Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Nhan đề gốc của “Truyện Kiều”



                              
                                                                   

          Thi hào Nguyễn Du khi sáng tác “Truyện Kiều” đã đặt tên cho tác phẩm nổi tiếng này là gì? Cho đến nay, giới nghiên cứu Kiều vẫn còn phân vân, chưa dứt khoát hẳn một nhan đề nào là khởi đầu  do cụ Nguyễn Du đặt. Người thì cho là Kim Vân Kiều tân truyện hay Kim Vân Kiều truyện, người khác lại cho là Đoạn trường tân thanh, chưa kể các tên gọi khác như Kim Túy tình từ…sau khi cụ Ngô Đức Kế[1] bài bác tên gọi “Kim Vân Kiều”, Trần Trọng Kim đã gọi khác đi là Truyện Thúy Kiều, Hồ Đắc Hàm gọi là Kiều truyện dẫn giải, Phúc An gọi là Kim Kiều tình tự, Tản Đà gọi là Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện…rồi sau này tên gọi đơn giản “Truyện Kiều”[2] như Phạm Quỳnh với câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, nước ta còn” bắt đầu được dùng phổ biến đến nay. Tình trạng này cho thấy nhan đề tác phẩm nổi tiếng của cụ Nguyễn Du đã bị người đời quên lãng và chứng tỏ sự đình trệ của giới nghiên cứu khi không đưa ra được một luận chứng thuyết phục về tên gọi ban đầu của Truyện Kiều. Có thể nói không quá đáng rằng đây là một sự “bất kính” với cổ nhân. Trong tình hình hiện nay, khi mà Thi hào Nguyễn Du, nhà văn hóa, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng của Việt Nam đã được chọn là nhân vật văn hóa do thế giới vinh danh[3] và cả nước đang hướng tới Kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại Thi hào nguyễn du (1765 - 2015) cũng như đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi phê duyệt Dự án “Phục nguyên văn bản Truyện Kiều được đồng thuận cao” của Hội Kiều học Việt Nam[4] thì việc phục hồi lại nhan đề gốc của Thi hào Nguyễn Du càng nên được chú trọng và tìm hiều lại một cách khoa học.
    
          Theo tục truyền, sau khi Nguyễn Du viết xong bản thảo Truyện Kiều, cụ đã đưa cho thân hữu là Phạm Quý Thích (1760-1825) đọc và sau khi cụ Phạm đọc xong đã khen ngợi rồi xúc cảm viết bài thơ đề tựa (thường ghi là Đề từ, Thi vân  ở các bản Nôm) và đem khắc in lần đầu tiên. Thật ra bài thơ này không phải là bài đề tựa Truyện Kiều mà chỉ là bài thơ cảm tác mang tên Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm [5] của Phạm Quý Thích do đó không phải là bài thơ đề tựa cho bản khắc in từ cụ Phạm Quý Thích. Trước hay sau khi cụ Nguyễn Du qua đời, không hề có một bản khắc in Phạm Quý Thích nào cả, điều này cũng được nhà Kiều học Đào Thái Tôn chứng minh và khẳng định[6] . Nhưng chính từ bài thơ này, người đời sau dựa vào mấy chữ đoạn trường tân thanh rồi tin rằng đây chính là nhan đề gốc do Nguyễn Du đặt, chẳng hạn như Học giả Đào Duy Anh đã từng tin như vậy: “Sách mà ta thường gọi là Truyện Kiều hay là Truyện Thúy Kiều, Nguyễn Du đặt nguyên đề là Đoạn trường tân thanh. Lập Trai Phạm Quý Thích là bạn thân cua Nguyễn Du, khi đem khắc bản để in mới nhân nguyên truyện của người Trung Quốc tên là Kim Vân Kiều truyện mà đổi tên là Kim Vân Kiều truyện”[7], hay Học giả Hoàng Xuân Hãn cũng đã từng nói: “có nhẽ cụ Nguyễn Du đặt tên truyện là Đoạn Trường Tân Thanh thực đấy, chứ không phải là Kim Vân Kiều đâu. Kim Vân Kiều là tên của sách Tầu. Rồi sau những người khắc khác, trở lại cái tên cũ của người Tầu và để là Kim Vân Kiều Truyện”[8]
          Nếu thật có nhan đề Đoạn trường tân thanh do chính tác giả đặt thì theo ý chúng tôi, không một ai dám tự tiện đặt lại tên (dù đó là người bạn tri kỷ), đáng ngờ hơn nữa là sửa lại bằng một cái tên rất bình thường là “Kim Vân Kiều”. Ngược lại, từ “Kim Vân Kiều” gốc Hán rất dễ bị sửa thành một nhan đề hay và ý nghĩa sâu sắc  là “Đoạn trường tân thanh”, nhất là  khi tin và dựa vào mấy chữ “đoạn trường tân thanh” từ bài thơ của cụ Phạm Quý Thích. Do đó, tên gọi Kim Vân Kiều truyện không phải như tục truyền do Phạm Quý Thích đổi nhan đề (theo Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim) hay các phường in ở Hà Nội tự tiện đặt ra như nhiều người suy đoán.
        Dựa vào bản khắc Liễu Văn Đường 1866, là bản cổ nhất hiện còn lại ta thấy ở dòng cuối  cùng của bản LVĐ 1866 đã khắc là Kim Vân Kiều truyện quyển hoàn 金 雲 翹 傳 卷 完 (bản Liễu Văn Đường 1871, bản Thịnh Mỹ Đường 1879… cũng khắc như vậy), ngay cả bản Đoạn trường tân thanh, Kiều Oánh Mậu 1902 ở trang cuối cũng vẫn ghi “Kim Vân Kiều truyện chung”(xem hình) [9]. Vậy nhan đề gốc là Kim Vân Kiều Truyện 金 雲 翹 傳 chứ không phải là Kim Vân Kiều tân truyện, nhà tàng bản Liễu Văn Đường đã thêm vào chữ “tân” như hàm ý bản chuyển thể chữ Nôm (từ văn sang thơ) của cụ Nguyễn Du là một bản mới khác với nguyên tác của Trung Quốc. Thông thường khi chuyển thể từ tác phẩm gốc Hán sang Quốc ngữ (chữ Nôm), các nhà Nho vẫn lấy tên gốc rồi có thể thêm vào mấy chữ “tân truyện”, “diễn âm”…chẳng hạn như truyện Nôm  Hoa Tiên có tên gốc là Hoa tiên ký hay Đệ bát tài tử Hoa tiên diễn âm là một một truyện dài bằng thơ Nôm do Nguyễn Huy Tự phỏng theo ca bản của Trung Quốc có tên là Hoa tiên ký hay Đệ bát tài tử Hoa tiên ký   truyện thơ Nôm Nhị Độ Mai (khuyết danh) đã phỏng theo tiểu thuyết Trung Quốc Nhị Độ Mai còn có tên là  Nhị Độ Mai kỳ thuyết, Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai. Truyện Kiều cũng thế, nguyên truyện Trung Quốc là tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện 金 雲 翹 傳 [10] của Thanh Tâm Tài Nhân và tự nhiên cụ Nguyễn Du cũng sẽ đặt nhan đề là Kim Vân Kiều truyện.
        Nhà Nho Nguyễn Thắng trong Kim Vân Kiều án[11] vào khoảng 1830 đã từng gọi truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Du là Kim Vân Kiều quốc ngữ truyện” (truyện Nôm Kim Vân Kiều), Phan Thúc Trực[12] (1808 - 1852) và Cao Bá Quát[13] (1808 -1855) (thời Nguyễn), Nguyễn Văn San[14] (1808 – 1883) cũng từng gọi tên như thế và đặc biệt là Nguyễn Hữu Lập, dù khi sao chép và san cải bản Kiều có nhan đề Đoạn Trường tân thanh vào năm 1870, nhưng chính trong bài tựa chữ Hán của Đoạn trường Tân Thanh, Nguyễn Hữu Lập đã viết: “Cận kiến nhân gia Kim Vân Kiều truyện (…) Lương Đường Lập trai Phạm tiên sinh thi: 近 見 人 家 金 雲 翹 傳 (…) 良 堂 立 齋 氾 先 生 詩 (Gần đây đã xem thấy quyển “Kim Vân Kiều truyện” do Lương Đường Phạm Lập Trai đề thơ) [15]. Nguyễn Hữu Lập cho biết quyển Kim Vân Kiều truyện này có cả lời bình của Liên Trì Ngư Giả Vũ Trinh và Châu Sơn Tiều Lữ Nguyễn Lượng và đoan chắc truyện này do chính thủ bút của Hồng Sơn Liệp Hộ Nguyễn Du Tố Như ông lưu truyền 50 năm qua. Cụ Phạm Quý Thích sau khi đọc bản thảo chưa in của  cụ Nguyễn Du, lúc đó chắc là Kim Vân Kiều truyện nhưng cụ đã xúc động vì nỗi đoạn trường của nàng Kiều mà thực ra cũng chính là nỗi đoạn trường của người tri kỷ, tri âm với mình là tác giả Nguyễn Du nên đã viết thành bài thơ bất hủ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm: Nghe “tiếng thơ” mới  quặn lòng mà có xúc cảm. Nhà thơ chỉ cảm động vì nội dung, cái “nỗi đoạn trường” của tập thơ diễn âm mới chứ không phải là cái nhan đề Kim Vân Kiều. Cụ Phạm không dùng chữ “độc” (đọc) mà dùng chữ “thính” (nghe) cũng đủ để cho thấy nhà thơ không phải “đọc” một truyện thơ có nhan đề là Đoạn trường tân thanh. Không có gì bảo đảm là Phạm Quý Thích đã viết chính xác nhan đề Đoạn trường tân thanh. Người đầu tiên gây nên sự ngộ nhận về nhan đề Đoạn trường tân thanh có lẽ là Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân khi xác nhận: “Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh” qua bài tựa Đoạn trường tân thanh viết năm Minh Mạng, bài tựa này lần đầu tiên được Bùi Kỷ - Trần  Trọng Kim công bố nhưng cho đến nay chưa ai tìm thấy bản gốc Đoạn trường tân thanh này ở đâu và có đúng là bài tựa viết cho Truyện Kiều khắc in hay bản thảo vào khoảng năm Minh Mạng? Lạc khoản của bài tựa đề:
皇朝明命萬萬年之仲春,上浣 僊峰夢蓮堂主人,書于鶴江之嘆花軒(Ngày đầu tháng Hai, niên hiệu Minh Mạng, viết ở Thán Hoa hiên, Hạc giang. Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân)[16] cũng không xác định năm Minh Mạng (18201841) thứ bao nhiêu? Nếu Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim có trong tay bản cổ nguyên tác  quý giá này  trước khi cụ Nguyễn Du mất thì tại sao không thấy nhắc đến trong suốt bài tựa (hay ở chú thích) của các cụ trong sách Truyện Thúy Kiều 1925? Đây là một thiếu sót đáng tiếc của các bậc tiền bối khi khảo cứu Truyện Kiều khiến hậu sinh không biết tìm đâu ra để đối chứng! Qua bài tựa của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, ta thấy ông xác định Tố Như đã đặt nhan đề là Đoạn trường tân thanh nhưng như đã nghi vấn, khả năng là bài tựa viết khá lâu sau bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm của Phạm Quý Thích và khi tác giả Nguyễn Du qua đời năm 1820 nên Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân đã ngộ nhận về nhan đề Truyện Kiều qua mấy chữ Đoạn trường tân thanh từ thơ của Phạm Quý Thích. Ngoài ra, còn một tục truyền khác lại cho vua Minh Mạng đã cho đổi tên Kim Vân Kiều truyện thành Đoạn trường tân thanh nữa, theo bản Nôm Kim Vân Kiều truyện 金 雲 翹 傳, ký hiệu V.N.B.60, không rõ niên đại, có đoạn chép tay (bút lông) như sau:
 “…Tiên Điền Nguyễn Du diễn xuất quốc âm danh Kim Vân Kiều truyện, phụng Minh Mạng ngự lãm (tứ) (cãi) (vi) Đoạn Trường Tân Thanh (tòng kinh bản dã)...仙田阮攸演出國音名金雲翹傳,奉明命御覽()()()斷腸新聲(從京本也)”(…Nguyễn Du ở Tiên Điền diễn ra quốc âm, đặt tên là Kim Vân Kiều truyện, được vua Minh Mạng đọc và (cho) (đổi) (tên) (làm) Đoạn Trường Tân Thanh (đó là theo bản kinh)…)[17]. Nếu Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân đã biết vua Minh Mạng cho đổi nhan đề Truyện Kiều, lẽ nào ông tự tiện khi quân khi viết: “Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh”? Điều này đã chứng minh đoạn văn trong bản Kiều Nôm V.N.B.60 không đáng tin cậy. Như thế, các thông tin này chứng tỏ có sự thay đổi nhan đề gốc do cụ Nguyễn Du đặt.
         Bản Nôm sớm nhất hiện còn lại có nhan đề Đoạn trường tân thanh chính là bản chép tay của nhà Nho Nguyễn Hữu Lập 1870 (bản Đoạn trường tân thanh do Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân đề tựa đời Minh Mạng nay không tìm thấy) nhưng như trên đã dẫn chứng, Nguyễn Hữu Lập đã san cải, dựa vào bản thảo chép tay của Nguyễn Du với nhan đề Kim Vân Kiều truyện nhưng ông đã ghi nhan đề cho bản chép tay của mình là Đoạn trường tân thanh có lẽ là vì lúc bấy giờ ở Huế[18] đã quen dùng nhan đề này rồi. Theo Kiều Oánh Mậu đã viết lời tựa “Tân khắc Đoạn trường tân thanh lệ ngôn thập tắc” cho bản in Đoạn trường tân thanh năm 1902 như sau:“Truyện này nguyên tên là Kim Vân Kiều là nhân theo bản của Trung Quốc. Nay bản kinh gọi là Đoạn trường tân thanh[19], cho thấy từ xưa, nhan đề gốc đúng là Kim Vân Kiều truyện.
        Vậy đã rõ, nhan đề khởi thủy của “Truyện Kiều” do chính Thi hào Nguyễn Du đặt là Kim Vân Kiều truyện nhưng khi Truyện Kiều vào Huế, khởi đầu từ bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm của nhà Nho Phạm Quý Thích mới gây ra ngộ nhận về nhan đề. Có thể một nhà Nho nổi tiếng nào đó lúc ấy đã tự ý đổi nhan đề là Đoạn trường tân thanh hoặc cũng có thể là Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân khi xác nhận cụ Nguyễn Du đặt nhan đề là Đoạn trường tân thanh nên người sau mới tin theo như Nguyễn Hữu Lập, Kiều Oánh Mậu...
         Nay, chúng tôi là hậu học, sau khi đã tìm hiểu lại ngọn nguồn, xin đề nghị trả lại nhan đề gốc do thi hào Nguyễn Du đặt cho một tuyệt tác thi ca nổi tiếng trong và ngoài nước từ gần 2 thế kỷ qua đó là KIM VÂN KIỀU TRUYỆN金 雲 翹 傳.

                                                                            Biên Hòa ngày 11  tháng 7 năm 2014

(Đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển số 6/2014)

Chú thích:


[1] “Kim vân Kiều” là sách gì? Chưa nói đến sự tích thiệt không, chưa kể văn chương hay dở, chỉ nhắc đến cái tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được; vì sao thế? Phàm bộ truyện nào, dầu trong có bao nhiêu nhân vật mặc lòng, chỉ là một người làm chủ nhân: sự tích là sự tích một người chủ nhân ấy, thì tên sách cũng theo đó mà gọi. Nay truyện ấy là sự tích cô Vương thúy Kiều, mà tên sách đặt ba người: một người thì lấy chữ họ mà mất tên, hai người thì lấy chữ tên mà mất họ, thì thiệt là đốt vô cùng. Cái tên ấy, chắc là tự nhà khắn bản in đặt ra, chứ ông Nguyễn Du chắc không đặt tên dốt như thế? Dù cái tên ấy là nguyên bản của Tàu, là nguyên bản của Tàu thì càng đủ biết rằng truyện ấy đặt ra bởi một anh Tàu dốt nào đó mà thôi.” Ngô Đức Kế, Luận về chánh học cùng tà thuyết,  Tạp chí Nam Phong số 86. 1924
[2] Thực ra cách gọi “truyện Kiều” chỉ là khẩu ngữ  bình dân, không phải là nhan đề chính thống khi xuất bản, tên gọi “truyện Kiều”  đã thấy có từ  thời Nguyễn Văn San (1808 – 1883) viết trong Quốc văn tùng ký  rồi sau Phạm Quỳnh mới dùng đến.  Tên gọi truyện “Thúy Kiều” cũng vậy, có trong ca dao: “Làm trai biết đánh Tổ Tôm, Uống trà Mạn Hảo (Chính Thái), xem nôm Thúy Kiều
[3] Tuyên bố tại kỳ họp thứ 37 Đại hội đồng UNESCO ở Pa-ri (Pháp) ngày 25-10-2013, Nguồn: http://kieuhocvietnam.vn/vi/news/Tin-tuc/Ky-niem-250-nam-ngay-sinh-dai-thi-hao-nguyen-du-1765-2015-Vinh-danh-Dai-thi-hao-dan-toc-Nguyen-Du-36/
[4] Công văn Số: 701/BVHTTDL-DSVH ngày 06 tháng 03 năm 2013 nguồn:
[5] Hà Thị Tuệ Thành, Một số tư liệu xung quanh bài thơ “Giai nhân bất thị đáo tiền đường…”, Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Huế 2006, nguồn: http://www.nomfoundation.org/Conf2006/HTTThanh_Giai_nhan_bat_thi.pdf.
[6] Đào Thái Tôn, Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều - bản Liễu Văn Đường năm 1871, NXB KHXH 2005
[7] Đào Duy Anh, Khảo luận về Truyện Kiều, NXB Văn Hóa Thông Tin (tái bản). 2007
[8] Thụy Khuê-  Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu Kiều, nguồn: http://thuykhue.free.fr/hxh/kieu.html
[9] Bản Nôm LVĐ 1866 và KOM 1902 lấy từ nguồn http://nomfoundation.org/nom-project/Tale-of-Kieu
[10] Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều turyện 金雲翹傳,  nguồn: http://www.gutenberg.org/catalog/world/readfile?fk_files=920343&pageno=4s
[11] Nguyễn  Thắng, Kim Vân Kiều án, nguồn : http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1010/
[12] Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên,  Đỗ Mộng Khương dịch, Hoa Bằng hiệu đính., NXB Văn hóa Thông tin, 2009.
[13] Vũ Khiêu, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Trác, Hoàng Hữu Yên, Hoàng Tạo (tuyển dịch), Thơ chữ  Hán Cao Bá Quát, NXB Văn Học 1976
[14] Nguyễn Văn San, Quốc văn tùng ký 國文 AB.383 từ thư viện gia đình của Maurice Durand, nguồn:  http://findit.library.yale.edu
[15] Truyện Kiều bản kinh đời Tự Đức 1870 - Đoạn trường tân thanh Nguyễn Quảng Tuân (phiên âm và khảo dị), NXB Văn Học 2003.
[16] Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (Hiệu khảo), Truyện Thúy Kiều, Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản. (in lần thứ hai, chữa lại rất kỹ và rất đúng với bản Nôm cổ) 1927
[17] Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm tập II, NXB Khoa học Xã hội. 1990
[18] Chỉ ở Huế mới xuất hiện nhan đề Đoạn trường tân thanh còn  ở Hà Nội và miền Nam (Trương Vĩnh Ký, A. Michels) không thấy nhan đề này, chỉ có nhan đề Kim Vân Kiều (tân) truyện  thôi.
[19] Mười điều lệ ngôn Đoạn trường tân thanh in trong phần phụ lục Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang Nxb Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp 1976

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Lăng mộ cổ Thống chế và Tiền chi ở Đình Tân Phong, Biên Hòa



Đinh Văn Tuấn
                                                                                                        

           Hiện nay ở Đình Tân Phong, Biên Hòa có 2 lăng mộ cổ ở  2 bên trái và phải đối diện tiền đình, theo tục truyền là của hai quan đại thần Thống chế và Tiền Chi thời Chúa Nguyễn hay nhà Nguyễn (Hình 1). Cho đến nay, tuy có một vài nghiên cứu, tìm hiểu về 2 ngôi mộ này nhưng vẫn chưa xác định một cách khoa học về danh tính của 2 vị quan này thuộc triều đại nào. Nhân vật được chôn trong mộ  vẫn còn là một bí ẩn đặc biệt là chủ nhân của cổ vật mũ quan Thống chế cũng chưa xác định là của ai?  Bài viết này sẽ là một đóng góp nhằm thử xác định danh tính và hành trạng của quan Thống Chế và Tiền chi thông qua 2 lăng mộ cổ ở Trấn Biên – Biên Hòa  xưa.

          Nghiên cứu đầu tiên về lăng mộ cổ Thống chế, Tiền chi ở đình Tân Phong Biên Hòa là của nhà nghiên cứu Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng trong bài viết Việc cải táng mộ Thiên vương Thống chế và Ông Tiền chi tại xã Tân Phong, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà năm 1965[1]. Tác giả cùng với cộng sự là Học giả Bửu Cầm đã thận trọng khảo sát  2 ngôi mộ nằm trong phần đất thuộc Phi trường Biên Hòa đang có  nhu cầu mở rộng vào năm 1962 nên đã được cải táng để dời chuyển về Đình Tân Phong. Nhưng, sau khi đã tìm hiểu kỹ về kiến trúc mộ táng, cổ vật trong mộ đó là mũ cánh chuồn vuông của quan võ ở mộ Thống chế và tục truyền, cuối cùng tác giả  chỉ tạm xác nhận về chức Thống chế của ngôi mộ thứ nhất như sau: “Thống chế là chức quan võ, chánh nhị phẩm theo phẩm cấp quan chế triều Minh Mạng. Danh từ này từ đây mới thấy có. Vậy đây là 1 vị quan võ của triều Minh Mạng hoặc giả  được triều này truy phong”. Qua tấm bia mộ đá xanh còn lại có 2 chữ “Nam Việt”, tác giả cho quốc danh “Nam Việt” thường dùng thời Chúa Nguyễn, còn về ngôi mộ thứ hai, tác giả thú nhận:“Nhưng “Tiền chi” là chức gì, chúng tôi chưa tìm ra được trong sử sách”. Sau khi qua đời, hai Ông Thống chế và Tiền chi, do công trạng cũng như sự linh hiển đã được dân chúng lập Miếu (Đình Tân Phong) để thờ phụng.
         Năm 2004, qua bài viết Hai lăng mộ cổ và Đình Tân Phong Biên Hòa[2], Nguyễn Thị Nguyệt đã dựa vào tài liệu Tân Phong, 40 năm đấu tranh và xây dựng 1945-1985 và tư liệu điền dã, đã xác định quan Thống chế Lê Huỳnh vào năm 1838 (Minh Mạng) do triều đình phái vào Biên Hòa dẹp loạn sắc tộc thiểu số nhưng chưa kịp ra quân, ông đã bị trọng bệnh rồi mất. Em ông là quan Tiền chi Lê Trác đã xin vào thay anh dẹp loạn và tuy thắng trận nhưng sau bị giặc mai phục và hạ sát. “Mộ  của Tiền chi Lê Trác và Thống chế  Lê Huỳnh bấy giờ  đều được lập tại thôn Tân Phong, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hoà. Uy danh và chiến công của hai ông gắn liền với sự tồn tại và yên lành của xã tắc, chính vì vậy nhân dân đã thờ cúng linh vị  hai ông và tôn thờ  như Thần hoàng tại đình. Năm 1853, triều vua Tự Đức thứ 5 đã phong sắc thần cho đình thờ hai ông trong đợt phong tặng sắc lần hai cho các ngôi đình    Nam bộ  … Sắc thần ở đình Tân Phong vẫn còn được giữ nguyên vẹn cho đến nay”.
         Năm 2013, Lương Chánh Tòng trong bài viết Lăng triều Nguyễn ở Nam bộ [3] sau khi đã phê bình các công trình nghiên cứu đi trước rồi tiến hành phúc tra, khảo sát, sưu tầm tư liệu về hai lăng mộ ở đình Tân Phong, tác giả chú trọng vào truyền thuyết về Lê Trác ở thời Minh Mạng liên quan đến việc lên đồng của bà Bóng và truyền thuyết về Lê Văn Lễ với Cô Bóng Hiên qua ghi chép của Lương Văn Lựu để đoán định  chủ nhân chiếc mão của lăng mộ Thống chế ở Đình Tân Phong là Lê Văn Lễ: “Chúng tôi cho rằng, Lê Văn Lễ - quan Án sát tỉnh Biên Hoà thời Minh Mệnh, không rõ năm sinh, mất vào mùa Đông năm 1833, là nhân vật lịch sử có nhiều căn cứ hơn cả trong việc xác định là chủ nhân chiếc mão “Thiên vương thống chế” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử”, tuy nhiên không nói gì về lăng mộ Tiền chi cũng như về danh tính, phẩm trật ra sao.
         Nhận định chung: Qua các nghiên cứu trên, suy luận của Nguyễn Bá Lăng -  Bửu Cầm về mũ của quan võ Thống chế thuộc chánh nhị phẩm là chức danh có vào thời Minh Mạng (nhưng có thể được đời Minh Mạng truy phong) là xác đáng vì theo Đỗ Văn Ninh: “Thời Nguyễn là võ quan nắm giữ 1 doanh quân, có 5 vệ. Đặt Đô thống hoặc Thống chế 1 người, trật chánh nhị phẩm”[4] nên có thể quan đại thần Thống chế thuộc thời kỳ Chúa Nguyễn Ánh đến đời Gia Long (hoặc Minh Mạng?) là hợp lý. Truyền thuyết ở địa phương cho biết hai quan đại thần Thống chế và Tiền chi là 2 anh em, quan Thống chế tên là Lê Huỳnh và Tiền chi là Lê Trác nhưng trong sử sách không tìm ra nhân vật lịch sử nào có họ tên này, có thể là do truyền miệng (kể cả vì kiêng húy) từ đời này sang đời khác nên âm đọc biến đổi? Tuy nhiên điều quý giá là 2 nhân vật mang họ LÊ, “họ” khó sai lạc hơn “tên” và là hai anh em ruột. Hai anh em đại thần, người chết trước, người chết sau và một bị bệnh chết, một bị chết trận. Ý kiến của Lương Chánh Tòng khi suy đoán có thể là quan án sát tình Biên Hòa là Lê Văn Lễ đời Minh Mạng, không có giá trị thuyết phục vì: Lê Văn Lễ theo Khâm định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ ghi chép: “Lại có Dụ rằng: Viên Án sát sứ tỉnh Biên Hoà đã bị cách chức là Lê Văn Lễ trước đã chẳng biết giữ tỉnh lỵ để đến nỗi bị giặc (Lê Văn Khôi) xâm chiếm, sau lại ôm giữ Biên, Long, phát trạm tâu báo tình hình về quân sự nhiều việc sơ xuất, đã xuống Dụ  cho cách chức và cho đi làm quân tiền khu, gắng sức chuộc tội, để đợi có công lao sẽ được khai phục. Nay việc đánh giặc chưa xong mà viên ấy đã ốm chết, tình thực đáng thương. Vậy gia ơn cho Lê Văn Lễ được trả lại chức hàm Viên Ngoại Lang Bộ Hộ chánh Ngũ Phẩm, và cho theo lệ chiếu phẩm, cấp tiền tuất để tỏ ý thương xót ” [5]. Vậy Lê Văn Lễ là quan văn bộ Hộ, hàm chánh ngũ phẩm[6] không ứng với chức Thống chế  là quan võ hàm chánh nhị phẩm cũng như di vật cổ là mũ quan võ. Hơn nữa, sử sách cũng không ghi chép gì về Lê Văn Lễ có anh hay em. Về giai thoại dân gian liên quan đến Lê Văn Lễ và  Cô Bóng Hiên, qua bài viết Góp phần tìm hiểu về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh)[7], chúng tôi đã xác định Cô Bóng Hiên thuộc thời kỳ trước Gia Long dựa vào Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định soạn năm 1806. Lương Văn Lựu tác giả Biên Hòa Sử Lược [8] đã lầm lẫn (hoặc tác giả chỉ ghi chép theo truyền thuyết) khi nối kết  Lê văn Lễ của đời Minh Mạng với Cô Bóng Hiên. Nhưng câu chuyện về Cô Bóng Hiên có khả năng ứng với hành trạng của  Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) chứ không liên quan gì đến Lê Trác hay Lê Văn Lễ.
          Trong các nghiên cứu trước đây, đáng chú ý là các tác giả đã không quan tâm đến những hoành phi, câu đối chữ Hán của 2 lăng mộ Thống chế và Tiền chi. Theo chúng tôi nội dung những chữ Hán này có thể được bảo lưu sau khi lăng mộ được khai quật và chuyển dời về  Đình Tân Phong và sau đó lăng mộ được trùng tu. Thông tin của chúng chắc chắn tôn vinh công trạng, sự nghiệp của 2 quan đại thần xưa kia và từ đây có thể lần mò ra manh mối về  hai nhân vật lịch sử này. Chúng tôi đã đến Đình Tân Phong và tìm hiểu những hoành phi, câu đối ở lăng mộ cổ như sau[9]:
          Lăng mộ Thống chế (Hình 2): Phía trên vòng thành hậu ghi: Thống chế lãnh binh trung phù xã tắc 統 制 領 兵 忠 扶 社 稷. Câu đối 2 cột  giữa: Hiển hách chiếu sơn hà 顯 赫 照 山 河, Uy linh an xã tắc 威 靈 安 社 稷. Câu
đối 2 cột hai bên thành mộ: Thống binh dư tặc khấu 統 兵 餘 [10], Chế phục ngoại bang hầu 制 伏 外 邦 侯.

(Đại ý: Quan đại thần Thống chế lãnh binh trung thành cứu giúp đất nước - Công trạng hiển hách của ngài rạng rỡ non sông, Uy linh của ngài làm an định đất nước - Thống binh (dẹp) dư đảng giặc, Ngài đã khuất phục được lân bang.
Lăng mộ Tiền chi (Hình 3): Phía trên vòng thành hậu ghi: Tiền chi binh bộ tận trung báo quốc 前 支 兵 部 盡 忠 報 國 (Tiền chi binh bộ tận trung báo quốc) . Câu đối 2 cột  giữa: Thánh đức hộ nhân dân 聖 德 護 人 民 , Thần minh an lê thứ  明 安 黎 庶. Câu đối 2 cột hai bên thành mộ: Tiền triều công hộ quốc 前 朝 功[11] 護 國, Chi diệp định an bang 支 葉 定 安 邦.
(Đại ý: Quan đại thần Tiền chi binh bộ tận trung báo quốc - Thánh đức của ngài phù hộ nhân dân, Ngài là bậc thần minh ban sự an bình cho dân chúng – Thời Tiền triều, ngài đã lập công bảo vệ quốc gia, là bầy tôi (dốc công) an định nước nhà.

        Từ các thông tin trên, ngoài những công đức lớn lao hộ quốc cứu dân…của 2 quan đại thần ra, đáng chú ý nhất là quan đại thần Thống chế là người có công lao về việc ngoại giao “chế phục ngoại bang” và quan Tiền chi là người thuộc “Tiền triều”, tức là vào thời Chúa Nguyễn, trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi, sáng lập triều Nguyễn. Phối hợp với kết quả nghiên cứu đi trước như xác định bia mộ có 2 chữ “Nam Việt” và mũ quan võ Thống chế hàm chánh nhị phẩm, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm trong sử sách để truy ra nhân vật lịch sử nào tương ứng và may thay chúng tôi đã phát hiện ra 2 anh em quan đại thần Thống chế và Tiền chi ở Gia Định, Biên Hòa thuộc thời đại Chúa Nguyễn đến Gia Long như sau:
Thống chế Lê văn Quế: Theo Đại Nam liệt truyện ghi chép về Lê Văn Quế như sau: “Người huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, từng theo sang Vọng Các, lúc đầu làm Tổng nhung cai cơ cơ Tả thuỷ, doanh Thuỷ trung quân, trải làm Phó quản doanh Hậu thuỷ, Khâm sai thống binh cai cơ. Năm Mậu Ngọ, làm Chánh quản doanh Hậu thuỷ, mùa xuân năm Nhâm Tuất làm Thống chế lính thuỷ quân doanh Hậu thuỷ, cùng với Thần sách giám quân Phạm Văn Nhân đến Bình Định cùng đánh dẹp. Năm Giáp Tý thăng Đô thống chế, mùa xuân năm Canh Ngọ chết, không có con, anh viên ấy là Phó tiền chi cai cơ ở doanh Hậu thuỷ là Lê Văn Tú dâng biểu xin vua chuẩn cho con của em út là Do được miễn binh đao để chủ trì việc thờ cúng, lại chiếu Vọng Các công thần vào bậc thứ 2, cấp cho phu coi mộ, rồi cho được tập ấm Phụng ân uý.”[12]
Tiền chi Lê Văn Tú: Theo Đại Nam nhất thống chí  ghi chép về Lê Văn Tú như sau: “Người tỉnh Bình Định, đầu đời Trung hưng, tòng quân lệ vào Hữu quân, làm Cai cơ, chuyển sang Phó trưởng chi Hữu chi, theo đi đánh Quy Nhơn, chết trận ở Bào Lạc tặng Trưởng Cơ.”[13]
         Như vậy Lê Văn Quế người huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Sài Gòn), có công đánh Tây Sơn ở thành Bình Định nên vào năm Nhâm Tuất (1802) được thăng chức Thống chế lính thuỷ quân doanh Hậu thuỷ, năm Giáp Tý (1804) được thăng Đô Thống chế. Theo Đỗ Văn Ninh: “Nắm thủy quân là Thống chế thủy doanh” vậy Lê Văn Quế nắm chức cao nhất của doanh Hậu thủy. Quan trọng nhất là Thống chế Lê Văn Quế có công lao phò tá Nguyễn Ánh đến cầu viện và lưu vong[14] ở Vọng Các, Xiêm la (Bangkok, Thái Lan), điều này ứng hợp với câu đối ở lăng mộ Thống chế: “chế phục ngoại bang”. Năm Canh Ngọ (1810) Lê Văn Quế qua đời, ở đây có một thông tin quý giá liên quan đến người anh là Phó Tiền chi cai cơ ở doanh Hậu thuỷ là Lê Văn Tú. Vậy là đúng thật có một quan đại thần “Tiền chi” anh em với Thống chế Lê Văn Quế[15].
        Lê Văn Tú người tỉnh Bình Định? Nhưng ở dị bản ĐNNTC khác[16] lại chép: Lê Văn Tú người huyện Bình An, huyện Bình An thuộc tỉnh Biên Hòa thời Nguyễn. Hơn nữa ngay ĐNNTC cũng đã cho Lê Văn Tú là nhân vật của tỉnh Biên Hòa. Nhà nghiên cứu địa phương chí Lê Văn Lựu cũng đã từng ghi nhận theo ĐNNTC trên để xác nhận Lê Văn Tú người huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa xưa. Lê Văn Tú tham gia trận đánh thành Quy Nhơn vào khoảng 1799 -1800 và tử trận vậy thì thông tin ở trên theo ĐNLT viết về Lê Văn Tú: “…anh viên ấy là Phó tiền chi cai cơ ở doanh Hậu thuỷ là Lê Văn Tú dâng biểu xin vua chuẩn cho con của em út là Do được miễn binh đao để chủ trì việc thờ cúng” cần phải được đính chính. Năm 1810, Lê Văn Quế mất, lúc này Lê Văn Tú đã qua đời trước đó 9, 10 năm rồi, làm sao có thể sống để lo liệu hậu sự cho Lê Văn Quế? Để khẳng định Lê Văn Tú chết trận Quy Nhơn, chúng tôi xin trích dẫn Đại nam thực lục đã ghi chép:“Gia Long thứ 1[1802], mùa thu, tháng 7, Trấn Phú Yên dựng miếu ở Hòn Nan [vụng] Cù Mông để thờ Mai Đức Nghị và những người chết trận và chết bệnh, từ Thị Dã đến Phú Yên, cả thảy 526 người. ở chính giữa thờ 5 người : Thần sách quân Hậu dinh Đô thống chế tặng Thiếu bảo quận công Mai Đức Nghị, Thần sách quân Hậu dinh Phó đô thống chế tặng Chưởng cơ Tôn Thọ Vinh, Hữu quân hữu chi Phó trưởng chi cai cơ tặng Chưởng cơ Lê Văn Tú”.  Do đó, Lê Văn Tú là anh, chết trước em là Lê Văn Quế và điều này cũng đã được ĐNTL[17] xác nhận vì không chép gì về Lê Văn Tú lo hậu sự như ĐNLT: “…Gia Long năm thứ 9 [1810], mùa thu, tháng 7, Đô thống chế Thủy dinh là Lê Văn Quế chết. Văn Quế có công Vọng Các, vua thương vì không có con nối dòng nên miễn thuế thân cho người cháu gọi bằng chú bác là Lê Văn Do, khiến giữ việc thờ cúng”, Lê Văn Tú là nhân vật như ĐNNTC chép:“đầu đời Trung hưng, tòng quân lệ vào Hữu quân, làm Cai cơ”, Trung hưng” là tên gọi nhà Hậu Lê (1533–1789), vậy rất phù hợp với câu đối ở lăng mộ Tiền chi: Tiền triều công hộ quốc”, triều Nguyễn thường gọi thời Chúa Nguyễn hay trước Gia Long là “Tiền triều”.
        Theo truyền thuyết địa phương, Ông Anh là quan Thống chế được triều đình phái đi đánh giặc nhưng bất ngờ mất vì bạo bệnh, sau Ông Em là quan Tiền chi xin thay anh để đánh giặc và chiến thắng, sau lại tử trận. Tình tiết này cũng ăn khớp với sử liệu: Tiền chi Lê Văn Tú đã vào Quy Nhơn (1799 – 1800) rồi chết trận, liền sau đó, năm 1802 Thống chế Lê Văn Quế cũng vào Quy Nhơn đánh Tây Sơn và chiếm được thành Bình Định. Tuy nhiên truyền thuyết đã lầm lẫn về thứ tự anh em: Thống chế là anh, Tiền chi là em mà thật ra theo sử liệu, Tiền chi Lê Văn Tú là anh của Thống chế Lê Văn Quế và người bịnh bệnh chết (chết vì bệnh tật lúc già) là Thống chế Lê Văn Quế còn người tử trận chính là Tiền chi Lê Văn Tú.

Thay lời kết
        Qua khảo sát các tài liệu sử quán triều Nguyễn và đối chiếu với những di vật từ 2 lăng mộ cổ Thống chế và Tiền chi ở Đình Tân Phong, Biên Hòa cũng như các truyền thuyết địa phương, chúng tôi có thể đi đến một kết luận hợp lý về 2 nhân vật lịch sử:
        Lăng mộ Thống chế là nhân vật lịch sử ở vào thời Chúa Nguyễn Ánh đến Gia Long, là quan đại thần Thống chế Lê Văn Quế (người em), người huyện Bình Dương – tỉnh Gia Định không rõ năm sinh, chết vì bệnh già yếu vào tháng 7 năm 1810, chức quan như sau: Tổng nhung Cai cơ Cơ Tả thuỷ, doanh Thuỷ trung quân, Phó Quản doanh Hậu thuỷ, Khâm sai Thống binh Cai cơ, Chánh quản doanh Hậu thuỷ, Thống chế lính thuỷ quân doanh Hậu thuỷ, Đô thống chế. Ông từng phò tá Nguyễn Ánh sang Vọng Các, được phong Vọng Các công thần bậc thứ hai và tham gia trận chiếm lại thành Bình Định. Đặc biệt là Lê Văn Quế chính là chủ nhân của chiếc mão Thông chế đã được lưu giữ ở Viện Bảo tàng Quốc Gia Việt Nam - Sài Gòn nay là Bảo tàng Lịch sử - Tp Hồ Chí Minh, Hồ sơ mang ký hiệu BTLS1574 (xem hình [18])
        Lăng mộ Tiền chi  là nhân vật lịch sử của thời Chúa Nguyễn Ánh, là quan đại thần Tiền chi Lê Văn Tú (người anh), người huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa không rõ năm sinh, tham chiến trận Quy Nhơn rồi tử trận khoảng năm 1899 - 1800, được thờ ở miếu Cù Mông Công thần, ở Hòn Nần, đầm Cù Mông, Phú Yên[19]. Chức quan như sau: quân lệ Hữu quân, làm Cai cơ, chuyển sang Phó trưởng chi Hữu chi (theo ĐNNTC) và “Phó Tiền chi Cai cơ doanh Hậu thủy” (theo ĐNLT).
         Sau gần 50 năm qua, thừa hưởng và nối tiếp các nhà nghiên cứu đi trước, với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, chúng tôi hy vọng có thể góp phần làm sáng tỏ một bí ẩn lịch sử liên quan đến danh tính, hành trạng của 2 nhân vật lịch sử thuộc 2 lăng mộ cổ ở Đình Tân Phong – Biên Hòa. Tên tuổi  và sự nghiệp, công đức hộ quốc cứu dân của hai anh em thuộc hàng khai quốc công thần nhà Nguyễn là quan đại thần Thống chế Lê Văn Quế và Tiền chi Lê Văn Tú  từ nay sẽ không còn bị chìm vào quên lãng và sẽ mãi lưu danh hậu thế. 

                                                                            Biên Hòa ngày 02 tháng 7 năm 2014

(Bài này là bài viết gốc trước khi được tác giả rút gọn lại theo yêu cầu của Ban biên tập Tạp chí Xưa & Nay để đăng trên số 451 tháng 9-2014)


CHÚ THÍCH

[1] Nguyễn Bá Lăng, Việc cải táng mộ Thiên vương Thống chế và Ông Tiền chi tại xã Tân Phong, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà, Nội san Viện khảo cổ, số 4 năm 1965
[2] Nguyễn Thị Nguyệt, Hai lăng mộ ở đình Tân Phong – Biên Hoà, Đồng Nai – Di tích Lịch sử Văn hoá, NXB Tổng hợp Đồng Nai. 2004
[3] Lương Chánh Tòng, Lăng triều Nguyễn ở Nam bộ, Nam bộ - Đất và Người (Tập 9), NXB Đại Học Quốc Gia TPHCM. 2013
[4] Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thanh niên. 2006
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (tập 3). NXB Thuận Hoá.1993
[6] Theo Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, Án sát thuôc trật chánh ngũ phẩm văn giai
[7] Đinh Văn Tuấn, Góp phần tìm hiểu về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh), Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 1/2014
[8] Lương Văn Lựu. Biên Hòa sử lược toàn biên. Tập 1,2 . Tác giả  xuất bản (1972-1973)
[9] Nhân đây, xin cảm ơn Hs Nguyễn Minh đã tạo điều kiện thuận lợi giúp tác giả đến khảo sát và chụp ảnh 2 lăng mộ cổ ở Đinh Tân Phong
[10] Nguyên gốc giống chữ chức , sẽ tối nghĩa, chắc do lầm tự dạng của  tặc
[11] Nguyên gốc là chữ , đúng ra là  công mới hợp nghĩa
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện (tập 2). Đỗ Mộng Khương (dịch), Nhà xuất bản Thuận Hóa (tái bản lần 2), Huế. 2006
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Nhà xuất bản Thuận Hóa. Huế, 1992
[14] Khi Nguyễn Ánh lưu vong ở Xiêm, đã từng giúp Xiêm đánh Miến Điện và Mã Lai, rất có thể Lê Văn Quế cũng tham gia nên câu đối mới viết “Chế phục ngoại bang hầu”. Nói chung là việc ngoại giao giữa Đại Việt và Xiêm.
[15] Theo Binh chế nhà Nguyễn, một Doanh gồm có 5 chi là Tiền Chi – Trung Chi – Hậu Chi – Tả Chi – Hữu Chi
[16] Văn Hóa Tùng Thư, Đại Nam Nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt - Tập Thượng, Tu Trai Nguyễn Tạo (dịch), Nha Văn Hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. 1959
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Viện sử học dịch. Nhà xuất bản Giáo dục. 2001
[18] Trích từ  bài viết Việc cải táng mộ Thiên vương Thống chế và Ông Tiền chi tại xã Tân Phong, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà, Nguyễn Bá Lăng, Nội san Viện khảo cổ, số 4 năm 1965
[19] Gia Long cho xây miếu Biểu Trung ở hòn Nần trong đầm Cù Mông thuộc làng Vĩnh Cửu tổng Xuân Bình…Lúc đầu miếu có tên là ‘‘Cù Mông Công Thần Miếu’’, đến năm 1851 (Tân Hợi) vua Tự Đức đổi tên là ‘‘Miếu Biểu Trung’’ theo Nguyễn Đình Chúc, Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ, ca dao Phú Yên, NXB Thanh Niên 2011