  Không chỉ “Thìn  là một tên gọi loài rồng – rắn” đâu, theo tác giả còn: “Hình khắc ở thạp Đào Thịnh, ở lưỡi giáo núi Voi cho phép ta nghĩ rằng ta vốn có một tên gọi loài rồng – cá sấu theo kiểu rồng /khlụ/ của vùng Poọng. Tác phẩm nghệ thuật của các đền chùa Lí – Trần lại cho phép nghĩ rằng ta cũng vốn có cả một tên gọi loại rồng – rắn theo kiểu rồng /mahing/ ở vùng Thà Vựng”. Mặc dù tác giả nghiên cứu với tinh thần khoa học đầy cẩn trọng nhưng cuối cùng kết luận lại đi đến “nước đôi”: Thìn  là một tên gọi loài rồng – rắn /mahing/ ở vùng Thà Vựng hay là rồng – cá sấu /khlụ/ của vùng Poọng! Hóa ra ở Việt Nam RỒNG có thể thoát thai từ cả 2 loài, song sự thật chỉ có một, nhưng dù là RẮN hay SẤU thì đâu phải chỉ có vùng châu thổ sông Hồng mới có. Các học giả Trung Hoa, cho đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác của con RỒNG dù nhiều giả thuyết về nguồn gốc của RỒNG đã được đề xuất, trong đó có thuyết cho con RỒNG nguyên gốc là con RẮN hay CÁ SẤU từ lâu rồi. Tác giả cũng quên rằng hình tượng con RỒNG đã được khảo cổ Trung Hoa phát hiện ra có niên đại trước cả chữ ở Giáp cốt văn đời Thương, chắc chắn thời này đã có tên gọi chỉ con rồng  và dĩ nhiên Chi thứ 5 - nếu thật ban đầu chỉ tên gọi con rồng - hẳn nhiên phải là chữ chứ không phải là chữ . Thật khó tưởng tượng khi cho người Hán đã học các âm  /psănh/ (rắn) ở vùng Thà Vựng hay /khlụ/ (sấu) của vùng Poọng xa cách nghìn trùng về địa lý (không có bằng chứng thư tịch, khảo cổ chứng minh có sự giao tiếp Hán và Việt trước khi Triệu Đà xâm lược Âu Lạc mà trong đó có Cổ Việt) để rồi đến đời Thương sau khi học hỏi đã tôn hình tượng con RỒNG trở thành “vật tổ” và sau dùng làm tên gọi cho Chi THÌN ! Các tên gọi của /psănh/ (rắn) hay /khlụ/ (cá sấu) không phải là tên gọi ban đầu của con rồng cho dù giả định chúng là vật tổ của con rồng đi nữa do đó nếu lấy các tên của con vật tổ là rắn, cá sấu dùng để lý giải, gán ghép vào tên gọi của Chi THÌN sẽ một nghịch lý, mà đúng lý ra, phải dựa vào tên gọi của chính con rồng sau khi hóa thân từ con rắn hay cá sấu mới là một chứng lý cần thiết để đối chiếu ngữ âm. Đáng tiếc là cho đến nay không có một phát hiện nào về ngữ âm cổ của người Việt đã gọi một tên gốc khác, thuần Việt chỉ con rồng. Tiếng gọi “rồng” của Việt Nam theo các nhà ngữ học Hán và Việt [9] có gốc từ tiếng Hán (Tây – Đông Hán) vì cả phụ âm, cả vần lẫn thanh điệu đều rất cổ, những tiếng Hán cổ có phụ âm thuộc nhóm Lai đọc là /r/ đến đời Tam Quốc âm /r/ mới chuyển thành âm /l/, Long là âm đọc Hán Việt nhập khoảng cuối đời Đường, do đó dù là RỒNG hay LONG cũng chính là tiếng gốc Hán. Cho nên, để giải quyết nghịch lý này có nhà đã dựa vào âm “luồng” trong “Thuồng luồngđể dùng làm chứng cứ như tên gọi gốc thuần Việt của con rồng nhưng không may, con Thuồng luồng theo hiểu biết của người xưa lại không phải là con Rồng, Long trong sách chữ Nôm Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa [13] (khoảng thế kỷ XVII)  soạn giả đã ghi nhận: “Mãng xà: rắn cả thuồng thuồng mốc liên”Thuồng thuồng đã được vua Tự Đức xác nhận trong Tự Đức Thánh chế tự học giải nghĩa ca (thế kỷ XIX) [10] như sau: Giao   thuồng luồng. Vậy Thuồng luồng là con  giao, rắn lớn (trăn) chứ không phải là con RỒNG.

             Chính vì xuất phát từ  một tiền đề sai lạc: THÌN = RỒNG mà thực chất như người viết đã khảo chứng: THÌN ban đầu không phải là LONG ,  đã khiến cho Gs Nguyễn Tài Cẩn và một số nhà nghiên cứu văn hóa, ngữ học trong và ngoài nước dù với nhiều tâm huyết, nặng lòng với văn hóa dân tộc rất đáng trân trọng nhưng lại bị trệch hướng và dẫn đến các luận cứ mơ hồ, chủ quan, thiếu giá trị thuyết phục một cách khoa học, khi nỗ lực truy nguyên Chi THÌN  sinh ra từ tên gọi con vật nguyên gốc của  con rồng bằng tiếng Việt cổ rồi cho rằng lịch pháp 12 Địa Chi do người Việt sáng tạo nên chứ không phát nguyên từ Trung quốc, nhưng thật đáng tiếc là luận điểm này đã xa rời sự thật trước các bằng chứng khảo cổ, thư tịch, ngôn ngữ…

Thay lời kết:
           
            Địa Chi thứ 5 là THÌN đã xuất hiện từ đời Thương và ban đầu là tiếng chỉ thời gian  chứ không phải là tên gọi con RỒNG. Hình tượng con RỒNG đã được Khảo cổ học Trung Quốc phát hiện có niên đại 6000 năm và chữ cũng đã có mặt trong Giáp cốt văn. Chỉ tới khoảng thời Hán, mới thấy hình thành cố định một hệ thống biểu tượng 12 con vật  phối ứng với 12 Địa Chi rồi phổ biến cho đến ngày nay, trong đó Chi THÌN biểu tượng là con rồng, LONG . Ở Việt Nam, chưa có các bằng chứng từ khảo cổ, thư tịch, ngôn ngữ… cho thấy hệ thống lịch 12 con Giáp và  dấu vết con rồng đã từng xuất hiện ở Việt Nam thời cổ đại. Tên gọi RỒNG và cả âm đọc LONG của người Việt Nam xưa nay có gốc từ tiếng Hán cổ qua giai đoạn lịch sử từ khi Cổ Việt bị nhà Triệu và nhà Hán xâm lược, thôn tính. Hệ quả là người Việt đã  chịu ảnh hưởng hệ thống lịch pháp cổ của Trung Hoa, trong đó có Chi THÌN cùng với biểu tượng của nó là con RỒNG.
          
          Tuy vậy, suốt hơn 2000 năm qua, hình tượng con RỒNG đã hội nhập vào tâm linh, đời sống, ngôn ngữ, lịch pháp, văn học, nghệ thuật...Việt Nam và đã được bao thế hệ tiền nhân ở các triều đại từ nhà Đinh đến nhà Nguyễn biến hóa, thăng hoa trở thành một hình tượng con RỒNG mới với hình thức và nội dung mang dấu ấn sâu đậm bản sắc dân tộc Việt khác hẳn hình tượng con Rồng  gốc Trung Quốc.

                                                      Biên Hòa, ngày đầu năm Nhâm Thìn  18 tháng 02 năm 2012
                                                                                                    Đinh Văn Tuấn



Chú thích

1. Theo http://www.internationalscientific.org/CharacterEtymology.aspx?submitButton1=Etymology&characterInput=%E8%BE%B0
2. Theo http://www.guoxue.com/zibu/lunheng/lhml.htm
3. Xem  http://ctext.org/wu-yue-chun-qiu/zhs
4. Xem thêm Đinh văn Tuấn, Biểu tượng khởi thủy của Địa Chi Mão là tên gọi con thỏ hay tên gọi con mèo? Tạp Chí Ngôn Ngữ  số 3/2012
5. Xem như  An Chi, Chuyện Đông chuyện Tây (tập 4), Nxb Trẻ 2006, mục “Tại sao Thìn lại là rồng?” và Nguyễn Cung Thông, Nguồn Gốc Việt Nam của Tên 12 con Giáp: Thìn, Thần, rồng (phần 8),  nguồn  http://htx.dongtak.net/spip.php?article1291
6. Theo http://www.internationalscientific.org/CharacterEtymology.aspx?submitButton1=Etymology&characterInput=%E9%BE%8D
7. Theo  http://vietnamese.cri.cn/chinaabc/chapter14/chapter140504.htm

Tài liệu tham khảo  
1.          Đàm Gia Kiện (chủ biên), Lịch sử văn hóa Trung Quốc, Nxb KHXH, 1999
2.          Gia Bảo, Ngọc Duyên, Họa Tiết Trang Trí Đồ Đồng Xanh - Các Dân Tộc Thiểu Số Trung Hoa, NXB Mỹ thuật 2006
3.          Lê Anh Minh (Dịch chú), Chu Dịch đại truyện, NXB Khoa học xã hội  2003
4.          Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú thích) Thiền uyển tập anh, Phân viện Nghiên cứu Phật học, NXB Văn Học, Hà Nội –1990
5.          Nguyễn Hiến Lê, Kinh Dịch, Đạo của người quân tử,  Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1994
6.          Nguyễn Quảng Tuân, Năm Mão và con Mèo qua thơ văn, Tạp Chí Hồn Việt Xuân Tân Mão số 43, 12/1/2011
7.          Nguyễn Tài Cẩn, Một số chứng tích về văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001
8.          Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tái bản lần hai  2001
9.          Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên) Lược sử Việt ngữ học (tập 2), Nxb Giáo Dục  2008
10.        Phan Đăng (dịch), Thơ văn Tự Đức tập 3, Nxb Thuận Hóa , Huế 1996
11.       Tạ Quang Phát, Vân Đài Loại ngữ tập I, (dịch ), NXB Văn Hóa Thông Tin, 1995
12.       Trần Quốc Vượng (dịch), Việt sử lưọc, NXB Thuận Hóa- Trung Tâm Văn Hóa Đông Tây . 2005
13.       Trà̂n Xuân Ngọc Lan (phiên âm và chú giải) Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1985
14.       Viện Sử Học, Nhà sử học Trần Văn Giáp, Nxb KHXH, Hà Nội 1996
15.     饒宗頤- (),雲夢秦日書研究,中文大學出版社,香港,1982
(Đăng trên Tạp Chí Ngôn Ngữ số 7. 2012)


1 nhận xét:

  1. Con người thì điều gì tốt đẹp đều nhận là của mình, còn cái xấu thì là của người. Luôn cho mình là con Rồng cháu Tiên, nhưng thể hiện sống như dã thú đối với thế nhân..v.v

    Trả lờiXóa