Đinh Văn Tuấn
Hiện nay ở Đình Tân Phong, Biên Hòa
có 2 lăng mộ cổ ở 2 bên trái và phải đối
diện tiền đình, theo tục truyền là của hai quan đại thần Thống chế và Tiền Chi
thời Chúa Nguyễn hay nhà Nguyễn (Hình 1).
Cho đến nay, tuy có một vài nghiên cứu, tìm hiểu về 2 ngôi mộ này nhưng vẫn
chưa xác định một cách khoa học về danh tính của 2 vị quan này thuộc triều đại
nào. Nhân vật được chôn trong mộ vẫn còn
là một bí ẩn đặc biệt là chủ nhân của cổ vật mũ quan Thống chế cũng chưa xác
định là của ai? Bài viết này sẽ là một
đóng góp nhằm thử xác định danh tính và hành trạng của quan Thống Chế và Tiền
chi thông qua 2 lăng mộ cổ ở Trấn Biên – Biên Hòa xưa.
Nghiên cứu đầu tiên về lăng mộ cổ
Thống chế, Tiền chi ở đình Tân Phong Biên Hòa là của nhà nghiên cứu Kiến trúc
sư Nguyễn Bá Lăng trong bài viết Việc cải
táng mộ Thiên vương Thống chế và Ông Tiền chi tại xã Tân Phong, quận Châu
Thành, tỉnh Biên Hoà năm 1965[1].
Tác giả cùng với cộng sự là Học giả Bửu Cầm đã thận trọng khảo sát 2 ngôi mộ nằm trong phần đất thuộc Phi trường
Biên Hòa đang có nhu cầu mở rộng vào năm
1962 nên đã được cải táng để dời chuyển về Đình Tân Phong. Nhưng, sau khi đã
tìm hiểu kỹ về kiến trúc mộ táng, cổ vật trong mộ đó là mũ cánh chuồn vuông của
quan võ ở mộ Thống chế và tục truyền, cuối cùng tác giả chỉ tạm xác nhận về chức Thống chế của ngôi mộ
thứ nhất như sau: “Thống chế là chức quan
võ, chánh nhị phẩm theo phẩm cấp quan chế triều Minh Mạng. Danh từ này từ đây
mới thấy có. Vậy đây là 1 vị quan võ của triều Minh Mạng hoặc giả được triều này truy phong”. Qua tấm bia
mộ đá xanh còn lại có 2 chữ “Nam Việt”, tác giả cho quốc danh “Nam Việt” thường
dùng thời Chúa Nguyễn, còn về ngôi mộ thứ hai, tác giả thú nhận:“Nhưng “Tiền chi” là chức gì, chúng tôi chưa
tìm ra được trong sử sách”. Sau khi qua đời, hai Ông Thống chế và Tiền chi,
do công trạng cũng như sự linh hiển đã được dân chúng lập Miếu (Đình Tân Phong)
để thờ phụng.
Năm 2004, qua bài viết Hai lăng mộ cổ và Đình Tân Phong Biên Hòa[2], Nguyễn Thị Nguyệt đã dựa vào tài liệu Tân Phong, 40 năm đấu tranh và xây dựng
1945-1985 và tư liệu điền dã, đã xác định quan Thống chế Lê Huỳnh vào năm
1838 (Minh Mạng) do triều đình phái vào Biên Hòa dẹp loạn sắc tộc thiểu số
nhưng chưa kịp ra quân, ông đã bị trọng bệnh rồi mất. Em ông là quan Tiền chi Lê
Trác đã xin vào thay anh dẹp loạn và tuy thắng trận nhưng sau bị giặc mai phục
và hạ sát. “Mộ của Tiền chi Lê Trác và Thống chế Lê Huỳnh bấy giờ đều được lập tại thôn Tân Phong, huyện Phước
Chánh, tỉnh Biên Hoà. Uy danh và chiến công của hai ông gắn liền với sự tồn tại
và yên lành của xã tắc, chính vì vậy nhân dân đã thờ cúng linh vị hai ông và tôn thờ như Thần hoàng tại đình. Năm 1853, triều vua
Tự Đức thứ 5 đã phong sắc thần cho đình thờ hai ông trong đợt phong tặng sắc
lần hai cho các ngôi đình ở Nam bộ
… Sắc thần ở đình Tân Phong vẫn còn được giữ nguyên vẹn cho đến nay”.
Năm 2013, Lương
Chánh Tòng trong bài viết Lăng triều
Nguyễn ở Nam bộ [3] sau khi
đã phê bình các công trình nghiên cứu đi trước rồi tiến hành phúc tra, khảo
sát, sưu tầm tư liệu về hai lăng mộ ở đình Tân Phong, tác giả chú trọng vào
truyền thuyết về Lê Trác ở thời Minh Mạng liên quan đến việc lên đồng của bà
Bóng và truyền thuyết về Lê Văn Lễ với Cô Bóng Hiên qua ghi chép của Lương Văn
Lựu để đoán định chủ nhân chiếc mão của lăng
mộ Thống chế ở Đình Tân Phong là Lê Văn Lễ: “Chúng
tôi cho rằng, Lê Văn Lễ - quan Án sát tỉnh Biên Hoà thời Minh Mệnh, không rõ
năm sinh, mất vào mùa Đông năm 1833, là nhân vật lịch sử có nhiều căn cứ hơn cả
trong việc xác định là chủ nhân chiếc mão “Thiên vương thống chế” hiện đang lưu
giữ tại Bảo tàng Lịch sử”, tuy nhiên không nói gì về lăng mộ Tiền chi cũng
như về danh tính, phẩm trật ra sao.
Nhận định chung: Qua các nghiên cứu
trên, suy luận của Nguyễn Bá Lăng - Bửu
Cầm về mũ của quan võ Thống chế thuộc chánh nhị phẩm là chức danh có vào thời
Minh Mạng (nhưng có thể được đời Minh Mạng truy phong) là xác đáng vì theo Đỗ
Văn Ninh: “Thời Nguyễn là võ quan nắm giữ
1 doanh quân, có 5 vệ. Đặt Đô thống hoặc Thống chế 1 người, trật chánh nhị
phẩm”[4] nên có thể quan đại thần Thống chế
thuộc thời kỳ Chúa Nguyễn Ánh đến đời Gia Long (hoặc Minh Mạng?) là hợp lý. Truyền
thuyết ở địa phương cho biết hai quan đại thần Thống chế và Tiền chi là 2 anh
em, quan Thống chế tên là Lê Huỳnh và Tiền chi là Lê Trác nhưng trong sử sách
không tìm ra nhân vật lịch sử nào có họ tên này, có thể là do truyền miệng (kể
cả vì kiêng húy) từ đời này sang đời khác nên âm đọc biến đổi? Tuy nhiên điều
quý giá là 2 nhân vật mang họ LÊ, “họ” khó sai lạc hơn “tên” và là hai anh em
ruột. Hai anh em đại thần, người chết trước, người chết sau và một bị bệnh
chết, một bị chết trận. Ý kiến của Lương Chánh Tòng khi suy đoán có thể là quan
án sát tình Biên Hòa là Lê Văn Lễ đời Minh Mạng, không có giá trị thuyết phục
vì: Lê Văn Lễ theo Khâm định Đại Nam Hội
Điển Sự Lệ ghi chép: “Lại có Dụ rằng:
Viên Án sát sứ tỉnh Biên Hoà đã bị cách chức là Lê Văn Lễ trước đã chẳng biết
giữ tỉnh lỵ để đến nỗi bị giặc (Lê Văn Khôi) xâm chiếm, sau lại ôm giữ Biên,
Long, phát trạm tâu báo tình hình về quân sự nhiều việc sơ xuất, đã xuống
Dụ cho cách chức và cho đi làm quân tiền
khu, gắng sức chuộc tội, để đợi có công lao sẽ được khai phục. Nay việc đánh
giặc chưa xong mà viên ấy đã ốm chết, tình thực đáng thương. Vậy gia ơn cho Lê
Văn Lễ được trả lại chức hàm Viên Ngoại Lang Bộ Hộ chánh Ngũ Phẩm, và cho theo
lệ chiếu phẩm, cấp tiền tuất để tỏ ý thương xót ” [5].
Vậy Lê Văn Lễ là quan văn bộ Hộ, hàm chánh ngũ phẩm[6]
không ứng với chức Thống chế là quan võ hàm
chánh nhị phẩm cũng như di vật cổ là mũ quan võ. Hơn nữa, sử sách cũng không
ghi chép gì về Lê Văn Lễ có anh hay em. Về giai thoại dân gian liên quan đến Lê
Văn Lễ và Cô Bóng Hiên, qua bài viết Góp phần tìm hiểu về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu
Kính (Cảnh)[7], chúng tôi đã xác định Cô Bóng Hiên
thuộc thời kỳ trước Gia Long dựa vào Hoàng
Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định soạn năm 1806. Lương Văn Lựu tác
giả Biên Hòa Sử Lược [8] đã lầm lẫn (hoặc tác giả chỉ ghi chép
theo truyền thuyết) khi nối kết Lê
văn Lễ của đời Minh Mạng với Cô Bóng Hiên. Nhưng câu chuyện về Cô Bóng Hiên có
khả năng ứng với hành trạng của Nguyễn
Hữu Cảnh (1650 - 1700) chứ
không liên quan gì đến Lê Trác hay Lê Văn Lễ.
Trong các nghiên cứu trước đây, đáng chú ý là
các tác giả đã không quan tâm đến những hoành phi, câu đối chữ Hán của 2 lăng
mộ Thống chế và Tiền chi. Theo chúng tôi nội dung những chữ Hán này có thể được
bảo lưu sau khi lăng mộ được khai quật và chuyển dời về Đình Tân Phong và sau đó lăng mộ được trùng
tu. Thông tin của chúng chắc chắn tôn vinh công trạng, sự nghiệp của 2 quan đại
thần xưa kia và từ đây có thể lần mò ra manh mối về hai nhân vật lịch sử này. Chúng tôi đã đến
Đình Tân Phong và tìm hiểu những hoành phi, câu đối ở lăng mộ cổ như sau[9]:
Lăng mộ Thống chế (Hình 2): Phía trên vòng thành hậu ghi: Thống
chế lãnh binh trung phù xã tắc 統 制
領 兵 忠 扶 社 稷. Câu đối 2 cột giữa:
Hiển hách chiếu sơn hà 顯 赫 照 山 河,
Uy linh an xã tắc 威 靈 安 社 稷.
Câu
đối 2 cột hai bên thành mộ: Thống binh dư tặc khấu 統 兵 餘 賊[10] 寇, Chế phục ngoại bang hầu 制 伏 外 邦 侯.
đối 2 cột hai bên thành mộ: Thống binh dư tặc khấu 統 兵 餘 賊[10] 寇, Chế phục ngoại bang hầu 制 伏 外 邦 侯.
(Đại ý: Quan đại thần Thống chế lãnh binh trung thành cứu
giúp đất nước - Công trạng hiển hách của ngài rạng rỡ non sông, Uy linh của
ngài làm an định đất nước - Thống binh (dẹp) dư đảng giặc, Ngài đã khuất
phục được lân bang.
Lăng mộ Tiền chi (Hình 3): Phía trên vòng thành hậu ghi: Tiền
chi binh bộ tận trung báo quốc 前 支
兵 部 盡 忠 報 國 (Tiền
chi binh bộ tận trung
báo quốc) . Câu đối 2 cột giữa:
Thánh đức hộ nhân dân 聖 德 護 人 民
, Thần minh an lê thứ 神 明 安 黎 庶. Câu đối 2 cột hai bên thành
mộ: Tiền triều công hộ quốc 前 朝 功[11]
護 國, Chi diệp định an bang 支
葉 定 安 邦.
(Đại ý: Quan đại thần Tiền chi
binh bộ tận trung báo quốc - Thánh đức của ngài phù
hộ nhân dân, Ngài là bậc thần minh ban sự an bình cho dân chúng – Thời Tiền
triều, ngài đã lập công bảo vệ quốc gia, là bầy tôi (dốc công) an định nước
nhà.
Từ
các thông tin trên, ngoài những công đức lớn lao hộ quốc cứu dân…của 2 quan đại
thần ra, đáng chú ý nhất là quan đại thần Thống chế là người có công lao về việc ngoại giao “chế phục
ngoại bang” và quan Tiền chi là người thuộc “Tiền triều”, tức là vào thời Chúa Nguyễn, trước khi Nguyễn Ánh lên
ngôi, sáng lập triều Nguyễn. Phối hợp với kết quả nghiên cứu đi trước như
xác định bia mộ có 2 chữ “Nam Việt” và
mũ quan võ Thống chế hàm chánh nhị phẩm, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm trong sử
sách để truy ra nhân vật lịch sử nào tương ứng và may thay chúng tôi đã phát
hiện ra 2 anh em quan đại thần Thống chế và Tiền chi ở Gia Định, Biên Hòa thuộc
thời đại Chúa Nguyễn đến Gia Long như sau:
Thống chế Lê văn Quế: Theo Đại
Nam liệt truyện ghi chép về Lê
Văn Quế như sau: “Người huyện Bình Dương,
tỉnh Gia Định, từng theo sang Vọng Các, lúc đầu làm Tổng nhung cai cơ cơ Tả
thuỷ, doanh Thuỷ trung quân, trải làm Phó quản doanh Hậu thuỷ, Khâm sai thống
binh cai cơ. Năm Mậu Ngọ, làm Chánh quản doanh Hậu thuỷ, mùa xuân năm Nhâm Tuất
làm Thống chế lính thuỷ quân doanh Hậu thuỷ, cùng với Thần sách giám quân Phạm
Văn Nhân đến Bình Định cùng đánh dẹp. Năm Giáp Tý thăng Đô thống chế, mùa xuân
năm Canh Ngọ chết, không có con, anh viên ấy là Phó tiền chi cai cơ ở doanh Hậu
thuỷ là Lê Văn Tú dâng biểu xin vua chuẩn cho con của em út là Do được miễn
binh đao để chủ trì việc thờ cúng, lại chiếu Vọng Các công thần vào bậc thứ 2,
cấp cho phu coi mộ, rồi cho được tập ấm Phụng ân uý.”[12]
Tiền chi Lê Văn Tú: Theo Đại
Nam nhất thống chí ghi chép về Lê
Văn Tú như sau: “Người tỉnh Bình Định,
đầu đời Trung hưng, tòng quân lệ vào Hữu quân, làm Cai cơ, chuyển sang Phó
trưởng chi Hữu chi, theo đi đánh Quy Nhơn, chết trận ở Bào Lạc tặng Trưởng Cơ.”[13]
Như vậy Lê Văn Quế người huyện Bình
Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Sài Gòn), có công đánh Tây Sơn ở thành Bình
Định nên vào năm Nhâm Tuất (1802) được thăng chức Thống chế lính thuỷ quân
doanh Hậu thuỷ, năm Giáp Tý (1804) được thăng Đô Thống chế. Theo Đỗ Văn Ninh: “Nắm thủy quân là Thống chế thủy doanh”
vậy Lê Văn Quế nắm chức cao nhất của doanh Hậu thủy. Quan trọng nhất là Thống
chế Lê Văn Quế có công lao phò tá Nguyễn Ánh đến cầu viện và lưu vong[14] ở
Vọng Các, Xiêm la (Bangkok, Thái Lan), điều này ứng hợp với câu đối ở lăng mộ
Thống chế: “chế phục ngoại bang”. Năm
Canh Ngọ (1810) Lê Văn Quế qua đời, ở đây có một thông tin quý giá liên quan
đến người anh là Phó Tiền chi cai cơ ở doanh Hậu thuỷ là Lê Văn Tú. Vậy là đúng
thật có một quan đại thần “Tiền chi” anh em với Thống chế Lê Văn Quế[15].
Lê Văn Tú người tỉnh Bình Định? Nhưng ở
dị bản ĐNNTC khác[16] lại
chép: Lê Văn Tú người huyện Bình An, huyện Bình An thuộc tỉnh Biên Hòa thời
Nguyễn. Hơn nữa ngay ĐNNTC cũng đã cho Lê Văn Tú là nhân vật của tỉnh Biên Hòa.
Nhà nghiên cứu địa phương chí Lê Văn Lựu cũng đã từng ghi nhận theo ĐNNTC trên
để xác nhận Lê Văn Tú người huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa xưa. Lê Văn Tú tham gia
trận đánh thành Quy Nhơn vào khoảng 1799 -1800 và tử trận vậy thì thông tin ở
trên theo ĐNLT viết về Lê Văn Tú: “…anh viên ấy là Phó tiền chi cai cơ ở doanh
Hậu thuỷ là Lê Văn Tú dâng biểu xin vua chuẩn cho con của em út là Do được miễn
binh đao để chủ trì việc thờ cúng” cần phải được đính chính. Năm 1810, Lê
Văn Quế mất, lúc này Lê Văn Tú đã qua đời trước đó 9, 10 năm rồi, làm sao có
thể sống để lo liệu hậu sự cho Lê Văn Quế? Để khẳng định Lê Văn Tú chết trận
Quy Nhơn, chúng tôi xin trích dẫn Đại nam
thực lục đã ghi chép:“Gia Long thứ 1[1802],
mùa thu, tháng 7, Trấn Phú Yên dựng miếu ở Hòn Nan [vụng] Cù Mông để thờ Mai
Đức Nghị và những người chết trận và chết bệnh, từ Thị Dã đến Phú Yên, cả thảy
526 người. ở chính giữa thờ 5 người : Thần sách quân Hậu dinh Đô thống chế tặng
Thiếu bảo quận công Mai Đức Nghị, Thần sách quân Hậu dinh Phó đô thống chế tặng
Chưởng cơ Tôn Thọ Vinh, Hữu quân hữu chi Phó trưởng chi cai cơ tặng Chưởng cơ
Lê Văn Tú”. Do đó, Lê Văn Tú là anh,
chết trước em là Lê Văn Quế và điều này cũng đã được ĐNTL[17] xác
nhận vì không chép gì về Lê Văn Tú lo hậu sự như ĐNLT: “…Gia Long năm thứ 9 [1810], mùa thu, tháng 7, Đô thống chế Thủy dinh
là Lê Văn Quế chết. Văn Quế có công Vọng Các, vua thương vì không có con nối
dòng nên miễn thuế thân cho người cháu gọi bằng chú bác là Lê Văn Do, khiến giữ
việc thờ cúng”, Lê Văn Tú là nhân vật như ĐNNTC chép:“đầu đời Trung hưng, tòng quân lệ vào Hữu quân, làm Cai cơ”, “Trung hưng” là tên gọi nhà
Hậu Lê (1533–1789), vậy rất phù hợp với câu đối ở
lăng mộ Tiền chi: “Tiền triều công hộ quốc”, triều Nguyễn
thường gọi thời Chúa Nguyễn hay trước
Gia Long là “Tiền triều”.
Theo truyền thuyết địa phương, Ông Anh
là quan Thống chế được triều đình phái đi đánh giặc nhưng bất ngờ mất vì bạo
bệnh, sau Ông Em là quan Tiền chi xin thay anh để đánh giặc và chiến thắng, sau
lại tử trận. Tình tiết này cũng ăn khớp với sử liệu: Tiền chi Lê Văn Tú đã vào
Quy Nhơn (1799 – 1800) rồi chết trận, liền sau đó, năm 1802 Thống chế Lê Văn
Quế cũng vào Quy Nhơn đánh Tây Sơn và chiếm được thành Bình Định. Tuy nhiên
truyền thuyết đã lầm lẫn về thứ tự anh em: Thống chế là anh, Tiền chi là em mà
thật ra theo sử liệu, Tiền chi Lê Văn Tú là anh của Thống chế Lê Văn Quế và
người bịnh bệnh chết (chết vì bệnh tật lúc già) là Thống chế Lê Văn Quế còn
người tử trận chính là Tiền chi Lê Văn Tú.
Thay lời kết
Qua khảo sát các tài
liệu sử quán triều Nguyễn và đối chiếu với những di vật từ 2 lăng mộ cổ Thống
chế và Tiền chi ở Đình Tân Phong, Biên Hòa cũng như các truyền thuyết địa
phương, chúng tôi có thể đi đến một kết luận hợp lý về 2 nhân vật lịch sử:
Lăng mộ Thống chế là nhân vật lịch sử ở
vào thời Chúa Nguyễn Ánh đến Gia Long, là quan đại thần Thống chế Lê Văn Quế
(người em), người huyện Bình Dương – tỉnh Gia Định không rõ năm sinh, chết vì
bệnh già yếu vào tháng 7 năm 1810, chức
quan như sau: Tổng nhung Cai cơ Cơ Tả thuỷ, doanh Thuỷ trung quân, Phó Quản
doanh Hậu thuỷ, Khâm sai Thống binh Cai cơ, Chánh quản doanh Hậu thuỷ, Thống
chế lính thuỷ quân doanh Hậu thuỷ, Đô thống chế. Ông từng phò tá Nguyễn Ánh
sang Vọng Các, được phong Vọng Các công thần bậc thứ hai và tham gia trận chiếm
lại thành Bình Định. Đặc biệt là Lê Văn Quế chính là chủ nhân của chiếc mão
Thông chế đã được lưu giữ ở Viện Bảo tàng Quốc Gia Việt Nam - Sài Gòn nay là Bảo
tàng Lịch sử - Tp Hồ Chí Minh, Hồ sơ mang ký hiệu BTLS1574 (xem hình [18])
Lăng mộ Tiền chi là nhân vật lịch sử của thời Chúa Nguyễn Ánh,
là quan đại thần Tiền chi Lê Văn Tú (người anh), người huyện Bình An, tỉnh Biên
Hòa không rõ năm sinh, tham chiến trận Quy Nhơn rồi tử trận khoảng năm 1899 - 1800,
được thờ ở miếu Cù Mông Công thần, ở Hòn Nần, đầm Cù Mông, Phú Yên[19]. Chức quan như sau: quân lệ Hữu quân, làm Cai cơ,
chuyển sang Phó trưởng chi Hữu chi (theo ĐNNTC) và “Phó Tiền chi Cai cơ doanh
Hậu thủy” (theo ĐNLT).
Sau gần 50 năm qua, thừa hưởng và nối
tiếp các nhà nghiên cứu đi trước, với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, chúng
tôi hy vọng có thể góp phần làm sáng tỏ một bí ẩn lịch sử liên quan đến danh
tính, hành trạng của 2 nhân vật lịch sử thuộc 2 lăng mộ cổ ở Đình Tân Phong –
Biên Hòa. Tên tuổi và sự nghiệp, công
đức hộ quốc cứu dân của hai anh em thuộc hàng khai quốc công thần nhà Nguyễn là
quan đại thần Thống chế Lê Văn Quế và Tiền chi Lê Văn Tú từ nay sẽ không còn bị chìm vào quên lãng và
sẽ mãi lưu danh hậu thế.
Biên Hòa ngày
02 tháng 7 năm 2014
(Bài
này là bài viết gốc trước khi được tác giả rút gọn lại theo yêu cầu của Ban
biên tập Tạp chí Xưa & Nay để đăng trên số 451
tháng 9-2014)
[1] Nguyễn Bá
Lăng, Việc cải táng mộ Thiên vương Thống
chế và Ông Tiền chi tại xã Tân Phong, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà, Nội
san Viện khảo cổ, số 4 năm 1965
[2] Nguyễn
Thị Nguyệt, Hai lăng mộ ở đình Tân Phong – Biên Hoà, Đồng Nai – Di tích Lịch sử Văn
hoá, NXB Tổng hợp Đồng Nai. 2004
[3] Lương
Chánh Tòng, Lăng triều Nguyễn ở Nam bộ, Nam bộ - Đất và Người (Tập 9), NXB Đại Học Quốc Gia TPHCM. 2013
[4] Đỗ Văn
Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thanh niên. 2006
[5] Quốc sử
quán triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam
hội điển sự lệ (tập 3). NXB Thuận Hoá.1993
[6] Theo Đỗ
Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam,
Án sát thuôc trật chánh ngũ phẩm văn giai
[7] Đinh Văn Tuấn, Góp
phần tìm hiểu về Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh), Tạp chí Nghiên Cứu
Lịch Sử số 1/2014
[8]
Lương Văn Lựu. Biên Hòa sử lược toàn biên. Tập
1,2 . Tác giả xuất bản (1972-1973)
[9] Nhân
đây, xin cảm ơn Hs Nguyễn Minh đã tạo điều kiện thuận lợi giúp tác giả đến khảo
sát và chụp ảnh 2 lăng mộ cổ ở Đinh Tân Phong
[12] Quốc sử
quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện (tập 2). Đỗ
Mộng Khương (dịch), Nhà xuất bản Thuận Hóa (tái bản lần 2), Huế. 2006
[13] Quốc sử
quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Nhà xuất
bản Thuận Hóa. Huế, 1992
[14] Khi
Nguyễn Ánh lưu vong ở Xiêm, đã từng giúp Xiêm đánh Miến Điện và Mã Lai, rất có
thể Lê Văn Quế cũng tham gia nên câu đối mới viết “Chế phục ngoại bang hầu”.
Nói chung là việc ngoại giao giữa Đại Việt và Xiêm.
[15] Theo
Binh chế nhà Nguyễn, một Doanh gồm có 5 chi là Tiền Chi – Trung Chi – Hậu Chi –
Tả Chi – Hữu Chi
[16] Văn Hóa
Tùng Thư, Đại Nam Nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt - Tập Thượng, Tu Trai
Nguyễn Tạo (dịch), Nha Văn Hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. 1959
[17] Quốc sử
quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Viện sử học dịch.
Nhà xuất bản Giáo dục. 2001
[18] Trích
từ bài viết Việc cải táng mộ Thiên vương Thống chế và Ông Tiền chi tại xã Tân
Phong, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà, Nguyễn Bá Lăng, Nội san Viện khảo cổ, số 4 năm 1965
[19] Gia
Long cho xây miếu Biểu Trung ở hòn Nần trong đầm Cù Mông thuộc làng Vĩnh Cửu
tổng Xuân Bình…Lúc đầu miếu có tên là ‘‘Cù Mông Công Thần Miếu’’, đến năm 1851
(Tân Hợi) vua Tự Đức đổi tên là ‘‘Miếu Biểu Trung’’ theo Nguyễn Đình Chúc, Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ, ca dao Phú
Yên, NXB Thanh Niên 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét