Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Nguồn gốc và ý nghĩa một số địa danh ở Biên Hòa



           
                                                                                          
Đinh Văn Tuấn
      
       Có một số địa danh thuộc Biên Hòa xưa nay cho đến nay đã để lại nhiều nghi vấn và các nhà nghiên cứu sử học, địa danh học vẫn chưa lý giải thấu đáo, thống nhất. Nguyên nhân do thư tịch để lại không nhiều, ghi chép đại lược, dị biệt và về chữ viết có nhiều tự dạng, âm đọc biến đổi qua  các thời kỳ lịch sử đã gây khó khăn trong việc tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa  các địa danh. Bài viết này sẽ cố gắng tìm hiểu sâu hơn với hy vọng làm sáng tỏ các nghi vấn về địa danh Biên Hòa.

1/ Đồng Nai:
         Trong sách Địa chí Đồng Nai[1] đã viết: “Nguồn gốc của địa danh “Đồng Nai” vẫn chưa rõ. Dân gian quen giải thích do cánh đồng có nhiều nai (cùng cấu trúc gọi tên các địa danh: Hố Nai, Đồng Hươu, Rạch Nai, Bàu Nai, Mũi Nai...). Cũng có ý kiến cho rằng Đồng trong Đồng Nai là cách gọi biến âm từ chữ Đờng trong Đạ Đờng (Sông Cái) của người Mạ; bởi vì còn có rất nhiều tên gọi khác bắt nguồn từ chữ Đồng (Đờng?) mà không phải là cánh Đồng: Đồng Tranh, Đồng Môn, Đồng Tràm, Đồng Trường...” cũng trong sách Lịch sử và Văn hóa Cù Lao Phố [2], Huỳnh Ngọc Trảng đã dẫn lý giải của J.Boulbet, tác giả sách Pays des Maa', domaine des génies. Nggar Yaang – E.F.E.O, Paris 1967: “ Ddá, là nước, dòng nước, chất lỏng; Đạ Ddờng (Ddá Doong) là dòng sông, ở đây chỉ sông Đồng Nai thượng, người Mạ có dòng sông riêng của họ , và đặt tên là sông Cái, đây là cách gọi dành riêng cho giòng sông đó”, nghĩa là Đồng trong Đồng Nai không phải là “cánh đồng có nai” mà chỉ là tên gọi sông (Ddờng). Những ý kiến này khiến cho độc giả phân vân không hiểu thực ra địa danh Đồng Nai xưa có nguồn gốc và ý nghĩa gì?
        Tài liệu sớm nhất về địa danh Đồng Nai hiện biết chỉ ở thời điểm năm 1700, được ghi nhận bằng chữ La tinh ký âm là “Đơm nay” theo Đỗ Quang Chính [3]: “Trong bản tường trình của cha Dt Juan Antonio Arnedio vào năm 1700 viết về cuộc bách  hại đạo do Minh vương Nguyễn Phúc Chu ra lệnh  từ 13/3/1700 đã  ghi nhận: “Đơm nay” : Đồng Nai..” theo tài liệu của Trương Bá Cần[4], đã cho biết, qua bản tường trình viết vào năm 1701 của thừa sai Gouge, thân sinh của linh mục Laurent cùng với một số người trong gia đình đã đến vùng Dou-Nai khai phá, cày cấy từ 29 năm trước. Thư của phó giám mục Labbé (1710) gởi Ban giám đốc Chủng viện Truyền giáo nước ngoài viết: “Có một miền gọi là Dou-Nai ở giữa Cao Miên và Chiêm Thành đây là một vùng đồng bằng, đất tốt, khá rộng và dài, rừng rậm, cây to, nơi mà người Đàng Trong đến lập nghiệp từ 35 hay 40 năm nay”. Đơm Nay hay Dou-Nai, thời điểm 1700 -1701 ở đây chính là đất Đồng Nai, rất gần với thời kỳ Trần Thượng Xuyên (1679) vào Đồng Nai đồn trú, khai phá và Nguyễn Hữu Cảnh (1698) vào Nam kinh lý, xác lập hành chính. Rất có thể tên gọi “Đồng Nai” đã xuất hiện từ thuở các lưu dân Việt vào khai phá Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai trước sự kiện Trần Thượng Xuyên. Về văn tự Hán Nôm, Pigneaux de Béhaine trong Tự điển An Nam - La tinh (1772-1773)[5] viết chữ Nôm là Đồng Nai: Tỉnh của Đàng trong;  Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định Thành Thông Chí[6]: “Đồng Nai là tên duy nhất của trấn Biên Hòa, (…) Do ban đầu là cánh đồng cho nai hươu ở, cho nên mới gọi là Đồng Nai, tên chữ là Lộc Dã, còn gọi là Lộc Động.” và sau đó các thư tịch khác cũng đều viết và chú giải tương tự: Đại Nam nhất thông chí[7]: “…vì trước kia là đồng nội lắm hươu nai, nên gọi tên thế”; Đại Nam Quốc âm tự vị [8](1895 - 1896) - Huỳnh Tịnh Của ghi nhận: “Đồng nai: Cuộc đất minh mông ở tại Biên Hòa, thường hiểu chung là đất Nam Kỳ.”; Từ điển Việt- Pháp (1898)[9] - Génibrel ghi: “La plaine aux cerfs” (Cánh đồng nhiều nai); Việt Nam tự điển [10]- Hội Khai Trí Tiến Đức (1931): “Đồng Nai: Tên một xứ ở vào lưu vực sông Đồng Nai”. Như vậy theo thư tịch cũng như tập truyền, “Đồng Nai” là tên ban đầu chỉ vùng đất miền Nam, nơi cánh đồng có nhiều nai chứ không phải là tên gốc của con sông Cái. Tên sông Đồng Nai có sau tên gọi đất, cho nên ý kiến của J.Boulbet về tên gọi Đồng Nai có gốc từ tiếng Mạ, theo chúng tôi là không vững, thiếu thuyết phục. J.Boulbet  còn suy đoán tiếng “Nai” có thể là biến thể từ ning nghĩa là dốc đứng vậy Đồng Nai = Đờng Ning: sông Cái có bờ dốc đứng! Chúng tôi chưa thấy trong tiếng Việt có hiện tượng chuyển vần từ /ing/ thành /ai/, đây là một sự gượng ép thái quá về ngữ âm.
         Tên gọi nguyên thủy của sông Đồng Nai hiện không có sách nào ghi lại, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí[11] chỉ thấy tên gọi sông Đồng Nai chứ không thấy gọi là sông Phước Long (Phước Long giang) hay sông Phước (Phước giang). Tên gọi sông Phước Long theo Đại Nam nhất thống chí, là sông lớn của phủ Phước Long nên lấy tên ấy đặt tên sông, còn có tên khác là sông Hòa Quý tục gọi sông Đồng Nai, cũng theo sách này, trước đời Gia Long là huyện Phước Long đến năm Gia Long thứ 7 (1808) mới thăng làm phủ Phước Long (sách Gia Định thành thông chí cũng ghi chép như vậy). Bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được Lê Quang Định soạn năm Gia Long thứ 5 (1806) không nhắc đến tên sông Phước Long là dễ hiểu vì phủ Phước Long thành lập vào năm 1808. Tên “Đồng Nai” cũng được đặt cho tên chợ thuộc đất ấy là chợ Đồng Nai. Nhân đây xin lưu ý, chợ Đồng Nai xưa không phải là chợ Tân Lân (tên cũ là Bàn Lăn) nay là chợ Biên Hòa mà xưa nay vẫn cho là chợ chính (chợ Dinh) của đất Đồng Nai (Trấn Biên, Biên Hòa), vì như Lê Quang Định ghi chép trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí về chợ Đồng Nai: “Chợ thôn Tân Vạn, chợ ở phía bờ Nam. Tục gọi là chợ Đồng Nai, quán xá hai bên chợ rất sơ xài , người buôn bán cũng it ỏi” ; chợ Tân Lân: “Chợ thôn Tân Lân, chợ ở phía bờ Bắc, tục gọi là chợ Bàn Lăn, quán xá rất đông đúc, người buôn bán rất tấp nập”Đại Nam nhất thống chí chép về chợ Đồng Nai: “Chợ Lộc Dã: ở phía Nam hạ lưu Phước Long huyện Phước Chánh, vì trước kia là đồng nội lắm hươu nai, nên gọi tên thế, hoặc gọi Lộc Động, tục gọi chợ Đồng Nai” ; Chợ Tân Lân: “Ở thôn Tân Lân huyện Phước Chánh, tục gọi chợ Bàn Lăn ; quán xá trù mật, xưa Trần Thượng Xuyên đóng đồn ở Bàn Lăn, tức là đây”. Rõ ràng chợ Tân Vạn thời Nguyễn (huyện Phước Chánh, phủ Phước Long), xưa có tên là chợ Đồng Nai, tên chữ là Lộc Dã, đây mới là tên gọi xưa của cái chợ thuộc vùng đất mang tên Đồng nai. Năm 1679, Trần Thượng Xuyên được phép chúa Nguyễn cho vào đất Đồng Nai để đồn trú và khai phá, đoàn thuyền của ông đi theo đường biển đến cửa biển Cần Giờ sau đó đi ngược theo sông Đồng Nai nhưng không ghé đất Tân Vạn vì ở đó đã có người Việt lập nghiệp rồi (đã có chợ Đồng Nai) nên đầu tiên mới đặt chân đến đất Bàn Lăn (dân cư Việt , Miên, Mạ… thưa thớt), địa điểm này chính là chỗ có chợ Bàn Lăn sau đổi là chợ Tân Lân (chợ Biên Hòa). Người Hoa định cư, lập chợ Bàn Lăn phát triển sầm uất lên nhưng sau cùng Trần Thượng Xuyên đã quyết định dời trụ sở về cù lao bên kia sông để lập ra thương cảng cù lao Đại Phố thịnh vượng nhất thời ấy. Sau khi Cù Lao Phố hình thành, chợ Bàn Lăn thuộc về người Việt và trở thành trung tâm của Trấn Biên, thời điểm này chính là lúc Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý. Những sự kiện trên cộng thêm chiến tranh liên miên giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh đã là nguyên nhân chính khiến cho chợ Đồng Nai bị lấn át và trở nên thưa thớt như Lê Quang Định đã ghi chép. Các lưu dân người Việt ban đầu thời trước khi người Hoa đến lập nghiệp và  Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý Nam bộ, đã sinh sống, khai khẩn đất hoang ở đó khá lâu rồi. Người Việt đã gọi tên một vùng đất có nhiều nai là Đồng Nai và đặt luôn con sông chảy qua vùng đất này là sông Đồng Nai cũng như chỗ họp chợ ở đó là chợ Đồng Nai. Tên gọi nguyên thủy của đất Đồng Nai xưa thuộc xứ Cao Miên là gì hiện không có tài liệu nào ghi chép, chỉ biết rằng vùng đất này đã từng được thư tịch gọi là Đông phố[12], có thể thuộc thủ phủ của Cao Miên hay là cách gọi tắt của tên gọi Đông Phố Trại?, tên do người Hán đặt cho Cao Miên. Ngoài tên gọi Đồng Nai ra còn được gọi là Lộc Dã, Lộc Động những tên này chỉ là tên chữ Hán dựa theo nghĩa tục truyền về vùng đất có nhiều nai. Đặc biệt là tên gọi Nông Nại do nhà Thanh đặt cho đất Đồng Nai, ám chỉ đất miền Nam do chúa Nguyễn khai phá và Nguyễn Ánh thiết lập triều chính ở Gia Định để chống đối Tây Sơn. Theo Trịnh Hoài Đức chú giải trong Gia Định thành thông chí (sđd): “Nông Nại (Gia Định tục gọi là Đồng Nai, người Thanh gọi Gia Định là Nông Nại)” và trong sách Gia Định tam gia[13], ở lời chú bài thơ Sứ hành tự thuật, tác giả đã giải thích rõ hơn: “Thành Gia Định, thường gọi là Đồng Nai, thổ âm Quảng Đông gọi là Nông Nại”. Trước khi Trịnh Hoài Đức đi sứ Thanh vào năm 1802 thì tên gọi Nông Nại đã được lưu danh ở Trung Quốc rồi vì trong sách Đại Thanh Thực Lục[14] đã ghi nhận như sau, năm Càn Long thứ 56 (1791) : “Nguyễn Quang Bình nhận được thông báo về việc tìm bắt bọn cướp biển, liền sức cho các đồn duyên hải nước này khẩn cấp tuần phòng, và bổ nhiệm Ngô Văn Sở chức Thủy quân Đô đốc, phân tán binh lực tuần tra tập nã. Đến như bọn cướp trong vụ án này, trước đây lẩn trốn ở vùng Đoản Miên, Nông Nại”.
      Tóm lại, địa danh “Đồng Nai” do lưu dân miền Nam hồi nửa đầu thế kỷ XVII vào khai khẩn đất hoang đã đặt tên thuần Việt theo ý nghĩa là cánh đồng có nhiều nai, sau đó dùng tên đất để gọi tên sông Cái chảy qua vùng đất ấy là sông Đồng Nai và chỗ họp chợ buôn bán cũng được gọi là chợ Đồng Nai. Trung tâm quần tụ chính buổi ban đầu có lẽ là thôn Tân Vạn, nay là phường Tân Vạn, Biên Hòa.

2/Bàn Lăn:
        Sử sách chép Trần Thượng Xuyên, được phép của Chúa Nguyễn đi thuyền theo cửa biển Cần Giờ rồi đầu tiên đến đất Bàn Lăn thuộc Biên Hòa để đồn trú và khai phá, sau đó chuyển về cù lao bên kia sông để lập Cù Lao Phố nổi tiếng. Trong các sách Đại nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Gia Đinh Thành thông chí viết Bàn Lăn chữ Hán là 盤轔 nhưng trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (sách địa chí xưa nhất thời Nguyễn) viết chữ Nôm là [木盤][木轔], vậy đó là loài thực vật (bộ mộc ). Theo tự vị An nam La tinh (1772) của P. Béhaine, có cây bàn lăn (một loại cây gỗ) và trong Đại Nam quốc âm tự vị (1895) của Huỳnh Tịnh Của lại viết là bàn lăn hoặc bàng lăn  bằng lăng, một loại cây gỗ dùng làm mái chèo. Sách Gia Đinh Thành thông chí, ghi chép: “Cây bàn lăn hoa và lá giống cây tử kinh, thớ gỗ trắng ngà, dùng làm rui mè, cột trụ và mái chèo; rễ cây chỗ gốc cong queo nổi u kỳ quái, hoặc giống hình người, hoặc hình chim muông hoa lá, dùng làm ống cắm bút, dĩa bày quả, có vẻ đẹp tự nhiên cổ kính.” Như vậy dù viết 盤轔 hay [木盤][木轔], cũng đều ký âm cho bàn lăn, do đó cách phiên là Bàn Lân hay Bàng Lân của các dịch giả, sử gia  trước nay là không chính xác.  
        Địa danh Bàn Lăn là vùng đất có nhiều cây bàn lăn (tên gốc ngày xưa), nhưng do người miền Nam đọc trại ra là bàng lăn  rồi  bằng lăng. Theo Sơn Nam[15] Bàn Lân là tiếng bằng lăng nói trại ra, Sơn Nam đã đoán đúng về tên cây nhưng ông nói sai là từ bằng lăng bị đọc trại ra bàn lân. Theo chuyên khảo Monographie de la province de Bien Hoa[16] của M. Robert (1924) thì Ban Lan lại ở Bến Gỗ, không hiểu tác giả đã căn cứ vào tài liệu nào? Nhưng cứ theo thư tịch cổ thì Bàn Lăn phải ở chỗ gần chợ Biên Hòa vì tên chợ xưa cũng gọi là chợ Bàn Lăn, sau là chợ Tân Lân (Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí), chợ Biên Hòa hiện nay. Cũng còn một lý giải khác về Bàn Lăn: Nguyễn Thái Liên Chi trong Địa danh Đồng Nai mang tên động vật và thực vật[17] đã dẫn Jean Boulbet (Descriptions de la végétation en pays Maa, 1960) Mô tả thảo mộc ở xứ người Mạ, BSEI) như sau: Bằng Lăng là tên loại cây blaang của người Mạ là một loại cây gạo, gọi là cây gạo Malaba Ấn Độ. Loại cây này “đốn từ trong rừng đem về trồng ở buôn làng để làm cọc hiến sinh (người ta buộc con trâu để giết tế lễ vào đó); cây cọc này sẽ đâm rễ xanh tươi trở lại và đây là di tích chỉ báo sự chiếm ngụ của con người trên vùng đất đã bị bỏ đi.” Có lẽ Boulbet thấy có sự đồng âm Mạ và Việt nên mới suy đoán là cây gạo nhưng cây gạo này thật có ở Biên Hòa không và tên gọi Việt của nó là gì, thư tịch nào ghi chép? Nếu chỉ là “Bàn Lăn” thì như đã dẫn chứng, Bá Đa Lộc năm 1772 đã từng ghi nhận và Trịnh Hoài Đức (1820) đã mô tả đúng cây bàn lăn là cây phổ biến ở Biên Hòa, Gia Định rồi. Thế thì không còn nghi ngờ gì nữa, Bàn Lăn là tên gọi của địa danh ở Biên Hòa, nơi vùng đất ven sông có nhiều cây bàn lăn, tiếng Việt hiện đại là bằng lăng.

3/Cù Lao Phố (cù lao Đại Phố):
         Địa danh Cù Lao Phố ở xã Hiệp Hòa, Biên Hòa xưa nay có nhiều tục danh: Đại Phố, Nông Nại Đại Phố, Đông Phố (Giản Phố), Cù Châu...[18] Nhưng tên gọi phổ biến nhất xưa nay vẫn là Cù Lao Phố. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa địa danh này ra sao?
         Trước hết xin bàn về “cù lao”: Sách chữ quốc ngữ sớm nhất nói về cù lao là tự điển Việt – Bồ - La[19] của Đắc Lộ (1651), Cù lao: cù lao. Núi nước, gò nước, cùng một nghĩa  sau đó là tự vị An Nam – La Tinh (1772) của Bá Đa Lộc và Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của cũng đều giải thích: Hòn nổi giữa sông, giữa biển. Về chữ Hán Nôm, Bá Đa Lộc viết là 劬劳(=), chữ giả tá cho cù lao. Trong Hoàng Việt nhất thống dư điạ chí, Lê Quang Định viết với bộ sơn (núi, đồi): [(trên) (dưới)], [(trên), (dưới)] để ký âm cù lao (hòn nổi giữa sông). Về ý nghĩa nói chung xưa nay đều thống nhất (Bùi Đức Tịnh, Lê Trung Hoa…) nhưng Lê Trung Hoa còn cho rằng có thể nguồn gốc tên cù lao là do tiếng Mã Lai pulau ( poulo) nghiã là đảo, tuy nhiên theo chúng tôi, âm đầu /p/ khó mà chuyển thành /c, k/ nên cần phải tìm hiểu lại. Tiếng Việt (Nôm) cù có nghĩa là xoay vòng như “con cù” nên đây có thể là từ ghép cù+lao mà lao chính là gốc tiếng Mã lai “pulau’ nói tắt là “lao”, như nước Pha lang sa (Pháp) sau gọi là Lang sa vậy. Vậy cù lao: đất nổỉ giữa sông biển, có nước xoay vòng. Về chữ Phố thì nói chung sách Hán Nôm đều viết hay nghĩa Hán là cửa hàng buôn bán, phố xá. Nên Cù Lao Phố: Cù lao nơi có phố xá đông đúc mà ở Biên Hòa xưa chính là phố Tàu do Trần Thượng Xuyên khai phá, mở mang sau khi dời từ Bàn Lăn (nơi đồn trú ban đầu) chỗ chợ Biên Hòa ngày nay về cù lao bên kia sông. H. Của ghi nhận, “Cù lao phố: Cù lao lớn ở tại tỉnh Biên hòa, nguyên là chỗ có nhiều phố xá; cũng gọi là Đông phố”.
         Tên gọi ban đầu hiện không có sách nào ghi chép, có thể là Đại Phố, Đồng Nai phố (Nông Nại phố) hay Đông Phố. Lý Văn Quang Năm 1747 cầm đầu một nhóm khách thương người Phúc Kiến qua lại buôn bán, thấy Cù lao Phố rất giàu có nên dậy lòng tham muốn chiếm lấy để làm chỗ dung thân lâu dài, tự xưng là Đông Phố Đại Vương. Thư tịch cổ hay nói Đông Phố 東浦[20] chỉ đất Gia Định xưa, Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định thành thông chí: “xứ Đông Phố (một tên khác của đất Gia Định xưa) của nước Cao Miên, đất đai màu mỡ có đến ngàn dặm, triều đình chưa rỗi để lo liệu, chi bằng tận dụng sức lực của họ, giao cho họ khai hoang đất đai để ở, ấy cũng là một cách làm mà được ba điều lợi. Nghĩ vậy, triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại (Đồng Nai) làm ăn, gắng sức khai thác đất đai” . Sách Doanh hoàn chí lược chép[21]:   “Cõi Nam giáp biển có đô hội gọi là trại Đông Phố, là kinh đô cũ của Chân Lạp” . Như thế có thể hiểu Đông Phố là tên gọi vùng đất thuộc thủ phủ của nước Cao Miên (Chân Lạp) xưa (xem thêm chú thích số 12) hay chỉ chung vùng đất miền Nam xưa thuộc Cao Miên. Còn tên gọi Đồng Nai mới là tên gọi bản địa của người Việt chỉ vùng đất có nhiều nai  thuở mới khai phá. Nhà Thanh gọi tên chữ là Nông Nại 農耐, theo Trịnh Hoài Đức chú giải trong Gia Định thành thông chí: “ Nông Nại (Gia Định tục gọi là Đồng Nai, người Thanh gọi Gia Định là Nông Nại”. Vậy gọi Nông Nại (Đồng Nai) hay Đông Phố chẳng qua là lấy tên chung để gọi cho cù lao Đại Phố mà thôi. Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Năm 1747, “khách buôn người Thanh là Lý Văn Quang đánh úp dinh Trấn Biên. Cai cơ Tống Phước Đại đánh dẹp được. Văn Quang người Phúc Kiến sang ngụ ở bãi Đại Phố, Biên Hoà.”. Trịnh Hoài Đức cũng chép là Đại Phố châu 大舖州(= cù lao Đại Phố) hay ở phía nam cù lao Đại Phố 大舖 . Thế thì tên gọi Đông Phố 東浦 Đại Vương (vua cả vùng đất ven sông) do Lý Văn Quang đặt ra sau khi đánh úp Trấn Biên có lẽ ngầm xóa bỏ tên Đại Phố 大舖 (cù lao có phố xá người Hoa) của Trần Thượng Xuyên và ám chỉ đất Đồng Nai (để ý chữ (phố xá) trong cù lao Đại Phố khác với chữ (bến sông) trong Đông Phố).
       Tóm lại,  Cù Lao Phố có thể là từ ghép: Cù (Việt) + Lao (gốc Mã Lai) + Phố (Hán) nghĩa là một vùng đất nổi nằm giữa có sông bao bọc vòng quanh là nơi có phố xá thịnh vượng của người Hoa và có thể khẳng định tên gọi ban đầu do Trần Thượng Xuyên đặt cho cù lao (xã Hiệp Hòa, Biên Hòa) là Đại Phố (chợ lớn) gọi tắt là  Phố trong “cù lao Phố”.

4/ Cù lao Tân Triều:
        Cù lao Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu , Biên Hòa tên gọi này đã từng bị hiểu lầm là “triều đình mới”, “kinh đô mới” do Nguyễn Ánh thiết lập ở Trấn Biên, Biên Hòa để đối đầu với nhà Tây Sơn chẳng hạn như tác giả Mathilde Tuyết Trần qua bài viết Đi tìm dấu vết Bá Đa Lộc (Mgr Pigneau de Béhaine)[22] )… Không phải sự hiểu lầm chỉ có ở các tác giả Việt Nam nhưng thật ra ngay từ năm 1863 Aubaret dịch giả sách Gia Định thành thông chí ra tiếng Pháp, có lẽ là người đầu tiên lầm lẫn khi cho Tân Triều là “lâu đài, triều đình mới”[23] Nguyên nhân lầm lẫn này có 2 lý do: 1/ Giám mục P. Béhaine chạy chốn Tây Sơn đã về vùng cù lao Tân Triều để lập chủng viện và sau đó Nguyễn Ánh đã từng tới lui trao đổi, bàn quốc sự với Giám mục ở Tân Triều, do đó người ta lầm tưởng Tân Triều là triều đình mới. Linh mục Louvet, người viết tiểu sử Đức giám mục Pigneau, cho biết rằng: “những lúc không bận hành quân xa, Nguyễn Phúc Ánh có nhiều cuộc gặp gỡ với ĐGM Pigneau. Lúc thì ông mời ngài tới nơi mình ở tại Biên Hòa, lúc thì ông với 2 hay 3 vị quan tới thăm ngài ở Tân Triều...”[24] 2/ Do tên gọi âm Hán Việt và chữ viết La tinh là “Tân triều”: Tân nghĩa Hán là mới và triều có 2 nghĩa: a/ Triều : Nơi vua tôi bàn chính sự (ngày xưa). Như: triều đình 朝廷 và b/ triều: Con nước, thủy triều. Vì “triều” là đồng âm khác nghĩa nên dễ ngộ nhận là “triều đình”. Thực ra trong thư tịch chữ Hán đã viết cù lao Tân Triều là 新潮, triều (có bộ thủy) chứ không phải là như Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định thành thông chí: “… năm Giáp Tý (1744), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 vì có lũ lớn, bị xói lở chia làm 2, phía đông thành cù lao Ngô phía tây thành cù lao Tân Triều, ở giữa có một sông nhỏ vừa cạn vừa hẹp chia ranh giới” Như vậy, chính xác tên gọi Tân Triều chỉ hình thành sau năm 1744 do trận lũ lụt chứ không phải là ra đời sau khi Nguyễn Ánh có mặt ở Tân Triều cùng với Bá Đa Lộc. Danh xưng “tân triều (tân trào)” chỉ triều đình, kinh đô mới của Nguyễn Ánh thực ra là ở Sài Gòn, thành Gia Định. Năm 1788, Nguyễn Ánh đánh chiếm được Sài Gòn, xây dựng thành quách để chống lại Tây Sơn.
         Tóm lại, địa danh cù lao Tân Triều không thể được hiểu là triều đình mới của Nguyễn Ánh như một số tác giả đã hiểu lầm nhưng chỉ là tên gọi chỉ một cù lao mới được tạo ra sau trận lụt lớn năm 1744 từ 1 cù lao ban đầu là cù lao Ngô.

5/ Suối Săng Máu  (Suối Máu):
        Suối Săng Máu còn gọi là Xăng máu, Săn Máu, Sơn Máu, Suối Máu... lần đầu tiên được nhà nghiên cứu địa chí Lương Văn Lựu giải thích như sau: “Sơn Máu”: cây suông, cao, trên ngọn nhánh toả tàn dù, mọc theo gò, lá dài như là vú sữa, mủ đỏ, màu máu, như mủ cây ngành ngạnh, loại cây tạm dùng làm guốc (...) lớp tiền nhân trong giới lâm nghiệp, đã đặt tên con suối bắt nguồn từ Hố Nai – Bình Ý, chảy ra sông Đồng Nai, là suối Sơn Máu, vì Suối này chảy ngang qua các gò nỗng, cảnh rừng có nhiều cây Sơn thuộc loại có mủ màu đỏ là Sơn máu (...) Vậy là tên “ Sơn Máu” rất hợp lý và có nghĩa, đúng với địa danh của ngọn suối”[25] Nhưng xét sách xưa, thấy trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) đã từng ghi nhận: “Săng máu: Các thứ cây tạp, cũng là củi thổi. săng đen, tây, bướm, đều nhỏ cây, ở đất rừng; săng mã, máu đều lớn cây, hay mọc hai bên mé sông.”. Theo Việt Nam Từ Điển[26] của Lê văn Đức thì trong rừng nước ta có một loại gỗ tạp, không to lắm, gọi là săng. Cây săng có nhiều loại: săng bướm, săng đen, săng máu, săng mã, săng tây, săng trắng. Đa số các loại săng thường mọc ven bờ sông, bờ suối. Vậy đúng là có tên cây “săng máu”. Còn tên gọi cây sơn máu thì không thấy sách nào nói đến. Trong sách Cây cỏ Việt Nam[27] của Phạm Hoàng Hộ đã ghi nhận cây xăng máu. theo Nguyễn Sơn Thụy[28], thì cây Xăng máu: “Mọc dọc theo sông rạch . Cây ưa ẩm, chịu đựng được nước ngập của thủy triều.." Gỗ: Khi mới khai thác, nhựa tươm ra giống như máu. Do đó người ta gọi là Xăng Máu... dùng làm guốc” Có lẽ cây sơn máu mà Lương Văn Lựu nói là một cách đọc khác từ dân gian (săn máu = sơn máu) cũng chính là cây săng máu (xăng máu, lẫn lộn S = X) nhưng cứ theo sách xưa thì nên gọi đúng tên địa danh là suối Săng Máu, nói tắt là Suối Máu chứ không như hiện nay ở Biên Hòa vẫn ghi tên là Săn Máu (suối, cầu).

                                                                           Biên Hòa ngày 14 tháng 11 năm 2013

(Đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 445/3 và 446/4 -2014 -)


Chú thích:

[1] Địa chí Đồng Nai (nhiều tác giả), Nhà xuất bản tổng hợp Đồng Nai 2001
[2] Lịch sử và Văn hóa Cù Lao Phố, Nhà xuất bản tổng hợp Đồng Nai 2007
[3] Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, NXb An Tôn - Đuốc Sáng, Tôn Giáo 2008, dẫn theo sách Joannes Arnedo, de hís quae in Regno Cochinchinensi contra Religionem Christianam acta sunt anno reparatae salutis 1700. Huế, 31 – 7- 1700. Sách in “Đơm nay”, không hiểu có đúng nguyên văn? Chúng tôi chưa tìm ra sách của Joannes Arnedo để đối chiếu.
[4] Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam (t1) - Thời kỳ khai phá và hình thành từ khởi thủy cho đến tới thế kỷ XVIII,  NXB Tôn Giáo Hà Nội 2008
[5] P.J. Pigneaux, Dictionarium Anamitico - Latinum, (bản thảo viết tay) (1772-1773). Nguồn: bản pdf của NNT trong  Diễn đàn VVH (viethoc.com)
[6] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Lý Việt Dũng (dịch và chú giải), Huỳnh Văn Tới (hiệu đính, giới thiệu). Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai, 2008.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Nhà xuất bản Thuận Hóa. Huế, 1992
[8] Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Tom I-II Sài Gòn 1895-1896, Nhà xuất bản Trẻ, tái bản 1998.
[9] J.F.M Génibrel, Dictionnaire Annamite – Français, Deuxième édition, Tân Định, Saigon 1898, nguồn sách phổ biến từ books.google.com
[10] Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Hà Nội, 1931, Mặc Lâm tái bản, 1968
[11] Lê quang Định. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí  , Phan Đăng (dịch chú), Nhà xuất bản Thuận Hoá.Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây. 2002. (Nguyên bản chữ Hán in kèm theo phần phụ lục của sách)
[12] Đông Phố, theo chúng tôi có thể là tên chữ Hán của Oudong (Long Úc, Vũng Long), kinh đô mới của Cao Miên do vua Chey Chetta II sau khi lên ngôi và dời đô, Đông nói tắt từ vần cuối “dong” còn  Phố nghĩa là bến sông.
[13] Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Gia Định tam gia,  Hoài Anh (dịch) , Nhà xuất bản  Đồng Nai . 2003
[14] Phạm Hoàng Quân, Những ghi chép về vùng biển Quảng Đông (Trung Hoa) và Biển Đông (Việt Nam) trong Đại Thanh Thực Lục đối chiếu với Đại Nam Thực Lục , dẫn theo nguồn : http://www.seasfoundation.org/research-documents/geopolitics/891-nhng-ghi-chep-v-vung-bin-qung-ong-trung-hoa-va-bin-ong-vit-nam-trong-i-thanh-thc-lc-i-chiu-vi-i-nam-thc-lc
[15] Sơn Nam, Cù lao Phố - Cảng biển đầu tiên ở Nam Bộ - Nam Bộ xưa và nay (nhiều tác giả), NXB Tp Hồ Chí Minh & Tạp chí Xưa và Nay, 1999
[16] M. Robert, Monographie de la province de Bien Hoa, Sai gon 1924
[17]Nguồn:http://www.lachong.edu.vn/175/6423/Dia-danh-Dong-Nai-mang-ten-dong-vat-va-thuc-vat.html
[18] Cù lao Phố còn có tên là cù lao Ăn Mày, theo Huỳnh Ngọc Trảng  (sách đã dẫn): cho cù lao Ăn Mày là tục danh của Đại Phố châu, cù lao Phố theo Vương Hồng Sển cù lao Ăn Mày được Trương Vĩnh Ký dịch sát nghĩa 2 tiếng Miên Kờme Kòh sòm tãn. Không xác định được tên gọi này là gốc Miên hay Việt, theo chúng tôi, có lẽ nguyên do là khi cù Lao Phố bị Lý Văn Quang  đánh chiếm  sau đó nhà Nguyễn giành lại được, ít nhiều cũng bị  tàn phá rồi đến các cuộc chiến liên miên giữa Tây Sơn và Chúa Nguyễn, Nguyễn Ánh ở cù  Lao Phố đã gây nhà tan cửa nát, dân chúng phiêu bạt. Người Hoa đã di cư đến Sài Gòn để lập ra Chợ Lớn.  Trong  cảnh chiến tranh tàn phá tang thương đó, chắc chắn xuất hiện nhiều người ăn mày ở cù lao Phố và có thể tên gọi “Ăn Mày” đã được  dân gian ví von, mộc mạc để gọi tên “ cù lao Ăn Mày” ?
[19] Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch  tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb Khoa học Xã hội, 1991
[20] Đông phố 東浦 có sách viết là Giản phố柬浦, thực ra chữ Hán đông và giản rất giống nhau nên dễ lầm. Đông phố mới đúng.
[21] Nguyễn Thông, Việt Sử Thông Giám Cương Mục Khảo Lược, Đỗ Mộng Khương (dịch), Nxb Văn hóa Thông tin 2009
[22] Nguồn: http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/ba-111a-loc/
[23] Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam (t1) - Thời kỳ khai phá và hình thành từ khởi thủy cho đến tới thế kỷ XVIII,  NXB Tôn Giáo Hà Nội 2008
[24] Trương Bá Cần  (sđd) trích từ sách của LAUNAY, Histoire génerale de la Société des missions-étrangères (1894)
[25] Lương Văn Lựu. Biên Hòa sử lược toàn biên. Tập 1,2 . Tác giả  xuất bản (1972-1973)
[26] Lê văn Đức , Việt Nam Từ Điển" , Khai Trí xuất bản, 1970
[27] Phạm Hoàng Hộ, Cây Cỏ Việt Nam, Quyển 1, Nhà xuất bản Trẻ, Tp HCM (1999)
[28] Nguyễn Sơn Thụy - Chi cục Phát triển lâm nghiệp, Cây Xăng Máu: Một trong những cây có giá trị nhưng bị bỏ quên, nguồn: http://www.sonongnghiep.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?List=f73cebc3-9669-400e-b5fd-9e63a89949f0&ID=1764

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét