Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Nhan đề gốc của “Truyện Kiều”



                              
                                                                   

          Thi hào Nguyễn Du khi sáng tác “Truyện Kiều” đã đặt tên cho tác phẩm nổi tiếng này là gì? Cho đến nay, giới nghiên cứu Kiều vẫn còn phân vân, chưa dứt khoát hẳn một nhan đề nào là khởi đầu  do cụ Nguyễn Du đặt. Người thì cho là Kim Vân Kiều tân truyện hay Kim Vân Kiều truyện, người khác lại cho là Đoạn trường tân thanh, chưa kể các tên gọi khác như Kim Túy tình từ…sau khi cụ Ngô Đức Kế[1] bài bác tên gọi “Kim Vân Kiều”, Trần Trọng Kim đã gọi khác đi là Truyện Thúy Kiều, Hồ Đắc Hàm gọi là Kiều truyện dẫn giải, Phúc An gọi là Kim Kiều tình tự, Tản Đà gọi là Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện…rồi sau này tên gọi đơn giản “Truyện Kiều”[2] như Phạm Quỳnh với câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, nước ta còn” bắt đầu được dùng phổ biến đến nay. Tình trạng này cho thấy nhan đề tác phẩm nổi tiếng của cụ Nguyễn Du đã bị người đời quên lãng và chứng tỏ sự đình trệ của giới nghiên cứu khi không đưa ra được một luận chứng thuyết phục về tên gọi ban đầu của Truyện Kiều. Có thể nói không quá đáng rằng đây là một sự “bất kính” với cổ nhân. Trong tình hình hiện nay, khi mà Thi hào Nguyễn Du, nhà văn hóa, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng của Việt Nam đã được chọn là nhân vật văn hóa do thế giới vinh danh[3] và cả nước đang hướng tới Kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại Thi hào nguyễn du (1765 - 2015) cũng như đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi phê duyệt Dự án “Phục nguyên văn bản Truyện Kiều được đồng thuận cao” của Hội Kiều học Việt Nam[4] thì việc phục hồi lại nhan đề gốc của Thi hào Nguyễn Du càng nên được chú trọng và tìm hiều lại một cách khoa học.
    
          Theo tục truyền, sau khi Nguyễn Du viết xong bản thảo Truyện Kiều, cụ đã đưa cho thân hữu là Phạm Quý Thích (1760-1825) đọc và sau khi cụ Phạm đọc xong đã khen ngợi rồi xúc cảm viết bài thơ đề tựa (thường ghi là Đề từ, Thi vân  ở các bản Nôm) và đem khắc in lần đầu tiên. Thật ra bài thơ này không phải là bài đề tựa Truyện Kiều mà chỉ là bài thơ cảm tác mang tên Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm [5] của Phạm Quý Thích do đó không phải là bài thơ đề tựa cho bản khắc in từ cụ Phạm Quý Thích. Trước hay sau khi cụ Nguyễn Du qua đời, không hề có một bản khắc in Phạm Quý Thích nào cả, điều này cũng được nhà Kiều học Đào Thái Tôn chứng minh và khẳng định[6] . Nhưng chính từ bài thơ này, người đời sau dựa vào mấy chữ đoạn trường tân thanh rồi tin rằng đây chính là nhan đề gốc do Nguyễn Du đặt, chẳng hạn như Học giả Đào Duy Anh đã từng tin như vậy: “Sách mà ta thường gọi là Truyện Kiều hay là Truyện Thúy Kiều, Nguyễn Du đặt nguyên đề là Đoạn trường tân thanh. Lập Trai Phạm Quý Thích là bạn thân cua Nguyễn Du, khi đem khắc bản để in mới nhân nguyên truyện của người Trung Quốc tên là Kim Vân Kiều truyện mà đổi tên là Kim Vân Kiều truyện”[7], hay Học giả Hoàng Xuân Hãn cũng đã từng nói: “có nhẽ cụ Nguyễn Du đặt tên truyện là Đoạn Trường Tân Thanh thực đấy, chứ không phải là Kim Vân Kiều đâu. Kim Vân Kiều là tên của sách Tầu. Rồi sau những người khắc khác, trở lại cái tên cũ của người Tầu và để là Kim Vân Kiều Truyện”[8]
          Nếu thật có nhan đề Đoạn trường tân thanh do chính tác giả đặt thì theo ý chúng tôi, không một ai dám tự tiện đặt lại tên (dù đó là người bạn tri kỷ), đáng ngờ hơn nữa là sửa lại bằng một cái tên rất bình thường là “Kim Vân Kiều”. Ngược lại, từ “Kim Vân Kiều” gốc Hán rất dễ bị sửa thành một nhan đề hay và ý nghĩa sâu sắc  là “Đoạn trường tân thanh”, nhất là  khi tin và dựa vào mấy chữ “đoạn trường tân thanh” từ bài thơ của cụ Phạm Quý Thích. Do đó, tên gọi Kim Vân Kiều truyện không phải như tục truyền do Phạm Quý Thích đổi nhan đề (theo Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim) hay các phường in ở Hà Nội tự tiện đặt ra như nhiều người suy đoán.
        Dựa vào bản khắc Liễu Văn Đường 1866, là bản cổ nhất hiện còn lại ta thấy ở dòng cuối  cùng của bản LVĐ 1866 đã khắc là Kim Vân Kiều truyện quyển hoàn 金 雲 翹 傳 卷 完 (bản Liễu Văn Đường 1871, bản Thịnh Mỹ Đường 1879… cũng khắc như vậy), ngay cả bản Đoạn trường tân thanh, Kiều Oánh Mậu 1902 ở trang cuối cũng vẫn ghi “Kim Vân Kiều truyện chung”(xem hình) [9]. Vậy nhan đề gốc là Kim Vân Kiều Truyện 金 雲 翹 傳 chứ không phải là Kim Vân Kiều tân truyện, nhà tàng bản Liễu Văn Đường đã thêm vào chữ “tân” như hàm ý bản chuyển thể chữ Nôm (từ văn sang thơ) của cụ Nguyễn Du là một bản mới khác với nguyên tác của Trung Quốc. Thông thường khi chuyển thể từ tác phẩm gốc Hán sang Quốc ngữ (chữ Nôm), các nhà Nho vẫn lấy tên gốc rồi có thể thêm vào mấy chữ “tân truyện”, “diễn âm”…chẳng hạn như truyện Nôm  Hoa Tiên có tên gốc là Hoa tiên ký hay Đệ bát tài tử Hoa tiên diễn âm là một một truyện dài bằng thơ Nôm do Nguyễn Huy Tự phỏng theo ca bản của Trung Quốc có tên là Hoa tiên ký hay Đệ bát tài tử Hoa tiên ký   truyện thơ Nôm Nhị Độ Mai (khuyết danh) đã phỏng theo tiểu thuyết Trung Quốc Nhị Độ Mai còn có tên là  Nhị Độ Mai kỳ thuyết, Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai. Truyện Kiều cũng thế, nguyên truyện Trung Quốc là tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện 金 雲 翹 傳 [10] của Thanh Tâm Tài Nhân và tự nhiên cụ Nguyễn Du cũng sẽ đặt nhan đề là Kim Vân Kiều truyện.
        Nhà Nho Nguyễn Thắng trong Kim Vân Kiều án[11] vào khoảng 1830 đã từng gọi truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Du là Kim Vân Kiều quốc ngữ truyện” (truyện Nôm Kim Vân Kiều), Phan Thúc Trực[12] (1808 - 1852) và Cao Bá Quát[13] (1808 -1855) (thời Nguyễn), Nguyễn Văn San[14] (1808 – 1883) cũng từng gọi tên như thế và đặc biệt là Nguyễn Hữu Lập, dù khi sao chép và san cải bản Kiều có nhan đề Đoạn Trường tân thanh vào năm 1870, nhưng chính trong bài tựa chữ Hán của Đoạn trường Tân Thanh, Nguyễn Hữu Lập đã viết: “Cận kiến nhân gia Kim Vân Kiều truyện (…) Lương Đường Lập trai Phạm tiên sinh thi: 近 見 人 家 金 雲 翹 傳 (…) 良 堂 立 齋 氾 先 生 詩 (Gần đây đã xem thấy quyển “Kim Vân Kiều truyện” do Lương Đường Phạm Lập Trai đề thơ) [15]. Nguyễn Hữu Lập cho biết quyển Kim Vân Kiều truyện này có cả lời bình của Liên Trì Ngư Giả Vũ Trinh và Châu Sơn Tiều Lữ Nguyễn Lượng và đoan chắc truyện này do chính thủ bút của Hồng Sơn Liệp Hộ Nguyễn Du Tố Như ông lưu truyền 50 năm qua. Cụ Phạm Quý Thích sau khi đọc bản thảo chưa in của  cụ Nguyễn Du, lúc đó chắc là Kim Vân Kiều truyện nhưng cụ đã xúc động vì nỗi đoạn trường của nàng Kiều mà thực ra cũng chính là nỗi đoạn trường của người tri kỷ, tri âm với mình là tác giả Nguyễn Du nên đã viết thành bài thơ bất hủ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm: Nghe “tiếng thơ” mới  quặn lòng mà có xúc cảm. Nhà thơ chỉ cảm động vì nội dung, cái “nỗi đoạn trường” của tập thơ diễn âm mới chứ không phải là cái nhan đề Kim Vân Kiều. Cụ Phạm không dùng chữ “độc” (đọc) mà dùng chữ “thính” (nghe) cũng đủ để cho thấy nhà thơ không phải “đọc” một truyện thơ có nhan đề là Đoạn trường tân thanh. Không có gì bảo đảm là Phạm Quý Thích đã viết chính xác nhan đề Đoạn trường tân thanh. Người đầu tiên gây nên sự ngộ nhận về nhan đề Đoạn trường tân thanh có lẽ là Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân khi xác nhận: “Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh” qua bài tựa Đoạn trường tân thanh viết năm Minh Mạng, bài tựa này lần đầu tiên được Bùi Kỷ - Trần  Trọng Kim công bố nhưng cho đến nay chưa ai tìm thấy bản gốc Đoạn trường tân thanh này ở đâu và có đúng là bài tựa viết cho Truyện Kiều khắc in hay bản thảo vào khoảng năm Minh Mạng? Lạc khoản của bài tựa đề:
皇朝明命萬萬年之仲春,上浣 僊峰夢蓮堂主人,書于鶴江之嘆花軒(Ngày đầu tháng Hai, niên hiệu Minh Mạng, viết ở Thán Hoa hiên, Hạc giang. Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân)[16] cũng không xác định năm Minh Mạng (18201841) thứ bao nhiêu? Nếu Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim có trong tay bản cổ nguyên tác  quý giá này  trước khi cụ Nguyễn Du mất thì tại sao không thấy nhắc đến trong suốt bài tựa (hay ở chú thích) của các cụ trong sách Truyện Thúy Kiều 1925? Đây là một thiếu sót đáng tiếc của các bậc tiền bối khi khảo cứu Truyện Kiều khiến hậu sinh không biết tìm đâu ra để đối chứng! Qua bài tựa của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, ta thấy ông xác định Tố Như đã đặt nhan đề là Đoạn trường tân thanh nhưng như đã nghi vấn, khả năng là bài tựa viết khá lâu sau bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm của Phạm Quý Thích và khi tác giả Nguyễn Du qua đời năm 1820 nên Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân đã ngộ nhận về nhan đề Truyện Kiều qua mấy chữ Đoạn trường tân thanh từ thơ của Phạm Quý Thích. Ngoài ra, còn một tục truyền khác lại cho vua Minh Mạng đã cho đổi tên Kim Vân Kiều truyện thành Đoạn trường tân thanh nữa, theo bản Nôm Kim Vân Kiều truyện 金 雲 翹 傳, ký hiệu V.N.B.60, không rõ niên đại, có đoạn chép tay (bút lông) như sau:
 “…Tiên Điền Nguyễn Du diễn xuất quốc âm danh Kim Vân Kiều truyện, phụng Minh Mạng ngự lãm (tứ) (cãi) (vi) Đoạn Trường Tân Thanh (tòng kinh bản dã)...仙田阮攸演出國音名金雲翹傳,奉明命御覽()()()斷腸新聲(從京本也)”(…Nguyễn Du ở Tiên Điền diễn ra quốc âm, đặt tên là Kim Vân Kiều truyện, được vua Minh Mạng đọc và (cho) (đổi) (tên) (làm) Đoạn Trường Tân Thanh (đó là theo bản kinh)…)[17]. Nếu Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân đã biết vua Minh Mạng cho đổi nhan đề Truyện Kiều, lẽ nào ông tự tiện khi quân khi viết: “Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh”? Điều này đã chứng minh đoạn văn trong bản Kiều Nôm V.N.B.60 không đáng tin cậy. Như thế, các thông tin này chứng tỏ có sự thay đổi nhan đề gốc do cụ Nguyễn Du đặt.
         Bản Nôm sớm nhất hiện còn lại có nhan đề Đoạn trường tân thanh chính là bản chép tay của nhà Nho Nguyễn Hữu Lập 1870 (bản Đoạn trường tân thanh do Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân đề tựa đời Minh Mạng nay không tìm thấy) nhưng như trên đã dẫn chứng, Nguyễn Hữu Lập đã san cải, dựa vào bản thảo chép tay của Nguyễn Du với nhan đề Kim Vân Kiều truyện nhưng ông đã ghi nhan đề cho bản chép tay của mình là Đoạn trường tân thanh có lẽ là vì lúc bấy giờ ở Huế[18] đã quen dùng nhan đề này rồi. Theo Kiều Oánh Mậu đã viết lời tựa “Tân khắc Đoạn trường tân thanh lệ ngôn thập tắc” cho bản in Đoạn trường tân thanh năm 1902 như sau:“Truyện này nguyên tên là Kim Vân Kiều là nhân theo bản của Trung Quốc. Nay bản kinh gọi là Đoạn trường tân thanh[19], cho thấy từ xưa, nhan đề gốc đúng là Kim Vân Kiều truyện.
        Vậy đã rõ, nhan đề khởi thủy của “Truyện Kiều” do chính Thi hào Nguyễn Du đặt là Kim Vân Kiều truyện nhưng khi Truyện Kiều vào Huế, khởi đầu từ bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm của nhà Nho Phạm Quý Thích mới gây ra ngộ nhận về nhan đề. Có thể một nhà Nho nổi tiếng nào đó lúc ấy đã tự ý đổi nhan đề là Đoạn trường tân thanh hoặc cũng có thể là Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân khi xác nhận cụ Nguyễn Du đặt nhan đề là Đoạn trường tân thanh nên người sau mới tin theo như Nguyễn Hữu Lập, Kiều Oánh Mậu...
         Nay, chúng tôi là hậu học, sau khi đã tìm hiểu lại ngọn nguồn, xin đề nghị trả lại nhan đề gốc do thi hào Nguyễn Du đặt cho một tuyệt tác thi ca nổi tiếng trong và ngoài nước từ gần 2 thế kỷ qua đó là KIM VÂN KIỀU TRUYỆN金 雲 翹 傳.

                                                                            Biên Hòa ngày 11  tháng 7 năm 2014

(Đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển số 6/2014)

Chú thích:


[1] “Kim vân Kiều” là sách gì? Chưa nói đến sự tích thiệt không, chưa kể văn chương hay dở, chỉ nhắc đến cái tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được; vì sao thế? Phàm bộ truyện nào, dầu trong có bao nhiêu nhân vật mặc lòng, chỉ là một người làm chủ nhân: sự tích là sự tích một người chủ nhân ấy, thì tên sách cũng theo đó mà gọi. Nay truyện ấy là sự tích cô Vương thúy Kiều, mà tên sách đặt ba người: một người thì lấy chữ họ mà mất tên, hai người thì lấy chữ tên mà mất họ, thì thiệt là đốt vô cùng. Cái tên ấy, chắc là tự nhà khắn bản in đặt ra, chứ ông Nguyễn Du chắc không đặt tên dốt như thế? Dù cái tên ấy là nguyên bản của Tàu, là nguyên bản của Tàu thì càng đủ biết rằng truyện ấy đặt ra bởi một anh Tàu dốt nào đó mà thôi.” Ngô Đức Kế, Luận về chánh học cùng tà thuyết,  Tạp chí Nam Phong số 86. 1924
[2] Thực ra cách gọi “truyện Kiều” chỉ là khẩu ngữ  bình dân, không phải là nhan đề chính thống khi xuất bản, tên gọi “truyện Kiều”  đã thấy có từ  thời Nguyễn Văn San (1808 – 1883) viết trong Quốc văn tùng ký  rồi sau Phạm Quỳnh mới dùng đến.  Tên gọi truyện “Thúy Kiều” cũng vậy, có trong ca dao: “Làm trai biết đánh Tổ Tôm, Uống trà Mạn Hảo (Chính Thái), xem nôm Thúy Kiều
[3] Tuyên bố tại kỳ họp thứ 37 Đại hội đồng UNESCO ở Pa-ri (Pháp) ngày 25-10-2013, Nguồn: http://kieuhocvietnam.vn/vi/news/Tin-tuc/Ky-niem-250-nam-ngay-sinh-dai-thi-hao-nguyen-du-1765-2015-Vinh-danh-Dai-thi-hao-dan-toc-Nguyen-Du-36/
[4] Công văn Số: 701/BVHTTDL-DSVH ngày 06 tháng 03 năm 2013 nguồn:
[5] Hà Thị Tuệ Thành, Một số tư liệu xung quanh bài thơ “Giai nhân bất thị đáo tiền đường…”, Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Huế 2006, nguồn: http://www.nomfoundation.org/Conf2006/HTTThanh_Giai_nhan_bat_thi.pdf.
[6] Đào Thái Tôn, Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều - bản Liễu Văn Đường năm 1871, NXB KHXH 2005
[7] Đào Duy Anh, Khảo luận về Truyện Kiều, NXB Văn Hóa Thông Tin (tái bản). 2007
[8] Thụy Khuê-  Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu Kiều, nguồn: http://thuykhue.free.fr/hxh/kieu.html
[9] Bản Nôm LVĐ 1866 và KOM 1902 lấy từ nguồn http://nomfoundation.org/nom-project/Tale-of-Kieu
[10] Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều turyện 金雲翹傳,  nguồn: http://www.gutenberg.org/catalog/world/readfile?fk_files=920343&pageno=4s
[11] Nguyễn  Thắng, Kim Vân Kiều án, nguồn : http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1010/
[12] Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên,  Đỗ Mộng Khương dịch, Hoa Bằng hiệu đính., NXB Văn hóa Thông tin, 2009.
[13] Vũ Khiêu, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Trác, Hoàng Hữu Yên, Hoàng Tạo (tuyển dịch), Thơ chữ  Hán Cao Bá Quát, NXB Văn Học 1976
[14] Nguyễn Văn San, Quốc văn tùng ký 國文 AB.383 từ thư viện gia đình của Maurice Durand, nguồn:  http://findit.library.yale.edu
[15] Truyện Kiều bản kinh đời Tự Đức 1870 - Đoạn trường tân thanh Nguyễn Quảng Tuân (phiên âm và khảo dị), NXB Văn Học 2003.
[16] Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (Hiệu khảo), Truyện Thúy Kiều, Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản. (in lần thứ hai, chữa lại rất kỹ và rất đúng với bản Nôm cổ) 1927
[17] Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm tập II, NXB Khoa học Xã hội. 1990
[18] Chỉ ở Huế mới xuất hiện nhan đề Đoạn trường tân thanh còn  ở Hà Nội và miền Nam (Trương Vĩnh Ký, A. Michels) không thấy nhan đề này, chỉ có nhan đề Kim Vân Kiều (tân) truyện  thôi.
[19] Mười điều lệ ngôn Đoạn trường tân thanh in trong phần phụ lục Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang Nxb Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp 1976

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét