ĐẶT
LẠI VẤN ĐỀ :
THỜI ĐIỂM RA ĐỜI CỦA VĂN MIẾU VÀ QUỐC TỬ GIÁM ?
Đinh
Văn Tuấn
Từ trước
tới nay, mỗi lần nhắc đến Văn Miếu - Quốc Tử
Giám thì hầu như mọi người từ các
sử gia, các học giả nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cho đến các thầy
giáo, sinh viên…tất cả đều tin tưởng, khẳng định không một chút hoài nghi, có
thể nói đã in sâu vào tiềm thức rằng: Theo chính sử, Văn Miếu lần đầu
tiên được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1070 và Quốc Tử Giám lần đầu
tiên được xây dựng vào năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông. Nhưng trớ trêu
thay, chính trong niềm tin êm đềm ấy, thật bất ngờ đã nổi lên một cơn sóng
“hoài nghi” làm xao động mọi người. Số là vừa qua, trong hội thảo “1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long” được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 21/11/2009, có một chủ đề
gây nhiều tranh cãi được đặt ra
từ Tiến sĩ Alexey Polyakov (Trung tâm Việt Nam
học, Viện Á Phi, ĐH Moskva, Liên bang Nga), khi ông nêu ra luận điểm: “Vào thế kỷ XI ,Văn Miếu chưa ra đời” và chủ đề này trở
thành điểm “nóng” của cuộc hội thảo.
Theo PGS.TS Sử học Tạ Ngọc Liễn qua bài viết
“Về
ý kiến “Thế kỷ XI chưa có văn miếu” của tiến sĩ A.B.Policốp” [Văn nghệ số 50 ngày 12-12-2009] thì “Thực ra quan điểm “Văn Miếu
chưa thể xuất hiện ở Đại Việt” đã được A.B.Policốp đưa ra cách đây 20 năm, trong một bài báo gửi
tới Tạp chí Nghiên Cứu Lịch sử nhưng TCNCLS không đăng và có mời A.B.Policốp,
lúc đó ông đang công tác ở Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam, để đến trao đổi vì
sao Tạp chí không đăng, mà lý do chính là nội dung bài báo không đủ sức thuyết
phục về mặt khoa học thậm chí có sai sót về tri thức, thí dụ tác giả hiểu Văn
Miếu là Miếu Văn chương…” thế nhưng điều ngạc nhiên là quan điểm cũ
kỹ, lạc hậu này lại bỗng nhiên trở thành điểm nóng sau 20 năm! đến nỗi: “Nhiều nhà nghiên cứu Việt
Nam không đồng tình với TS Polyakov, riêng GS Phan Huy Lê cho rằng, cả 2 quan
điểm của TS Polyakov cần được tiếp nhận với thái độ cởi mở, còn để khẳng định
đúng sai thì cần tiếp tục được nghiên cứu…Gói gọn trong một ngày nên
như GS Lê tổng kết, nhiều học giả cảm thấy “thòm thèm”
vì chưa đủ thời gian thảo luận thêm để không chỉ thống nhất những khác biệt, mà
còn mở ra những vấn đề mới cần nghiên cứu tiếp.” [theo VietNamNet - Thế kỷ XI chưa có Văn Miếu-Quốc Tử Giám]
Như vậy người đầu tiên hoài nghi thời điểm ra đời của Văn Miếu-Quốc tử Giám
chính là một người nước ngoài, Tiến sĩ Alexey Polyakov, cũng theo Tạ Ngọc Liễn
(Bđd) lý lẽ chính yếu của TS A.Polyakov là dựa vào Việt sử
lược không ghi chép gì về tên gọi “Văn Miếu” như Đại Việt sử ký toàn thư, Văn Miếu là danh xưng chỉ có vào đời Minh
(Trung Quốc) và thời Lý rất sùng mộ Phật giáo, Nho giáo không thể phát
triển trong bối cảnh này nên vào thế kỷ
XI, Văn Miếu chưa thể xuất hiện vào
triều Lý, Văn Miếu được ĐVSKTT ghi nhận chỉ là một ngụy tạo và cho đến nay có lẽ chỉ một mình PGS.TS Sử học Tạ Ngọc Liễn là có ý kiến
phản bác mạnh mẽ qua bài viết đã kể trên song hình như chưa có sức thuyết
phục cao và chỉ mới dừng lại ở thời điểm nhà Lý chứ chưa tìm hiểu sâu xa
hơn.
Sự
thật thì vào thế kỷ XI Văn Miếu – Quốc tử giám
đã được nhà Lý xây dựng chưa? Thời điểm ra đời? Bài viết này không có ý
định phê bình trực tiếp các bài viết của TS A. Polyakov
và PGS.TS Sử học Tạ Ngọc Liễn (chỉ đôi khi nhắc đến vì liên quan đến
vấn đề) nhưng chỉ là những cố gắng tìm hiểu, suy nghĩ về vấn đề này qua sự kiện
“nóng” về Văn Miếu đã diễn ra nhằm đưa ra
ánh sáng sự thật về thời điểm ra đời của Văn Miếu – Quốc Tử Giám sau khi đã khảo sát các sử liệu xưa nhất còn
lại và cũng thật bất ngờ, chúng tôi đã phát hiện ra một sự
thật ẩn dấu suốt bao thế kỷ đã qua đi! Phát
hiện mới này sẽ có khả năng làm đảo lộn, phủ nhận một định kiến, ngộ nhận xưa
nay về thời điểm ra đời của Văn Miếu – Quốc Tử Giám:
1- Văn Miếu là gì ?
Văn Miếu, theo các tự điển Trung
Quốc như Từ nguyên, Từ hải, Hán ngữ đại tự điển…thì nói chung đều cho tên gọi Văn Miếu xuất hiện vào thời nhà Nguyên, Minh; vì trước đó đời Đường
đã từng gọi Khổng Miếu là Văn Tuyên Vương Miếu,
nên mới gọi tắt là Văn Miếu và dùng chữ “Văn” để đối lại, phân biệt với chữ “Vũ” trong Vũ Miếu - miếu thờ Quan công- , nói chung các tự điển
trên đều cho Văn Miếu chính là tên gọi khác của Văn Tuyên
Vương Miếu (Khổng Miếu). Còn
theo các tự điển Việt Nam thì cũng không
khác gì chẳng hạn như trong Đại Nam Quốc
âm tự vị (1895-1896), Huỳnh Tịnh Của đã ghi nhận: Miếu , Văn Thánh Miếu: miễu thờ đức Khổng Tử hay Hán Việt tự điển (1932) của Đào Duy Anh cũng định nghĩa Văn Miếu: Miếu thờ
Khổng Tử do nhà nước dựng lên. Vậy
thì đã rõ, Văn Miếu là đền, miếu thờ Khổng Tử, nhưng cách giải thích trên chỉ chú
trọng đến mục đích chung của Văn Miếu là nơi thờ tự nhưng lại không chú ý đến
chữ “Văn”, ngoài sự thờ tự Khổng tử ra Văn Miếu còn
là nơi tập trung, học tập, phát huy, tưởng niệm về “Văn”: bao
gồm học vấn giáo
dục, lễ nhạc, văn hiến Nho giáo ...(chú ý: “Văn” không nên hiểu đơn giản chỉ là
văn chương, theo Hán Việt tự điển (1942) của
Thiều Chửu: Văn, cái dấu vết do đạo đức
lễ nhạc giáo hóa mà có vẻ đẹp đẽ rõ rệt
gọi là văn, như văn minh 文明, văn hóa文化) nên
mới có thêm nào là Khuê Văn Các, Quốc Tử Giám (như Văn Miếu Hà Nội), trong Vân Ðài Loại Ngữ - Vựng Ðiển Loại Lê Quý Đôn đã chép: “18. Văn miếu nhà Minh: Tứ phối:
Nhan Uyên, Tử Tư (bên tả), Tăng Sâm, Mạnh Kha (hữu).19. Minh Thế Tông lập đền
Khải thánh ở bên trái học miếu để thờ cha mẹ Khổng Khâu, cùng các hiền nho như
Nhan Uyên, Tăng Sâm, v.. v.. 20. Từ đời nhà Ðường, nhà Tống mở nhà học
khắp nơi; nhưng văn miếu có qui chế riêng” [bản dịch Phạm
Vũ và Lê Hiền, Sài Gòn 1973 (tr. 190-1)] vậy Văn Miếu có thể hiểu như một quy mô kiến trúc bao gồm sự thờ kính Khổng tử lẫn sự tôn
vinh “Văn” của Nho giáo. Tóm lại, Văn Miếu (Văn Tuyên Vương Miếu) theo
nghĩa chính là đền, miếu thờ kính Khổng Tử và có thể hiểu rộng thêm ngoài sự
thờ tự Khổng tử ra còn là nơi tưởng niệm, học hành và phát huy đạo lý Thánh
Hiền nên ở Trung Quốc cũng như Việt Nam
xưa, Văn Miếu thường là một kiến trúc bao gồm Miếu: nơi tế tự Khổng Tử và Văn:
(trường) Quốc Tử giám.
2- Văn Miếu và Quốc Tử Giám theo sử liệu xưa :
Việt sử lưọc là một tác phẩm sử học khuyết danh – xưa nhất hiện còn lại, viết vào khoảng đời
Trần – đã từng ghi chép vào năm Bính Tý (1156) triều Lý Anh Tông như
sau: “冬,十月, 起國威行宮及孔子祠": Mùa Đông, tháng 10, xây dựng hành cung Quốc Oai và đền thờ Khổng Tử” và còn tìm thấy thêm một đoạn liên quan Văn Miếu nữa
cũng ở triều Lý Anh Tông vào năm Tân Mão (năm 1171): “脩文宣王廟” : Tu sửa Văn Tuyên Vương miếu (Khổng Miếu) [bản chữ Hán ký hiệu VHV1521, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm theo Việt sử lược, Trần Quốc Vượng (dịch và chú giải), NXB Thuận Hóa - Trung Tâm Văn Hóa Đông Tây. 2005], qua Việt sử lược ta
thấy dường như chỉ
ghi chép về một kiến trúc cỡ nhỏ và chỉ có mục đích chính là dùng để thờ kính
Khổng Tử chứ không mô tả như một kiến trúc lớn bao gồm vừa là nơi thờ tự vừa là nơi học hành (Khổng Miếu và Quốc Tử Giám) và nếu
theo góc độ này A.Polyakov sẽ phần nào đúng khi không
công nhận thế kỷ XI chưa có Văn Miếu nhưng chỉ có miếu, đền thờ Khổng (hiểu theo nghĩa trên) [Xem thêm trong “Vai
trò của Nho giáo ở Đại Việt thời Hậu Lý
Sơ (1010-1127)” A.Polyakov, Hội thảo quốc tế
về Nho giáo ở Việt Nam 2007, (http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=6)]
Nhưng nếu hiểu Khổng Tử Từ = Văn Tuyên Vương miếu = Văn Miếu (như đã trình bày ở trên) thì ngược lại cũng có thể cho rằng
thế kỷ XI, nhà Lý đã từng xây dựng
một đền thờ Khổng tử hay nói
cách khác là Văn Miếu. Sự tranh cãi, khác biệt chẳng qua là do
khái niệm về “Văn Miếu” như theo Polyakov thì thế kỷ XI chưa thể
có mô hình Văn Miếu vì: “Thuật ngữ “Văn miếu” có thể sử dụng
được đối với Khổng miếu Thăng Long chỉ vào thời nhà Lê, bắt đầu từ thế kỷ XV” [Bđd], quan điểm này tỏ vẻ cực
đoan, máy móc vì thực ra soạn giả
của ĐVSKTT chỉ dùng danh xưng phổ biến đương thời là “Văn Miếu” để nói về một
mô hình bao gồm: đền thờ Khổng Tử và cũng là trường học cho hoàng tử, mô hình
này không khác gì Văn Miếu đời Minh chứ
không phải là soạn giả ĐVSKTT đã khẳng định vào đời Lý đã xuất hiện Văn Miếu
(thuộc đời Minh)! Còn theo PGS.TS Tạ Ngọc Liễn thì khẳng định nhà Lý đã
từng xây dựng Văn Miếu, một cách gọi khác của Văn Tuyên Vương Miếu (Khổng Miếu) vào thời
Minh – Lê xét ra cũng không có gì sai
lầm. Sau Việt sử lược, đến Đại Việt
Sử Ký Toàn thư – bộ sử được biên soạn vào triều Lê do sử thần Ngô Sĩ Liên chấp bút vâng theo ý chỉ
của vua Lê Thánh Tông đã từng ghi chép như sau vào
triều Lý Thánh Tông năm 1070: “Mùa
thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng
Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học.” [bản dịch của Viện KHXH 1985-1993, NXB
KHXH Hà Nội 1993], nhưng có lẽ cần
phải thẩm định lại đoạn văn chuyển dịch trên đây, theo nguyên bản chữ
Hán. bản in còn lưu lại là bản in Nội
Các Quan Bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa
thứ 18 (1697) - có lẽ chỉ là bản khắc lại bản Chính
Hòa 18 - được phổ biến trên trang web http://www.nomna.org/ĐVSKTT/dvsktt.php?IDcat=31], (trang 5a) thấy chép như sau:
“秋,八月,脩文廟,塑孔子,周公及四配像,畫七十二賢像,四時享祀”: thu,bát nguyệt,
tu Văn Miếu, tố Khổng Tử, Chu Công cập
tứ phối tượng, họa thất thập nhị hiền tượng, tứ thời hưởng tự” như vậy thật rõ ràng về mặt
dịch thuật có sự lầm lẫn về từ ngữ 脩文廟 tu
Văn Miếu làm sao có thể dịch là “làm Văn Miếu” được! Chữ Hán 脩 tu là sửa chứ không phải là làm, theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: Tu: Sửa, sửa cho hay tốt gọi là tu.
Như tu thân 修身 sửa mình, tu lý cung thất 修理宮室 sửa sang nhà cửa, vậy 脩 tu không hề có nghĩa
là làm! Có lẽ nhóm dịch giả đã bị
“tiềm thức” ám ảnh bởi định kiến “Văn Miếu lần đầu tiên được xây
dựng vào triều Lý Thánh Tông” nên mới cố ý dùng chữ “làm”
như muốn tránh từ ngữ “tu sửa”
để dịch từ chữ 脩 tu một cách mơ hồ, lạ tai đến
thế, vì trong tiếng Việt xưa nay không
ai nói “làm” Văn Miếu mà chỉ nói
“xây”
hay “dựng” Văn Miếu. Vậy chỉ có thể dịch 脩文廟 là tu sửa, sửa
sang Văn Miếu. Trong bộ Lược Sử Việt Nam của Vũ Ngự Chiêu,
phần ghi chú đã viết như sau : “…Ðại Việt Sử Ký Tiền Biên, 1997:238: Chép
là “sửa Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, và tứ phối [Nhan Uyên,
Tăng Sâm, Mạnh Kha, Khổng Cáp]”, giáo sư
Nguyễn Tài Thư có lẽ là người đầu tiên đã phát hiện ra chữ 脩 tu đồng nghĩa
với chữ 修 tu
là sửa sang trong ĐVSKTT nên GS đã hiểu là “sửa sang Văn Miếu” và cho
Văn Miếu đã xuất hiện trước đó từ lâu [Nho học Việt Nam đầu thời kỳ độc lập và thời
điểm thành lập Văn miếu ở Thăng Long, Nho giáo ở Việt Nam. NXB Khoa học xã
hội (kỷ yếu hội thảo quốc tế). Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Harvard-Yenchin.
Hà Nội 2006.] Thật quá bất ngờ, ĐVSKTT không bao giờ khẳng
định là vào năm 1070 Văn Miếu lần đầu tiên được xây dựng như mọi người vẫn hằng tin tưởng và khẳng định bấy lâu nay. ĐVSKTT theo nguyên văn chữ Hán chỉ ghi chép một sự thật là vào năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho sửa
sang lại một đền thờ Khổng Tử, đã được xây dựng trước đó và thật
hiển nhiên theo sử thần Ngô Sĩ Liên – đúng ra là vua quan nhà Lê – thì Khổng Miếu đã xuất hiện trước thế kỷ XI! Ở đoạn văn quan trọng này, tên
gọi “Văn Miếu” lần đầu tiên được sử dụng trong ĐVSKTT
khi ghi chép về sự kiện “trùng tu” một đền thờ Khổng Tử đã từng được xây dựng
vào các triều đại trước nhà Lý, cũng chính trong đợt tu bổ này, đền thờ Khổng
Tử đã được mở rộng thêm như ĐVSKTT đã chép: “Hoàng
thái tử đến đấy học”, hướng đến
sự nghiệp giáo dục các hoàng thái tử và
về sau cũng theo bộ sử này chính nơi đây sẽ thu nhận thêm các quan lại có học vấn (biết
chữ). Như vậy ở triều Lý, vua Lý Thánh Tông đã lần
đầu tiên cho tu sửa lại đền
thờ Khổng theo mô hình mới: thờ
Khổng + trường Quốc học thì hiển nhiên không
còn là một Khổng Miếu thuần túy với mục đích tế tự Khổng Tử nữa nhưng bắt đầu từ đây đã trở
thành mô hình kiến trúc văn hóa giống như Văn Miếu thời Minh. Cũng trong
ĐVSKTT vào năm 1156 chép : “建孔子廟”: Xây dựng Khổng miếu, như vậy theo quan điểm, cách dùng chữ của ĐVSKTT không phải là hễ nói đến
đền thờ Khổng Tử là đều dùng 2 chữ “Văn Miếu” nhưng ĐVSKTT chỉ dùng thuật ngữ Văn Miếu một cách trang trọng cho triều Lý Thánh Tông, nghĩa là chỉ vào năm 1070, Văn Miếu được tu bổ lại từ một đền thờ Khổng Tử (Khổng Tử Từ,
Văn Tuyên Vương Miếu)) chứ không phải là lần đầu tiên được xây dựng, còn đến năm 1156, Lý Anh Tông đã cho xây dựng một đền thờ riêng cho Khổng
Tử (không thờ Chu Công...) nên mới gọi là Khổng Tử Miếu. Nếu tin vào ĐVSKTT, thật ra xét về thư tịch hay các bằng chứng di vật văn hóa,
….trong tình hình hiện nay không có một chứng cứ nào trái ngược lại với sự ghi
chép về Văn Miếu như ĐVSKTT nên ta không
thể hoài nghi gì cả, thật quá rõ không phải chỉ đến đời Lý Thánh Tông mới có Khổng Miếu nhưng trước đời Lý đã từng có một đền thờ Khổng Tử rồi và từ thời nào thì sử sách còn lại không nói đến. Còn theo nhãn quan của “Khâm định việt sử thông giám cương mục” (Quốc
sử quán triều Nguyễn) đã ghi chép vào năm 1070 như sau: “秋八月初立文廟”: Tháng 8, mùa thu. Mới lập nhà Văn Miếu [nguyên văn chữ Hán trong nomfoundation.org, bản in năm
Kiến Phúc 1884] và đến năm 1156, chép: “Lập miếu thờ Khổng Tử. Hồi đầu đời Lý, Văn Miếu thờ chung cả Chu Công và Khổng Tử; đến đây, Tô
Hiến Thành xin lập miếu riêng để thờ Khổng Tử, nhà vua y nghe theo lời: lập
miếu Khổng Tử ở phía Nam thành Thăng Long”
[bản dịch Viện Sử Học
(1957-1960). Nhà xuất bản Giáo Dục (Hà Nội) ấn hành 1998] Nếu thế thì chính KĐVSTGCM đã là
nguyên nhân dẫn đến cách hiểu sai lạc về sự khai sinh của Văn Miếu khi sử gia nhà Nguyễn hạ bút viết “立文廟 Lập Văn Miếu” Đây chính là sự sai
lầm lần đầu tiên của sử học VN sau ĐVSKTT dẫn đến một định kiến, ngộ nhận xưa nay về sự khai sinh của Văn Miếu Việt Nam
trong lịch sử, chẳng hạn có thể kể ra trong
Việt Nam phong tục [Nhà xuất
bản Văn hoá-thông tin tái bản, Hà Nội 2003], học
giả Phan Kế Bính đã viết vào năm 1915: “Đến đời vua Lý Thánh tông, nhà Lý mới lập
Văn Miếu, tức đền Giám Hà Nội bây giờ, học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược vào năm 1919 [Trung tâm học liệu in lần thứ nhất vào
năm 1971] đã viết: “Ngài lại có ý
muốn khai-hóa sự văn-học, lập văn-miếu, làm tượng Chu-công Khổng-tử và 72
tiên-hiền để thờ. Nước ta có văn-miếu
thờ Khổng-tử và chư hiền khởi đầu từ đấy”, rồi tiếp đến Việt
Nam văn hoá sử cương (1938), Lịch sử
Việt Nam (1955 - 1057) của học giả Đào Duy Anh và các sách liên quan sử học của
các học giả, sử gia khác về sau kể cả trong và ngoài nước VN cũng không tránh
khỏi định kiến trên. Cho đến tận hôm nay định kiến này vẫn được truyền bá,
giảng dạy không một ai hoài nghi cho nên không lạ gì có sự phản ứng phủ nhận “cái
mới” từ 20 năm qua như số phận của ý
kiến cho rằng thế kỷ XI chưa có Văn Miếu-Quốc Tử Giám do TS Alexey Polyakov đặt ra rồi cuối cùng đã
trở nên “điểm nóng” trong giới nghiên cứu sử học VN và mới được đón nhận cởi mở
muộn màng như lời của GS Sử học Phan Huy Lê: “quan điểm của TS Polyakov cần được tiếp nhận với thái độ cởi mở, còn để
khẳng định đúng sai thì cần tiếp tục được nghiên cứu”. Sau ĐVSKTT chính nhà Nho Ngô Thời Sĩ trong Việt sử tiêu án -soạn năm 1775- đã từng ghi chép : “(Lý Thánh Tông): Vua sai sửa sang Văn Miếu, tô
tượng Khổng Tử và Chu Công, thờ cúng đủ bốn mùa” [bản dịch của Hội liên lạc nghiên cứu Văn Hóa Á Châu năm
1960] (tôi chưa tìm ra bản chữ Hán nhưng qua lời dịch là “sửa sang Văn Miếu” chắc chắn là chữ tu Văn Miếu脩文廟 chứng tỏ Ngô Thời Sĩ đã đọc ĐVSKTT một cách chính xác) để nhận thức được rằng: Văn
Miếu đã đưọc tu bổ, sửa sang lại theo chính sử (ĐVSKTT) vào năm 1070 triều vua Lý Thánh Tông chứ hoàn toàn không
phải là: Văn Miếu lần đầu tiên được xây dựng vào năm 1070 ở thời Lý như KĐVSTGCM và sau này qua sách sử, giáo khoa khác.
Qua những
khảo sát trên, ta thấy cần phải xem xét, hiểu lại vấn đề khai sinh của Văn Miếu
cho
được minh bạch. Nếu tin vào
VSL ( … xây dựng hành cung Quốc Oai và
đền thờ Khổng Tử ), thì đời Lý Anh Tông, năm 1156 đã từng xuất hiện một đền thờ Khổng Tử
và nếu hiểu “Khổng Tử Từ” chính là Văn Miếu
(nói theo thuật ngữ đời Minh – Lê) thì sớm nhất có thể ghi nhận dấu mốc niên đại của Văn Miếu
là năm 1156 và chứng tỏ vào thế
kỷ XI, nhà Lý đã có Khổng Miếu hay Văn Miếu. Nhưng có lẽ cần phải bàn thêm về đoạn ghi chép súc tích trong VSL “...khởi Quốc Oai
hành cung cập Khổng Tử Từ “,
ở đây là nói về sự kiện xây dựng hành cung ở Quốc Oai (Hà Tây) và cùng lúc xây
luôn một đền thờ Khổng Tử cũng có thể
hiểu là xây dựng ở Quốc Oai (Hà Tây) chứ
không phải là ở hoàng cung Thăng Long - Hà Nội hiện nay nơi có di tích Văn Miếu
-? và cũng không khẳng định là Khổng
Miếu được xây dựng lần đầu tiên trong
lịch sử . Nhưng nếu tin và dựa vào ĐVSKTT, Văn Miếu
đã được tu sửa (lần đầu tiên ở nhà
Lý) vào năm 1070 đời Lý Thánh Tông và từ đó có thể xác nhận trong lịch sử VN,
trước năm 1070 đã từng xuất hiện một đền thờ Khổng Tử - Khổng Tử Từ, Văn Tuyên
Vương Miếu - và như vậy dấu mốc niên đại đã lùi về quá khứ xa hơn nữa có thể là vào đời Đinh
- Tiền Lê, hay nếu chỉ xét về sự hiện hữu
của đền thờ Không Tử trên đất Việt xưa thì cũng rất có thể là vào thời thuộc
Hán. Trong lịch sử, theo truyền thống Nho giáo nơi nào có sự truyền dạy, quảng bá Nho học là nơi ấy chắc chắn có đền
thờ Khổng Tử -Vạn Thế Sư Biểu, như giáo sư Nguyễn Tài Thư đã viết trong “Nho học Việt Nam đầu thời kỳ độc lập và
thời điểm thành lập Văn miếu ở Thăng Long” [sđd] như sau: “Đường Thái Tông
không những xuống chiếu hạ lệnh xây Khổng miếu ở nhà Thái học kinh đô để thờ
Tiên thánh Khổng Tử và Tiên sư Nhan Hồi mà còn hạ lệnh cho các nhà học ở các
châu, huyện phải lập Khổng Miếu”. Dấu vết xưa nhất liên quan giáo dục là ở
thời Tây Hán, Lê Tắc
đã ghi chép trong An Nam chí lược (biên soạn năm 1335) quyển thứ 14, Học hiệu:“Cuối đời Tây-Hán, Tích Quang cai-trị Giao-chỉ Nhâm-Diên cai trị
Cửu-Chân, dựng nhà học-hiệu, dạy dân noi theo nhân nghĩa.” [theo bản dịch Ủy
ban phiên dịch sử liệu Việt Nam
1960. NXB Viện Đại học Huế 1961] Khổng Miếu có khả năng xuất hiện vào thời kỳ này. Nhưng thực ra, Khổng
Miếu (Văn Miếu) đúng
nghĩa ở Việt Nam cổ đại phải do nhà nước
chính thức xây dựng và chỉ hiện hữu ở thời kỳ đất nước độc lập tự chủ mà thôi
cho nên qua thư tịch cổ hiện còn lại chỉ có thể xác định vào đời Lý, đã từng
diễn ra sự kiện lịch sử (1070) là tu sửa Khổng Miếu vốn đã có từ các đời trước.
Về quan điểm cho rằng thời Lý, Phật
Giáo toàn thịnh khó có khả năng xuất hiện Khổng Miếu hay Văn Miếu (như ý kiến
của TS A.Polyakov) tuy có vẻ hợp lý nhưng
thực ra lại “phi lịch sử” vì trong lịch sử, qua thư tịch ta thấy rõ ở Trung
Quốc vào thời Đường, Phật Giáo cực thịnh nhưng vẫn thấy Nho học phát triển, vẫn
thấy tuyên xưng, phong Khổng Tử làm Văn Tuyên Vương và Khổng Miếu được gọi là
Văn Tuyên Vương Miếu, trường học kinh đô được gọi là Quốc Tử Giám, học và giảng
dạy về Nho Giáo, Tứ Thư, Ngũ Kinh…bấy nhiêu cũng đủ chứng tỏ ở Đại Việt – nước
đồng văn – dù ở triều đại nhà Lý, Phật giáo hưng thịnh nhưng sự kiện tu sửa Văn
Miếu, hình thành Quốc Tử Giám là một sự thật lịch sử xảy ra vào thời đại này,
hơn nữa theo sử sách xưa, nhà Lý đã từng mở những khoa thi mang tinh thần Nho
Giáo vào những năm 1075
tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, năm 1086
thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn
lâm viện; năm 1165
thi học sinh; năm 1185
thi sĩ nhân trong nước, người nào từ 15 tuổi mà thông thi thư thì được vào hầu
học ở ngự điện càng chứng tỏ Nho Giáo đã bắt đầu xuất hiện và có ảnh
hưởng quan trọng ngay cả vào thời kỳ Phật Giáo toàn thịnh.
Tóm lại: Văn Miếu hiểu như đền, miếu Khổng Tử, theo sử sách còn
lại chỉ xác nhận sự kiện vào thế kỷ XI, nhà Lý đã từng có những cuộc tu bổ và
xây thêm (?) đền thờ Khổng tử vào những năm 1070, 1156, 1171 chứ không phải
là lần đầu tiên Văn Miếu được xây dựng
vào năm 1070 vào triều vua Lý Thánh Tông
như mọi người bấy lâu nay hằng tin tưởng và truyền bá.
Nói đến Văn Miếu không thể không nhắc đến Quốc
Tử Giám, cũng như vấn đề về thời điểm ra đời của Văn Miếu, Quốc Tử Giám cũng đã
từng đưọc truyền thông từ lâu đời rằng năm
1076 triều Lý Thánh Tông, lần đầu tiên Quốc Tử Giám được thành lập và mọi người
bấy lâu vẫn tin tưởng không một chút nghi hoặc. Nhưng xem kỹ lại các sử liệu xưa
thì hóa ra không phải thế: Việt sử lược,
An Nam
chí lược không ghi chép gì về Quốc
Tử Giám. Trong Đại Việt sử ký toàn thư
- Quyển III -Thánh Tông Hoàng Đế (trang 10 a),có đoạn viết: “選文職官員,識字者入國子監”: Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ
cho vào Quốc Tử Giám” (trang 10a), ĐVSKTT
không
hề ghi chép sự kiện trọng đại của Quốc Tử Giám khi lần đầu tiên được xây dựng
là một điều bất bình thường, đáng suy nghĩ, đoạn văn trên chỉ nhắc đến Quốc Tử
Giám như một sự đã rồi, có nghĩa là
QTG đã đưọc xây dựng và hoạt động rồi nhưng từ bao giờ, ĐVSKTT không cho biết
gì ngoài đoạn văn sau: “ Canh Tuất, Thần
Vũ năm thứ 2 [1070], (Tống Hy Ninh, năm thứ 3...Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu,
đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối , vẽ tượng Thất thập nhị hiền , bốn mùa
cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây.” Như vậy ta có thể ngầm hiểu, theo ý
tứ của sử thần nhà Lê rằng: Văn Miếu cũng chính là nơi dành cho hoàng thái tử
đến học và sau này cũng theo ĐVSKTT, cho cả quan viên văn chức biết chữ vào đây
(để giảng dạy, làm việc) hiểu như thế thì Quốc Tử Giám đã bắt đầu xuất hiện từ năm
1070 chứ không phải là 1076! Có lẽ chính vì thấy ĐVSKTT viết mơ hồ nên đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục
đã viết rõ lại như sau : “Bính Thìn, năm
Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1 (1076). (Tống, năm Hi Ninh thứ 9)...Tháng 4, mùa
hạ...Lập nhà Quốc Tử Giám; tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học,
bổ vào đó.”(sđd) Có thể nói một lần nữa, đây chính là đầu mối dẫn đến định
kiến bấy lâu về niên đại ra đời của QTG! Đáng chú ý là vào đời vua Lý Nhân Tông
là giai đoạn chiến tranh Tống – Việt thì làm sao vào năm 1076 chính là lúc quân
Tống bắt đầu xâm lược Đại Việt thì vua nhà Lý còn đầu óc nào hạ lệnh cho xây
cất Quốc Tử Giám làm hao tốn tiền của,
nhân lực và thời gian! Nhưng nếu dựa vào ĐVSKTT, ta không có cơ sở nào để khẳng
định vào năm 1076 QTG lần đầu tiên được tạo lập. Cách hành văn và cách dùng từ
của ĐVSKTT (Chọn quan viên văn chức,
người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám) đã chứng tỏ vào năm này, Lý Nhân
Tông chỉ bổ dụng các quan biết chữ vào Quốc Tử Giám vốn đã có rồi chứ không
phải là bắt đầu xây dựng và chẳng qua là nói một chỗ học hành của cung đình,
nhà nưóc, chẳng hạn như đã từng nói Văn Miếu cũng là nơi con vua học hành, ở
đây ta thấy danh xưng Văn Miếu và Quốc Tử Giám đã đưọc dùng theo kiểu cách thời
đại nhà Minh – Lê. Thực ra ngay từ năm Tự Đức thứ 29 (1876), Tư nghiệp Quốc Tử
Giám là Nguyễn Thông trong sách Việt sử
cương giám cương mục khảo lược đã từng hoài nghi, cải chính như sau: “Lý Nhân Tông năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1
(1076), chọn quan viên văn chức có biết chữ bổ vào nhà Quốc Tử Giám, mà năm nào
xây dựng nhà Giám, không thấy nói rõ. Vậy nên chua lại rằng: Quốc Tử Giám nhà
Lý xây dựng, không rõ năm tháng nào” [Viện Sử Học, bản dịch của Đỗ Mộng
Khương, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội 2009, trang 77] Do đó có thể đi đến nhận
định: Quốc Tử Giám theo ĐVSKTT đã ra đời vào năm 1070 cùng với sự kiện Lý Thánh
Tông cho tu sửa lại Khổng Miếu. Về mặt lịch sử, như trên đã chứng minh Văn Miếu
đã xuất hiện trước thế kỷ XI, nhà Lý và về Quốc Tử Giám có thể nói cũng
vậy, tên gọi Quốc Tử Giám có từ thời nhà
Tùy – Đường đến nhà Minh cũng còn dùng và chẳng qua là một cách gọi khác của trường
học nhà nước ở kinh thành, đã từng xuất
hiện với các triều đại trước như Quan học, Thái Học, Quốc Tử Học,… Hiểu như thế
thì Quốc Tử Giám cũng không phải là lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1070 nhưng có
thể xuất hiện ở các triều đại trước nhà Lý, trong An Nam chí lược,
Lê Tắc
đã ghi chép:“Cuối đời Tây-Hán,
Tích Quang cai-trị Giao-chỉ Nhâm-Diên cai trị Cửu-Chân, dựng nhà học-hiệu, dạy
dân noi theo nhân nghĩa.” [Sđd] như thế
thì dấu vết xưa nhất về trường học ở Giao chỉ đã xuất hiện từ cuối thời
Tây Hán, nhưng dù vậy, trong bối cảnh thuộc Hán thì ngôi trường đó
về hành chính chỉ là của quận huyện Trung Quốc chứ không phải là một trường học chính thức của nước Việt xưa cho nên
xét về một quốc gia độc lập thì không
thể gọi đó là trường học cung đình (quốc học) như tên gọi Quốc Tử Giám, đáng
tiếc là trong các sử liệu ít ỏi còn lại đến nay vẫn chưa tìm ra chứng cứ xác
nhận trường học nhà nước (Quốc học) cũng như Khổng Miếu (Văn Miếu) đã xuất hiện trong các triều đại trước nhà Lý,
dù vậy xét về danh xưng và sự gắn liền theo mô hình kiến trúc Văn Miếu : Miếu +
Trường Học thì ta vẫn có thể cho vào thời Lý, Quốc Tử Giám bắt
đầu xuất hiện vào năm 1070 khi vua Lý Thánh Tông cho tu sửa đền thờ Khổng và
đã mở rộng thành trường học cung đình, nhà nước.
KẾT LUẬN: Qua tìm hiểu, khảo sát trên, cùng với Văn Miếu thì Quốc Tử Giám bấy
lâu nay đã bị sử học VN ngộ nhận về niên đại ra đời mà không hay biết. Sự thật theo bộ sử triều Lê là Đại
Việt sử ký toàn thư, vào thế kỷ XI, triều Lý, Khổng Miếu hay Văn Miếu đã
từng xuất hiện trước dấu mốc năm 1070 vì
đã có sự kiện vua Lý Thánh Tông cho tu
bổ Khổng Miếu và Quốc Tử Giám chỉ bắt
đầu xuất hiện từ khi đền thờ Khổng Tử được tu bổ vào năm 1070, Khổng Miếu đã
đưọc mở rộng thêm như một trường học nhà nước, cung đình. Rất có khả năng Khổng
Miếu và Quốc Tử Giám đã hiện diện vào thời Bắc thuộc, nhưng vào thời kỳ đất độc
lập tự chủ khởi đầu từ nhà Đinh, đáng tiếc là không còn dấu vết nào trong thư
tịch cổ hiện còn xác định Khổng Miếu (Văn Miếu) đã xuất hiện từ triều đại nào
trước nhà Lý. Nguyên nhân của sự ngộ nhận lớn về thời điểm ra đời của Văn Miếu và
Quốc Tử Giám có lẽ xuất phát từ bộ sử triều Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã cố ý hiểu và sửa lại một
cách chủ quan sự kiện lịch sử đã được biên soạn trong bộ sử triều Lê là Đại Việt sử ký toàn thư khiến cho sử học cận hiện đại đều
lệch hướng theo và tạo nên một
định kiến sai lầm. Mong rằng với phát hiện mới này sẽ đóng góp một phần nhỏ vào nền sử
học Việt Nam nói chung và nói riêng về vấn đề Văn Miếu và Quốc Tử Giám để
đưa ra ánh sáng sự thật về sự kiện lịch
sử phù hợp theo tinh thần khoa học.
Biên
Hòa, Lập Xuân, 08 – 01 – 2010
Đinh Văn Tuấn
(Bài viết này lần đầu tiên đăng ở
Tạp Chí Hợp Lưu số 109 - 2010, nhưng sau đã được chỉnh lý, bổ sung tài liệu
mới, hoàn chỉnh vào ngày 13 – 3 – 2011
và đăng trên Tạp Chí Xưa & Nay số 380 tháng 05.2011: Đặt lại vấn đề thời điểm ra đời của Văn Miếu và số
382 tháng 06.2011: Về thời điểm ra đời của Quốc Tử Giám)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét