Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Trao đổi với Học giả An Chi về bài viết “Cả dân gian lẫn trí thức đều có thể sai”



                                
                                                                       Đinh Tuấn
   
          Trên báo Năng Lượng Mới số 268, 25-10-2013 có đăng bài viết của Học giả An Chi: “Cả dân gian lẫn trí thức đều có thể sai”, mục đích phê bình tôi (bút hiệu Đinh Tuấn ở Diễn đàn Viện Việt học) về cách đọc chữ LẠC (trong LẠC long quân) của cổ nhân. Được Học giả An Chi quan tâm và trao đổi là một niềm vinh dự của tôi, xin thành thực cảm ơn Học giả. Trên tinh thần học hỏi và yêu chuộng sự thật, tôi xin trao đổi lại đôi điều:
          An Chi: “1.- Đinh Tuấn khẳng định rằng Bento Thiện không tự ý đọc mà chỉ dựa vào âm “lạc” truyền thống từ ký ức dân gian cũng như cách đọc của các nhà Nho xưa mà thôi. Về nguyên tắc, khăng định như thế là hoàn toàn võ đoán, trừ phi Đinh Tuấn có bằng chứng cụ thể, chắc chắn, chứng tỏ rằng cái chữ mà Bento Thiện đọc thành “lạc” đích thị là chữ [] (bộ “trãi”). Thực ra, lúc đó, ông ta dựa vào “ký ức dân gian”, ông ta theo “cách đọc của các nhà Nho xưa” hay ông ta đang nhìn vào một bản khắc in, một bản chép tay để tự mình đọc thành âm “lạc” một chữ mà ngày nay không ai biết đến tự dạng cụ thể? Chỉ có Chúa và Bento Thiện biết thôi chứ Đinh Tuấn và An Chi thì dứt khoát không có thẩm quyền để trả lời cho câu hỏi này. “Lạc” là cái âm mà Bento Thiện dùng để đọc đích thị chữ Hán nào, (bộ “trãi”[]), (bộ “chuy”[]) hay (bộ “mã”[]), hay một chữ “lạc” nào khác nữa, trong sách của ai thì chính Đinh Tuấn cũng không thể biết được.”
    Đinh Tuấn: Thực ra chủ đề về chữ và cách đọc “lạc”  đã được tôi và các thành viên Viện Viện Học phân tích, tìm hiểu từ mấy năm qua nhưng vẫn chưa một ai dám khẳng định, đi đến một kết luận khoa học rằng chữ và cách đọc “lạc” là sai lầm truyền kiếp. Nhưng ít nhất cũng nêu ra được một sự thật: Chữ LẠC trong “LẠC Long Quân” trong thư tịch cổ đều hầu như thống nhất một tự dạng và về âm đọc cũng thế, từ xưa đến nay đều là LẠC. 
         Lạc Long quân 貉龍君,xét về sách chữ Hán Nôm, sách  sớm nhất hiện còn là Lĩnh Nam trích quái (khuyết danh , khoảng đời Trần) viết là 貉,sau đó có thể kể đến Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên, 1697), Việt sử diễn âm (khuyết danh , khoảng đời Mạc), Thiên Nam minh giám, Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh , khoảng đời Lê), Đại Nam quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái, Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca, Việt sử tiệp lục diễn nghĩa (khuyết danh), Việt sử cương mục tiết yếu, Đặng Xuân Bảng,  (Đời Nguyễn) đều thống nhất tự dạng (không tìm thấy tự dạng khác như hay ).  Về sách viết bằng chữ Quốc ngữ thì sớm nhất hiện còn là tập chép tay về lịch sử nước An Nam của Bento Thiện viết vào năm 1659, tiếp đến là Notes historiques sur la nation annamite của  P. Le Grand de La Liraÿe  (1866),  Tóm lại về sự tích các đời vua nước Annam, Trương Vĩnh Ký (1877), Lược biên Nam Việt sử ký lịch triều niên kỷ (1894), Georges Maspero (cũng viết chữ Hán là ), Quảng tập viêm văn (1898), Edmond Nordemann (cũng viết chữ Hán là 貉), Nam Việt lược sử, Nguyễn Văn Mại (1919) , Tối tân Quốc văn tập đọc (Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, 1907, cũng viết chữ Hán là ) tất cả đều ký âm chữ La Tinh là “Lạc”.  Đây chính là những chứng cứ xác thật khẳng định một truyền thống từ ngàn xưa mà không hề có một nhà Nho uyên thâm Hán học nào  lên tiếng phản đối hay tự ý sửa lại cho dù đó là một bậc vua chúa hay các sử  thần, các văn nhân, thi gia mọi thời đại. Tất cả đều là LẠC ! Bento Thiện là một trí thức thế kỷ XVII, dĩ nhiên ông tinh thông chữ Hán, Nôm và  thông qua tập sử lược của ông, ta nhận thấy vị thầy giảng này tỏ ra rất am tường lịch sử, văn hóa, phong tục nước Đại Việt và chắc chắn ông đã từng đọc các sử sách, văn tập  đương triều viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm chứ không thể viết bằng trí nhớ được. Ông đương nhiên  không thể tự đọc ra âm “lạc” nhưng chỉ là đọc theo cách đọc truyền thống của tiền nhân  cũng như các nhà Nho đương thời.
        Từng có nhiều chữ Hán (những chữ bình thường của nhân danh, địa danh…) bị đọc sai do lầm tự dạng hay do đọc vì kiêng húy…nhưng sau có thể được hậu nhân sửa lại theo đúng phiên thiết hay âm đọc Hán Việt chính của tên húy và đời sau đã đọc khác đời trước nhưng đặc biệt tên của tổ tiên dân tộc Việt Nam là LẠC long Quân lại khác, chưa từng thấy trong thư tịch xuất hiện một hiện tượng đính chính chẳng hạn như   do viết lầm từ hay và thay vì là “lạc” sẽ là hạc hay mạch.  Trên Diễn đàn VVH, tôi đã gợi ý rằng, đây có thể là một ẩn ngữ của tổ tiên để lại và cần được các nhà ngữ học, sử học  đời nay tìm hiểu, khám phá  ra thông điệp của tổ tiên. Tôi đã tìm hiểu ra dân Quảng Đông  (và Khách Gia còn gọi là Hẹ) đã từng có một cách đọc khác phiên thiết, chữ đọc là “lok 3” (….), sự giống nhau của  “lok 3”  và “lạc” là một trùng hợp đáng ngạc nhiên! và tôi đã gợi ý,  rất có thể xưa kia dân Việt  và Quảng có một mối quan hệ chung về lịch sử, văn hóa nói và  ít nhất là về mặt phát âm, cách đọc chữ Hán. Cũng có khả năng cả Việt lẫn Quảng đã lưu lại vết tích cổ âm trước Đời Đường Tống (thời kỳ hình thành ổn định âm đọc Hán Việt) Dĩ nhiên cần phải tìm hiểu sâu mới có thể tìm ra bằng chứng về mối liên quan thú vị này, rất có thể hứa hẹn một khám phá mới liên quan đến nguồn gốc dân tộc Việt Nam chăng? Khẳng định của Học giả An Chi khi cho âm đọc “lạc” và chữ Hán  là một sai lầm từ tiền nhân là không vững vì nếu chỉ dùng cách phiên thiết từ từ thư, vận thư (điều mà ai chuyên học chữ Hán đều biết) sẽ không đủ thuyết phục, An Chi cần  phải tìm ra các chứng cứ trong thư tịch Hán Nôm, Quốc ngữ chứng minh đã từng có hiện tượng: chữ đã được sửa lại là hay LẠC Long Quân viết là là HẠC (MẠCH) Long Quân. Và như thế làm sao An Chi có thể tuyên bố một cách tùy tiện:  “… Dù các vị có uyên bác đến đâu cũng không có nghĩa là các vị tuyệt đối không sai trong bất cứ trường hợp nào. Cách kiểm chứng hữu hiệu và đáng tin phải là qua thư tịch chứ không phải chủ yếu là dựa vào dân gian khi ta muốn đi vào từ nguyên; mà đối với chữ [] đang xét thì phiên thiết trong tự thư, vận thư đều không ghi âm “lạc” và  Chúng tôi không cho rằng các cụ ta ngày xưa lại dốt đến độ không biết rằng chữ [] không thể đọc thành “lạc”, trong khi các vị có thể chọn những chữ “lạc” khác, chẳng hạn như chữ []”

An Chi: “4…“Đây là một quyển sử có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và trong nửa đầu của thế kỷ XX thì nó gần như là một quyển sách độc tôn về lịch sử tương đối đầy đủ và có hệ thống của đất nước và dân tộc(...) Tuy nhiên, ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Trần Trong Kim được vì các tác giả về sau có trách nhiệm phải khảo chứng, chứ không thể nghe theo ông một cách mù quáng (nếu đúng là họ đã nghe ông). Rất có thể là trước cả Trần Trọng Kim cũng đã có người/nguồn đọc như thế, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là do quyển sử của học giả họ Trần.”Chúng tôi chỉ ghi nhận một thực tế như trên chứ không lên án hay kết tội ai cả. Vấn đề chỉ là ở chỗ sự ghi nhận đó có đúng hay không mà thôi.”
      Đinh Tuấn: Thực ra cuốn sách phổ biến trong giới trí thức Nho học chính là  Tối tân Quốc văn tập đọc do Đông Kinh Nghĩa Thục ấn hành năm 1907 chứ không phải là Việt Nam sử lược, phong trào ĐKNT tuy chỉ tồn tại vài tháng nhưng đã phát triển rộng rãi và gây tiếng vang trong mọi tầng lớp xã hội. Nếu kể tội (theo lập luận của An Chi) thì sau ĐKNT, tất cả các nhà Nho, trí thức, học giả , không chỉ một mình Trần Trọng Kim hay những người sau ông sẽ là : “các tác giả về sau có trách nhiệm phải khảo chứng, chứ không thể nghe theo (…)một cách mù quáng” không những thế, trước ĐKNT, tất cả trí thức mọi thời đại cũng “mù quáng” như tác giả Lĩnh Nam trích quái, Ngô Sĩ Liên , B. Thiện ….khi viết 貉, LẠC!
         Vấn đề quan trọng ở chỗ, Học giả An Chi đã không đủ chứng cứ thuyết phục khi khẳng  định cách đọc chữ Hán là một sai lầm: Tóm lại, chữ [] không thể đọc thành “lạc”.  Tôi cho rằng, cách đọc LẠC là một truyền thống từ ngàn xưa của tổ tiên lưu truyền hậu thế, nó có một lý do nào đó mà ngày nay mọi người, từ trí thức lẫn bình dân cần phải nỗ lực tìm hiểu một cách khoa học và khám phá ra thông điệp bí ẩn của tiền nhân để  “ôn cố tri tân” và không phụ lòng tổ tiên.
                                                     
                                                                   Biên hòa ngày 28 tháng 10 năm 2013

       




Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Không có địa danh về lăng mộ Quang Trung trong bài thơ “Kiến quang trung linh quỹ” của Lê Ôn Phủ



ĐINH VĂN TUẤN

Giữa lúc các nhà nghiên cứu sử học đang sôi nổi, tranh biện về cuộc tìm kiếm di tích lăng mộ Quang Trung nhưng vẫn chưa tìm ra bằng chứng xác thật thì bất ngờ trên Tạp chí Xưa & Nay năm 2005(1), hai nhà nghiên cứu Hồng Phi và Hương Nao đã phát hiện và công bố một bài thơ chữ Hán Kiến Quang Trung linh cữu được chép trong Nam hành tạp vịnh tập 2 của bản chép tay Liên Khê di tập do danh sĩ Thanh Hóa là Lê Ôn Phủ(2), hiệu là Liên Khê (1771 - 1846) trước tác.

Nguyên tác bài thơ bằng chữ Hán của tác giả Lê Triệu, vừa được hai nhà nghiên cứu Hồng Phi và Hương Nao sưu tầm và công bố - Ảnh: internet
Vấn đề quan trọng mà các tác giả nêu ra chính là ở chữ thứ nhất của câu thơ thứ tư đó là chữ “Khuân”: “…trong chuyến Nam hành. Lê Triệu đã đến thăm phần mộ Quang Trung, như vậy ông là người biết rõ vị trí lăng Quang Trung ở một ngọn núi có tên là “Khuân Sơn”. Trong nguyên bản “Khuân” là một chữ Nôm, rất ít dùng, viết theo tên gọi của địa phương”. Trong phần chú thích số 3 của bài viết, tác giả đã thử xác định: “Khuân Sơn, theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, tập I (Nxb. Thuận Hóa, Huế 1992) chép: “Núi Khuân Sơn ở phía nam huyện Phong Điền, có tên nữa là Thương Sơn, vì hình núi tròn như vựa thóc, thượng lưu sông Phong Điền chảy về phía Tây, có một con đường theo ven núi chạy về phía Bắc, đi theo về phía Tây có thể đến đất người Man Thượng” (tr. 133)”. Sau khi bài viết trên được công bố, ngay lập tức đã được giới sử học quan tâm đặc biệt, làm dấy nên một niềm hy vọng và cuộc truy tìm mới về chữ nghĩa của “Khuân” cũng như về vị trí của núi “Khuân Sơn” liên quan đến lăng mộ Quang Trung. Điển hình là ngày 8/2/2006, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế đã tổ chức một cuộc tọa đàm “Hướng đi tìm lăng mộ Quang Trung” và có mời hai tác giả Hồng Phi - Hương Nao tham dự. Nhưng cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã không đi đến kết luận nào vì chữ của bài thơ viết thảo khó đọc, Trần Viết Điền phủ nhận cách đọc “Khuân” và đọc là “Ngụy” hay Lê Nguyễn Lưu đọc là “Xước”… nhưng chẳng có cách đọc nào đủ sức thuyết phục cả! Cho đến nay, ẩn tự trong bài thơ của Lê Ôn Phủ vẫn chưa được giải mã. Chính vì vậy, bài viết này sẽ cố gắng làm sáng tỏ một nghi vấn về văn tự cổ cũng như xét lại khả năng có liên quan gì đến lăng mộ Quang Trung hay không?

Trong nguyên bản chép tay (xem hình), chữ thứ nhất của câu thơ thứ tư được viết theo dạng thảo thư so với tự dạng, những cách đọc trước như khuân 麇 hay ngụy 魏… tuy hao hao mặt chữ nhưng cũng không thật chính xác và ý nghĩa không khớp với văn mạch. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, chúng tôi cho rằng đây chính là chữ Ly 驪 được viết theo lối thảo thư, vậy sẽ là Ly Sơn 驪山. Ly Sơn chính là lăng mộ của Tần Thủy Hoàng(3), sau khi nhà Tần sụp đổ, lăng mộ của vua Tần đã bị Hạng Vũ cho đào phá để lấy châu báu(4). Ly sơn đối ứng Hàm dã (Hàm Đan) ở câu trên, cũng là nơi quân Tần đại bại trước liên quân 3 nước Ngụy, Triệu, Sở vào thời Chiến Quốc(5). Như vậy Ly sơn, Hàm Đan dùng theo điển tích Trung Quốc và 2 câu thơ 3, 4 sẽ như sau: “邯 野 毒 流 千 萬 骨, Hàm dã độc lưu thiên vạn cốt, 驪 山 禍 在 百 年 墳, Ly sơn họa tại bách niên phần” (Đất Hàm Đan, nỗi căm hận còn mãi nơi muôn vàn hài cốt, Núi Ly Sơn lại gây họa đến phần mộ trăm năm).

Hiển nhiên, Lê Ôn Phủ chỉ viết về Ly Sơn 驪山 chứ không hề nói gì về địa danh lăng mộ vua Quang  Trung như Hồng Phi - Hương Nao đã ngộ nhận là Khuân Sơn hay Thương Sơn! Chúng tôi đã tìm ra dị bản chép tay Liên Khê di tập 蓮 溪遺集(6) với lời đề tựa có niên đại Tự Đức ngũ niên Nhâm Tý (1852), trong đó có bài thơ Kiến  Quang  Trung linh  quỹ  見光中灵櫃 được chép tay rõ ràng ở trong tập Liên Khê nam hành tạp vịnh 蓮 溪南行雜詠, trang 49 (xem hình). Ở bài tựa Liên Khê nam hành tạp vịnh của Lê Ôn Phủ thấy dòng lạc khoản: “Hoàng triều Gia Long Ất Sửu niên 皇 朝嘉隆 乙丑年” (Gia Long năm 1805). Chúng tôi đã đối chiếu lại bài thơ do Hồng Phi - Hương Nao công bố thì thấy chữ thứ nhất ở câu thơ thứ tư được người sao chép viết chính xác là (驪). Do đó có thể khẳng định chỉ có LY SƠN (lăng mộ vua Tần) chứ không có địa danh về lăng mộ Quang Trung và nhân tiện cũng xin nêu thêm một số điểm cần hiệu chỉnh: Chữ cuối cùng trong đề bài không phải là chữ cữu 柩 mà là chữ quỹ 櫃 nên đề bài sẽ là Kiến Quang Trung linh quỹ 見光中灵櫃, linh quỹ 灵櫃 nói về cái cũi đựng hài cốt của vua Quang Trung sau khi bị Gia Long quật mộ trả thù, lăng nhục (1802). Nếu là linh cữu 灵 柩 sẽ hiểu là thi hài (mới chết chưa chôn) của Nguyễn Huệ còn nằm trong áo quan và như vậy không phù hợp với văn cảnh khi nhà thơ Lê Ôn Phủ ngậm ngùi than: “光 景 一 般 成齏粉, Quang cảnh nhất ban thành tê phấn” (Quang cảnh nay đều đã trở thành cát bụi), cũng ở câu này chữ cuối cùng Hồng Phi - Hương Nao đã đọc là mị là không đúng, xét mặt chữ nó phải là chữ dị thể của 齏(7), nhưng ở đây âm “tê” lại không đúng niêm luật bằng trắc! Người viết cho rằng chắc hẳn khi sao chép di cảo của Liên Khê, người chép đã sơ xuất viết lầm trật tự của 2 chữ tê phấn 齏粉 ra phấn tê 粉齏, trong Hán văn, tê phấn 齏 粉 (hay 齑粉) có nghĩa là bụi nhỏ(8), âm nghĩa phù hợp văn cảnh, niêm luật câu thứ 7. Ở câu thứ 5, chữ thứ 3, 4 Hồng Phi - Hương Nao đọc là chỉ chỉ cũng không đúng mặt chữ Hán, đúng ra phải là mẫn mẫn 泯泯. Theo Khang Hy tự điển(9): “泯泯,猶茫茫也, mẫn mẫn, do mang mang dã”: mẫn mẫn còn có nghĩa là mờ mịt.

Sau đây chúng tôi xin chép lại bài thơ (phiên âm, dịch nghĩa) như sau:

Bài thơ chép tay Kiến  Quang  Trung linh  quỹ trong tập Liên Khê nam hành tạp vịnh
見 光 中 灵 櫃
Kiến Quang Trung linh quỹ
卄 年 叱 吒 走(10) 風 雲
Chấp niên sất trá tẩu phong vân
如 此 英 雄 古 罕 聞
Như thử anh hùng cổ hãn văn
邯 野 毒 流 千 萬 骨
Hàm dã độc lưu thiên vạn cốt
驪 山 禍 在 百 年 墳
Ly sơn họa tại bách niên phần
空 含 泯 泯 千 秋 恨
Không hàm mẫn mẫn thiên thu hận
孤 負 堂 堂 八 尺 身
Cô phụ đường đường bát xích thân
光 景 一 般 成 齏 粉
Quang cảnh nhất ban thành tê phấn
令 人 終 古 笑 嬴 秦
Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần

Tạm dịch:
Nhìn thấy Linh quỹ (cũi nhốt hài cốt) của vua Quang Trung
Hai mươi năm thét gào làm gió cuốn mây bay
Như thế thôi cũng xứng bậc anh hùng xưa nay hiếm

Đất Hàm Đan, mối căm hận còn mãi nơi muôn vàn hài cốt
Núi Ly Sơn lại gây họa đến phần mộ trăm năm
Chỉ còn ẩn kín mịt mờ mối hận ngàn năm

Phụ lòng đến tấm thân của bậc chí cao khí lớn
Quang cảnh nay đều đã trở thành cát bụi

Khiến cho người đời xưa nay cười nhạo Doanh Tần.

Hồng Phi - Hương Nao đã nhận định: “…bài thơ “Nhìn thấy linh cữu Quang Trung” của Lê Triệu mới được phát hiện, quả có giá trị về nhiều mặt. Trước hết, ông là một Nho sĩ công khai sáng tác thơ cho biết mình đã đến nơi lăng mộ của Quang Trung, chỉ sau mấy năm bị Gia Long khai quật, hình dung như thấy linh cữu và cả tiếng thét của người anh hùng áo vải ở Bân Sơn trong lễ tuyên thệ lên ngôi vua để kéo quân ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh xâm lược năm 1788, ca ngợi Quang Trung là người anh hùng và lên án Gia Long tàn bạo như Doanh Tần (Tần Thủy Hoàng) bên Trung Quốc. Qua bài thơ, Lê Triệu còn cho biết, tính từ năm Nguyễn Huệ lên ngôi vua đến khi tác giả tới thăm nơi đặt linh cữu của ông chỉ mới 20 năm (Trấp niên sất sá tẩu phong vân), tức vào năm 1808, sau khi lăng mộ vị anh hùng bị khai quật mới có 6 năm, ấy thế mà tất cả nơi đây đã không còn dấu tích (Quang cảnh nhất ban thành phấn mị).” Theo thiển ý, Lê Ôn Phủ không thể viết trực ngôn như thế được vào ngay đầu triều Gia Long vì sẽ tự gây họa văn tự, khi quân phạm thượng dẫn đến họa sát thân, tru di tam tộc. Ngược lại nhà thơ rất thâm thúy và khéo léo thông qua bài thơ này nhằm ám chỉ về Nguyễn Huệ (Hai mươi năm thét gào làm gió cuốn mây bay, Như thế thôi cũng xứng bậc anh hùng xưa nay hiếm), dù là bậc anh hùng xuất chúng với những chiến công bắt đầu từ khi anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa năm 1773 (anh em Tây Sơn nổi tiếng với tiếng thét, la ó xung trận)(11) và với 2 chiến thắng vang dội: chiến thắng quân Xiêm, trận Rạch Gầm - Xoài Mút 1785 và đại phá quân Thanh xâm lược, Kỷ Dậu 1789 (từ 1773 đến khi Nguyễn Huệ mất vào năm 1792, suýt soát 20 năm). Vương triều Tây Sơn cuối cùng rồi cũng bị Gia Long tiêu diệt (nỗi căm hận còn mãi nơi muôn vàn hài cốt) và ngay cả phần mộ Nguyễn Huệ cũng bị tàn phá, lăng nhục (gây họa đến phần mộ trăm năm). Đứng trước linh quỹ của vua Quang Trung, tác giả như nuối tiếc, khóc than lặng lẽ (Chỉ còn ẩn kín mịt mờ mối hận ngàn năm, Phụ lòng đến tấm thân của bậc chí cao khí lớn) và như đang ngậm ngùi xót xa (Khiến cho người đời xưa nay cười nhạo Doanh Tần). Ở đây nhà thơ không phải “lên án Gia Long tàn bạo như Doanh Tần” (Hồng Phi - Hương Nao) mà cũng không phải liệt Nguyễn Huệ như Tần Thủy Hoàng “bạo chúa” nhưng có thâm ý sánh Nguyễn Huệ ngang hàng bậc đại anh hùng xuất chúng như Tần Thủy Hoàng đã chiến thắng các nước và thống nhất Trung Quốc, thế mà nay đang bị người đời (Vua quan và những người thần phục nhà Nguyễn) mỉa mai cười nhạo!

Tóm lại, nhà thơ Lê Ôn Phủ viết bài thơ Kiến Quang Trung linh quỹ vào khoảng thời điểm xảy ra sự kiện lễ Hiến Phù ở Thái Miếu (tháng 11/1802), Gia Long đã cho quật mộ Quang Trung (việc này phải xảy ra trước để chuẩn bị Lễ Hiến Phù) để trả thù và đem hài cốt của Nguyễn Huệ - một kẻ thù, tội phạm bậc nhất của nhà Nguyễn - nhốt vào trong cũi rồi chở đến Kinh đô Phú Xuân để lăng nhục, chém thây, giã nát rồi vứt bỏ và giam đầu lâu vào Nhà Đồ Ngoại(12). Trong chuyến Nam hành (từ Thanh Hóa vào Huế), Lê Ôn Phủ có thể đã nhìn thấy xe chở cũi nhốt hài cốt Quang Trung đi ngang qua hoặc rất có thể ngay tại Phú Xuân(13) và ông đã xúc động làm thơ. Nhà thơ không chứng kiến tại chỗ cuộc khai quật lăng mộ Quang Trung, sau khi lăng mộ bị tàn phá hủy hoại (việc này ai cũng biết) rồi ông mới nhìn thấy linh quỹ nên ông mới viết (Quang cảnh nay đều đã trở thành cát bụi). LY SƠN 驪山 (không phải là Khuân Sơn, Ngụy Sơn) trong bài thơ này chỉ là một điển tích Trung Quốc chứ không phải là một địa danh liên quan đến lăng mộ Quang Trung.

Biên Hòa, ngày 25 tháng 8 năm 2013
Đ.V.T
(Đăng  trên  Tạp chí Xưa & Nay số 442, số Đặc Biệt Sông Hương 10/09-13)


......................................................
1. Hồng Phi - Hương Nao, Bài thơ chữ Hán “Nhìn thấy linh cữu Quang Trung” mới tìm thấy, Tạp chí Xưa & Nay số 245 năm 2005.
2. Về tên thật của Liên Khê, Hồng Phi - Hương Nao gọi tên là Lê Triệu, tự Ôn Phủ nhưng theo Lê Văn Toan lại cho Lê Ôn Phủ tức Lê Bật Triệu (Sưu tầm, xử lý nguồn tài liệu Hán Nôm vùng Hoằng Hóa, Thanh Hóa (Tạp chí Hán Nôm, Số 3(100) 2010), ở bài tựa Liên Khê di tập của 2 người cháu Liên Khê là Lê Quang và Lê Đỉnh (1852) viết: “先 生 姓 黎 名 温 甫, tiên sinh tính Lê, danh Ôn Phủ” vậy tên nhà thơ là Lê Ôn Phủ, chúng tôi cũng gọi là Lê Ôn Phủ.
3. Bửu Kế, Tầm Nguyên Từ Điển - Cổ Văn Học Từ Ngữ Tầm Nguyên. Nxb. Thanh Niên 2005.
4. Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc (Tập1), Nxb. Tổng Hợp TP.HCM. 2006.
5. Trận Hàm Đan, nguồn: http://vi.wikipedia.org/
6. Liên Khê di tập 蓮溪遺集 (R.313),nguồn: http://lib.nomfoundation.org/
7. Dị thể tự tự điển, nguồn: http://dict.variants.moe.edu.tw/
8. Hán Điển, nguồn: http://www.zdic.net/
9. Khang Hy tự điển 康熙字典, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 1997.
10. Nguyên bản bài thơ Kiến Quang Trung Linh quỹ từ nguồn Nomfoundation.org , chỗ này bị khuyết, đối chiếu bản của Hồng Phi - Hương Nao, chúng tôi dùng chữ 走 để thế.
11. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện (Tạ Quang Phát dịch), Nhà Tây Sơn, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn 1970.
12. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Viện sử học dịch. Nxb. Giáo dục, 2001.
13. Theo Nguyễn Phan Vũ (sưu tầm từ dân gian): “Vào năm 1805, khóa sinh người Thanh Hóa là Lê Ôn Phủ vào kinh đô Phú Xuân thi hội, nhìn thấy chiếc cũi giam nắm xương tàn của người anh hùng áo vải đã tức cảnh làm hai câu thơ đầy chí khí như sau: “Lòng ôm mối hận nghìn đời, Tấm thân tám thước giữa trời khó quên” (Những mẫu chuyện về Quang Trung, Văn nghệ Nghĩa Bình. Số 8/1978, nguồn: http://www.thuvienbinhdinh.com/ Thực ra thật khó xác định được thời gian và địa điểm khi Lê Ôn Phủ nhìn thấy linh quỹ Quang Trung vì thư tịch cổ không ghi chép gì, ở bài tựa Liên Khê di tập của 2 người cháu Liên Khê là Lê Quang và Lê Đỉnh (1852) chỉ viết: “Còn về thời gian thứ tự trước sau cũng chưa khảo cứu được. Việc truyền tả chắc còn thiếu sót, chưa dám đính chính. Còn tập “Nam hành tạp vịnh” tuy là thủ bút của tiên sinh, song nguyên bản sau này bị thất lạc, cho nên cũng có chỗ còn khiếm khuyết, chưa rõ” (theo Hồng Phi - Hương Nao, bdd). Liên Khê viết tựa cho Liên Khê nam hành tạp vịnh vào năm 1805 là niên đại hoàn thành tác phẩm. Nếu là năm 1805 thì không còn “linh quỹ” để nhìn nữa. Nhưng nếu Lê Ôn Phủ sau khi nhìn thấy “linh quỹ” Quang Trung mới làm thơ thì có lẽ không xa thời điểm 1802.