“Quốc Tân La” hay “nước Tân La” ?
Đinh
Văn Tuấn
Trong bài
phú chữ Nôm Cư trần lạc đạo phú [6] (CTLĐP) tương truyền
là của vua Trần Nhân Tông, ở Hội thứ 5 có đoạn:
“Thiền ngõ
năm câu, nằm nhãng trong quê Hà Hữu.
Kinh
xem ba biến, ngồi ngơi mé quốc Tân La”
Trong đó,
“quốc Tân La” chữ Nôm của các truyền bản được khắc in là國新羅, từ trước đến nay, ba
chữ này đã được hầu hết các học giả, nhà nghiên cứu Hán Nôm đều phiên Nôm đồng
nhất là “quốc Tân La” [3,.6,7,11], cho đến nay chưa có ai hoài nghi cách phiên Nôm này. Về 2
chữ Tân La新羅chắc
chắn không thành vấn đề gì vì Tân La新羅, trong Hán văn chỉ nước Tân La thống nhất
(668
- 935) là
một thời đại Phật giáo hưng thịnh nhất ở bán đảo Triều Tiên ngày xưa, ở trong
kinh sách Phật giáo, Tân La mang một khái niệm tượng trưng cho một cõi
Phật, thế giới Cực Lạc.[1] Nhưng chỉ riêng chữ
quốc 國
trước Tân La 新羅, theo
chúng tôi dường như có một điều bất ổn về cách đọc Nôm.
Chữ 國 là một chữ Hán có âm Hán Việt là quốc với nghĩa chỉ lãnh thổ, nhà nước và
trong CTLĐP, có lẽ người đầu tiên xác định âm đọc là “quốc” chính là học giả Đào
Duy Anh, trong sách Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo - Diễn biến (1975) [3] tác giả xác định: “Trong số những từ xưa còn nên kể những từ đơn mượn ở
chữ Hán (âm Hán Việt) để biểu hiện những khái niệm mà đời sau người ta chỉ dùng những từ Việt để biểu hiện
thôi…Quốc là nước (Ngồi nghe mới quốc Tân La)” sau đó đến Học giả Hoàng
Xuân Hãn trong Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần
Lê [7] vẫn đọc 國 là quốc vì cho là một từ cổ:
“...ngồi ngơi mé (mái) quốc Tân La: lòng ta êm lặng như đang nghỉ giữa cảnh
chùa chiền nuớc Tân la.” hay mới gần đây,
PGS,TS Hoàng Thị Ngọ trong sách Thiền
Tông bản hạnh (2006)[6] cũng phiên Nôm không khác gì các tiền bối. Ngay trong
CTLĐP, cũng đã có chỗ dùng tiếng Hán Việt như một từ Việt ở Hội thứ1: “Nguyệt bạc vừng thanh” hoặc ở Quốc âm thi tập
[10] của Nguyễn Trãi: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén” (Ngôn chí, bài 10) nhưng với chữ quốc 國, chúng tôi đã thử tìm
hiểu xem sự thật trong tiếng Việt thời
Trần trở về sau, có trường hợp nào tiếng “quốc” được dùng như một từ cổ hay một
từ xét như từ vựng tiếng Việt? Qua khảo
sát, thăm dò các tài liệu chữ Nôm và quốc ngữ, thật đáng ngạc nhiên lại không
thấy một chứng cứ nào xác nhận có hiện tượng dùng tiếng “quốc” như một từ đơn
hay là một từ ghép theo đúng trật tự tiếng Việt như kiểu “quốc Tân la”.
Tuy vậy, chúng
tôi vẫn tìm thấy một hiện tượng bất thường vào thế kỷ XVII, nơi một văn bản chữ
quốc ngữ thời kỳ đầu đó là bản Kinh Lạy Cha có niên đại vào năm 1632, theo sách
Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ
đầu của giáo hội Công giáo Việt Nam (Quyển
1) của Giáo sư Roland Jacques, [17] ở phần 4 – Bảy bản phụ trương - Phụ trương I: Nguyên
văn bản thảo Áo Môn. [C- Kinh Lạy Cha] (tr. 247) đã ghi “coác Cia” còn ở phần Phụ
trương VII, Tiến trình Kinh Lạy Cha có đưa ra bản KLC năm 1700-1750 cũng ghi: “cuốc cha trị đến”, ngoài ra trong một tài liệu Kinh Lạy Cha của
người Công Giáo Việt Nam vào năm 1778 cũng ghi nhận “cuoc cha tri den...”[12] và trong Quảng tập viêm văn (1898) của Edmond
Nordemann [5], trong sách này có bản Kinh Lạy Cha (Chương X: Đạo Gia tô
- Kinh Thiên Chúa) đã ghi: “...quốc Cha trị đến”.
Cách dùng tiếng “quốc” như trên có phải
là một bằng chứng cho việc khẳng định “quốc” là một từ cổ gốc Hán dùng theo ngữ
pháp Việt? Theo ý chúng tôi, đây chỉ là một hiện tượng xảy ra trong thời kỳ chữ
quốc ngữ phôi thai, các nhà truyền giáo ngoại quốc dù đã học tiếng Việt khá giỏi
họ cũng chẳng thể nào phân biệt rõ ràng khi nào dùng quốc khi nào dùng nước như
người Việt bản xứ nên khi chuyển dịch sang tiếng Việt họ đã hiểu quốc và nước là từ đồng nghĩa và muốn
dùng từ nào cũng được theo dụng ý của minh. Chúng tôi xin dẫn ra một bằng chứng
từ trong sách Các nhà truyền giáo Bồ Đào
Nha và thời kỳ đầu của giáo hội Công giáo Việt Nam (sđd) ở phần cước chú của Bản
văn tiếng Việt - Một tài liệu ngôn ngữ học đối chiếu Nhật-Hoa-Việt biên soạn tại
Áo môn (Macao) năm 1632: “Codex (bộ văn bản viết tay) 7968 trong Thư viện Quốc
gia tại Lisboa. Bộ văn bản này...có Kinh Lạy Cha bằng chữ Latinh, chữ Nôm và chữ
Việt viết bằng mẫu tự Latinh, đây là một bản thảo đưọc biên soạn giữa 1739 và
1754: thật vậy lời tựa của văn bản ấy nói rõ rằng phần tiếng Việt chỉ nhằm mục đích giải
thích văn bản Latinh và không được đọc nguyên văn như thế” (tr.225) [phần in đậm
do chúng tôi nhấn mạnh]. Rõ ràng các dịch giả Kinh Lạy Cha đã hiểu: QUỐC = NƯỚC,
do tiếng Việt bấy giờ biểu đạt 2 ý niệm nhà nước
và chất lỏng thiên nhiên
cùng một tiếng “nước” nên khi chuyển dịch
người ngoại quốc đã cẩn thận, cố ý dùng
“quốc” (nhà nước) để tránh hiểu lầm về “nước” (chất lỏng). Trong sách Phép giảng tám ngày của Alexandre de
Rhodes [2], Ngày thứ sáu, có 2 lần tác giả đã viết: “… vì cŏấc tlên blời”
(tr.177),
“…sự cŏấc tlên blời” (tr.182) đây chỉ là một lầm lẫn như đã giải
thích ở trên vì thật ra chính trong Phép giảng tám ngày A.Rhodes đã từng viết
là nước An nam, nước Ngô, nước thiên hạ...
Các tài liệu quốc ngữ vào thời kỳ này vẫn dùng phổ biến tiếng “nước” chỉ nhà nước,
đất nước, theo Lm Ðỗ Quang Chính trong Lịch
Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659 [4] cho biết tài liệu viết tay vào năm 1659 mà Bento Thiện viết
có tiêu đề “Lịch sử nước Annam” cùng thư Bento Thiện gửi cho Fillipo Marino đã
từng viết là nước này, nước Annam..., hay trong bài Một bức thư cuối
thế kỷ XVII, triều đình Lê Trịnh gửi vua
nước Pha Lan Sa [15], Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã cho biết bức thư này viết vào
khoảng những năm 1683-1686, ở phần bản dịch chữ Quốc ngữ cũng đã ghi: “...Nay nước An nam này với nước Đại Pháp…”. Khi tìm hiểu các truyền bản chữ Nôm thuộc hàng sớm
nhất từ đời Trần đến Lê sơ thì kết quả
cho thấy tiếng Việt bấy giờ chỉ có tiếng
nước (đất nước, nhà nước) chứ không hề
có dạng nào theo kiểu quốc như “quốc Đại Việt”, “quốc
nhà”… sau đây là một số từ nước qua
thơ Nôm xưa:
Đời Trần:
- Trần
Trùng Quang tiễn Nguyễn Biểu đi sứ [18]:
“Việc nước một mai công ngõ vẹn”
- Triều
thần can vua đừng giữ Vương Tường[8]:
“Hán Hồ đôi nước cách đề phong”
- Vương
tường oán triều đình:
“Vực nước ví còn tài Vệ, Hoắc” [2]
Đời Lê sơ:
- Quốc
âm thi tập (Nguyễn Trãi) [19]:
“Nước chẳng còn có Sử Ngư” (Mạn thuật kỳ
14)
“Còn có một
lòng âu việc nước” (Thuật hứng, 23)…
Tóm lại,
thực sự chưa có một bằng chứng xác đáng nào chứng minh từ thời Trần cho đến nay, trong tiếng Việt, đã từng dùng
tiếng QUỐC như một từ vựng tiếng Việt.
Do đó theo ý chúng tôi, ở bài phú của vua Trần, thì chữ 國 trong 國新羅 nên đọc là NƯỚC thay vì là QUỐC,
chữ
國 với âm đọc “nước” là một chữ Nôm mượn Hán đọc theo nghĩa và 國新羅 sẽ là NƯỚC Tân La, đọc như thế sẽ rất hợp vì ứng đối với câu trên là QUÊ Hà Hữu 圭何有[3] (“quê” nôm đối với “nước” nôm, “Hà Hữu” Hán đối với
“Tân La” Hán). NƯỚC Tân La rất thuận
theo ngữ pháp Việt chứ không trở nên khác thường nếu đọc là QUỐC Tân La.. Để ghi âm tiếng NƯỚC (đất
nước, nhà nước) vua Trần Nhân Tông đã đã
dùng chữ Hán國(đọc nghĩa) nhưng với tiếng NƯỚC (chất lỏng tự nhiên) thì lại dùng chữ渃[4](giả tá) như ở Hội thứ nhất (CTLĐP):
“chơi nước biếc ẩn non xanh”, chắc hẳn
là có dụng ý để phân biệt ngữ nghĩa. Trong hầu hết các văn bản chữ Nôm còn lại
đa số chỉ thấy dùng chữ 渃 để
ghi âm nước cho cả 2 nghĩa (nhà nước,
chất lỏng). Các bộ tự điển chữ Nôm từ tự vị An
nam – La tinh của P. Béhaine (1772 - 1773) [16], Đại Nam quốc âm tự vị (1896) [10] của
Huỳnh Tịnh Của, Bảng tra chữ Nôm [20] do
Viện
Ngôn Ngữ Học biên soạn, cho
đến các bộ tự điển chữ Nôm hiện đại như Tự điển chữ Nôm [14] do
Nguyễn Quang Hồng chủ biên (2006) và Tự
điển chữ Nôm trích dẫn (2009) [13] nhiều
tác giả hợp soạn do Viện Việt Học ấn hành đều không thấy ghi nhận dạng chữ 國như một từ Việt
cổ gốc Hán và cũng không có tự dạng 國ghi âm “nước”, nhưng chỉ riêng Đại từ điển chữ Nôm (1998) [21], của cụ Vũ Văn Kính là có ghi nhận tự dạng 國, 国ghi âm“nước”, đặc biệt là trong Bảng tra chữ Nôm thế kỷ XVII – Các tác phẩm
chữ nôm của Maiorica [22] của
cụ Vũ Văn Kính đã ghi nhận Maiorica từng sử dụng chữ國 đọc theo nghĩa là “nước”. Đây chính là một
bằng chứng quan trọng để chứng minh cho cách đọc國新羅là NƯỚC Tân La.
Nếu như phát hiện trên đây về cách đọc
chữ 國 là NƯỚC là đúng thì rất mong các nhà nghiên cứu
Hán Nôm trả lại cho âm đọc thực sự của 國新羅mà vua Trần Nhân Tông đã viết trong CTLĐP
là NƯỚC Tân La chứ không phải là QUỐC Tân La, bổ sung chữ Nôm nước國vào tự điển chữ Nôm và về mặt ngữ âm lịch
sử, do trước thời Trần cũng không còn một truyền bản chữ Nôm nào
nên đây rất có thể là một chứng tích cho tiếng “nước” chỉ đất nước,
nhà nước đã có mặt sớm nhất từ thời Trần (1225 - 1400).
Biên Hòa ngày 05 tháng 7 năm 2011
Tài liệu tham khảo
1.
Alexandro de Rhodes
(1651), Dictionarivm Annnamiticvm
Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch tiếng
Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb Khoa học Xã hội,
1991.
2.
Alexandro de Rhodes
(1651), Cathechismus (Phép giảng tám ngày), Tủ Sách
Đại Kết tái bản theo bản Việt
ngữ của Tinh Việt Văn Đoàn, 1993
3.
Đào Duy Anh, Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến. Nxb Khoa
học Xã hội, Hà Nội 1975.
4.
Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc
ngữ 1620-1659, NXB
Ra khơi, Sài gòn 1972
5.
Edmond Nordemann, Quảng
tập viêm văn, bản in Hà Nội 1898
(nguồn Thư viện Quốc Gia VN)
6.
Hoàng Thị Ngọ, Thiền tông bản hạnh, Trung tâm
Nghiên cứu Quốc học & Nxb Văn học, H., 2009.
7.
Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập III, Nxb Giáo Dục, 1998
8.
Hoàng Xuân Hãn, Nghiêm Toản, Thi văn Việt nam , NXB Sông Nhị Hà Nội, 1951
9.
Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên (dịch và giới thiệu), Tự vị Annam - Latinh (1772 – 1773), NXB Thành Phố Hồ
Chí Minh, 1999
10. Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc
âm tự vị, Tom I-II Sài Gòn 1895-1896, Nxb Trẻ, tái bản 1998
11. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB
TP.Hồ Chí Minh, 2000
12. Lorenzo
Hervás, Saggio pratico delle lingue: con
prolegomeni, e una raccolta di orazioni dominicali in piu di ... (1787)
Published 1787 Per Gregorio Biasini,
Nguồn:http://books.google.com/books?id=oigQAAAAIAAJ&pg=RA8-PA126#v=onepage&q&f=false
, (xin cảm ơn anh Nguyễn Vinh Quang đã chỉ dẫn tài liệu này)
13.
Nguyễn
Hữu Vinh, Ðặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Ðặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn
Ngọc Bích, Trần Uyên Thi, Tự điển chữ Nôm trích dẫn, Viện Việt Học
ấn hành, 2009.
14. Nguyễn
Quang Hồng (chủ biên), Tự điển chữ Nôm, Nxb
Giáo Dục, Hà Nội 2006
15. Nguyễn Tài Cẩn, Một bức thư cuối
thế kỷ XVII, triều đình Lê Trịnh gửi vua
nước Pha Lan Sa, Tạp chí Hán Nôm số 3 (28) /1996
16. P.J.
Pigneaux, Dictionarium Anamitico -
Latinum, (bản thảo viết tay) (1772-1773).
17. Roland
Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha
và thời kỳ đầu của giáo hội Công giáo Việt Nam (Quyển 1), (http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=139&ict=38)
18. Viện
Văn học (biên soạn), thơ văn Lý Trần
(tập 3),
Nxb KHXH, Hà Nội, 1978
19. Viện
Ngôn Ngữ Học (biên soạn), Bảng tra chữ Nôm, NXB Khoa học xã hội,
Hà Nội, 1976
20. Viện Sử
học (dịch và phiên âm), Nguyễn Trãi toàn
tập, Nxb Khoa học Xã hội, 1976
21. Vũ Văn
Kính, Đại tự điển chữ Nôm, NXB Văn
Nghệ, 1999
22. Vũ Văn Kính, Bảng tra
chữ Nôm thế kỷ XVII – Các tác phẩm chữ nôm của Maiorica, NXB TP Hồ Chí Minh, 1992
(Đăng trên Tạp Chí Ngôn Ngữ số 1 năm 2012)
1/.http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%9Di_k%E1%BB%B3_nh%C3%A0_n%C6%B0%E1%BB%9Bc_B%E1%BA%AFc-Nam,
2/. http://old.thuvienhoasen.org/phatgiaodaihan-tranquangthuan-03.htm,
[2]
Theo
cụ Hoàng Xuân Hãn thì những bài thơ Đưòng luật Vương Tường trên ra đời vào khoảng thời Trần. [8]
[3] Quê hà hữu
lấy ý trong câu: “vô hà hữu chi hương”(cõi
không ở đâu cả hay chỗ hư
không tịch mịch)
trong Thiên
Tiêu Dao Du của sách Nam Hoa Kinh -Trang Tử
[4]Đa số các tự điển,
sách nghiên cứu chữ Nôm đều cho 渃
là chữ Nôm
hài thanh:(thủy+nhược) nhưng theo chung tôi, 渃 chỉ là một chữ Nôm mượn Hán, kiểu giả
tá vì chữ渃 ,xưa quen thuộc với các nhà nho Việt, chẳng hạn trong
Tự Đức Thánh chẽ tự học giải nghĩa ca do vua Tự Đức biên soạn đã từng ghi: “渃: sông Nhược” và theo Khang Hy tự
điển: “日灼切,音弱”:
nhật chước thiết, âm nhược.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét