Đinh Văn Tuấn
Theo tình hình tài liệu hiện nay, hai
chữ SINH THÌ xuất hiện sớm nhất
trong tác phẩm chữ Nôm là Các Thánh Truyện (CTT) do Girolamo
Majorica (1591 – 1656) biên soạn vào thế kỷ XVII, khoảng những năm 1634 đến
1646 [30]. Trong CTT, 2 chữ SINH THÌ được
soạn giả ký âm bằng chữ Hán là 生 時, chẳng hạn như:
“Có một ngày người còn đứng trên cột chắp tay lên như khi đứng mọi ngày
liền sinh thì” (trang 48)
“Người nghe tin ấy liền mừng lắm, dọn mọi sự về mình cùng giã các bổn
đạo mà đến ngày liền sinh thì chẳng sai” (trang 63)
“Từ Đức chúa Giê-Su ra đời cho đến ông thánh này sinh thì khỏi một nghìn
sáu mươi sáu năm” (trang 108)
“Vậy người ở đây chịu đói khát, hôi hám và buồn sầu não, vì chẳng được
làm lễ cùng giảng, liền phải liệt, đoạn sinh thì lên nơi chức cao cực trọng”
(trang 131) [22]
“Bấy giờ người giục đánh mình hết sức, thì sau chảy hết máu người liền
sinh thì.” (T.8, tr.64)
“ Song le, đến cửa biển thì Đức Chúa Trời cho
mẹ sinh thì mà vào cửa thiên đàng.” (T.8, tr.162) [20]
Trong các văn bản chữ Quốc ngữ sơ kỳ
do Alexandro de Rhodes biên soạn gồm bộ Tự điển Việt - Bồ - La [1] Dictionarivm
Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm (VBL)
và Phép giảng tám ngày [2] Cathechismus
(PGTN) được xuất bản vào năm 1651, hai chữ SINH THÌ cũng đã được ghi nhận. Ở
VBL, A. Rhodes giải thích: “SINH, LÊN: …
Sinh thì, giờ lên… Đã sinh thì: Chúng tôi mượn cách nói của người Lương dân, để
chỉ ý nghĩa sự chết của người Kitô hữu như đi lên với Thiên Chúa” (Hình 1) Ở PGTN, A. Rhodes viết: “Vì chưng kẻ lành mà thờ phượng Đức Chúa
trời cho nên, khi sinh thì…” (Ngày thứ Hai)
“Nếu trẻ mọn nào phải sinh thì khi đã chịu phép rửa tội cho nên, thì
được chịu vui vẻ đời đời” (Ngày thứ Ba)
“…mà năm ấy có lụt cả thì ông Mathusala mới sinh thì.”
“Các ông tổ nể đời xưa đã sinh thì”
“Sao người Annam mọi năm mọi có giữ ngày cha mẹ, ông bà, ông vải sinh
thì, mà làm giỗ chạp hết sức?”
“Mà ta phải thảo kính cha mẹ khi đã sinh thì thể nào” (Ngày thứ
Bốn)
“Ông Simon là người Thánh đã chịu lời Đức Chúa Spirtu Sancto chưa có
sinh thì” (Ngày thứ Sáu)
“…cho nên người cũng đã hầu sinh thì”(Ngày thứ Bảy)
Hai chữ SINH THÌ, đã được A. Rhodes
trong VBL chú nghĩa: “Đã sinh thì: iam
mortuus est” (đã chết) và về sau các
Tự vị Dictionarium Anamitico – Latinum
[25] của Pigneau de Béhain (1772-1773), Tự điển Dictionarium Latino-Anamiticum [13] của Jean Louis Taberd (1838), Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh
Paulus Của [11] (1895-1896), Dictionnaire Annamite – Français [12] của J.F.M Génibrel (1898) đều được giải thích là chết hay qua
đời. Ý nghĩa của 2 chữ SINH THÌ qua các
văn bản Công Giáo diễn tả về tình trạng
hấp hối và chết được hưởng phúc trên Trời, Nguyễn Văn Trung (bđd) và Vũ Đức
Nghiệu [31] đều cho rằng từ sinh
thì chỉ dành cho những nhân vật thật đáng kính trọng: Chúa, Đức Mẹ, các
Thánh và những người sống chết cho lý
tưởng Công Giáo, còn đối với người thường, hay dùng từ lâm chung, chết, qua
đời. Nhưng thật ra không hẳn như vậy vì ngay trong một văn bản của Majorica
là Ông
Thánh Y Na Xu truyện [23]đã thấy viết: “Đức Chúa Giê su xưa chịu tội chịu chết vì
thiên hạ”;“Mắng tiếng ông Thanh Y Na Xu đã qua đời”;”Ông Thánh Y Na Xu…người nhớ đến ngày phải
chết” và trong PGTN, Rhodes cũng từng viết: “Sao người Annam mọi năm mọi có giữ ngày cha mẹ, ông bà, ông vải sinh
thì, mà làm giỗ chạp hết sức?; “Lo
cho cha mẹ khi đã chết…lo cho cha mẹ khi đã sinh thì”; “Đức Chúa Jesu là chuộc tội cho người ta vì vậy chốc ấy thì phủ
mình chịu chết”;”Khi Đức Chúa Jesu trên cây Crux đã chịu chết”; “Ông Adam ở cùng bà ấy
cho đến chết”, đã cho thấy vào thời kỳ đầu, các tác giả chưa thật sự phân
biệt người trong đạo Công Giáo và ngoài Công giáo, ngay cả với các nhân vật
trong Công Giáo có khi dùng SINH THÌ nhưng cũng có khi không (Chúa, Thánh) hay
với bậc tổ tiên, cha mẹ (ngoài Công Giáo) lại dùng cả SINH THÌ lẫn chết. Ngoài ra, đáng chú ý là trong bản chép tay Lịch sử Annam năm 1659 [4] của Bento
Thiện thì SINH THÌ không hề được dùng đến dù là với bậc vua chúa tôn quý, tác
giả chỉ viết thật giản dị, bình thường là “chết” như: “Vua Lê Hoàn…lên tật mà chết”;
Lê Ngọa Triều…mà chết”. Chỉ về sau ta mới thấy các tác giả bắt đầu sử dụng
SINH THÌ như một biệt ngữ Công Giáo cổ
kính, tôn quý dành riêng cho Chúa, Đức Mẹ, các Thánh và những tín hữu Công
Giáo.
Đặc biệt là về từ nguyên, chính Rhodes là
người đầu tiên đã giải thích rõ ràng qua chú thích trong VBL: “Chúng tôi mượn cách nói của người Lương
dân, để chỉ ý nghĩa sự chết của người Kitô hữu như đi lên với Thiên Chúa”. Trong
hầu hết các tài liệu cổ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ cùng thời hay kể cả sau
Rhodes lại không thể tìm ra một
chứng cứ nào để chứng minh người ngoài
Công giáo (Lương dân) đã dùng đến 2 chữ
SINH THÌ (qua đời, chết)! Mãi đến đầu thế kỷ XX, trong Việt Nam Tự Điển [7] do Hội Khai
Trí Tiến Đức khởi thảo năm 1931, mới thấy ghi nhận SINH THỜI với nghĩa là lúc
còn sống (của người đã khuất) và đồng nghĩa với SINH TIỀN, cách đọc “thời” thay
cho “thì”là vì kiêng tên húy của Tự Đức là “Thì” đã cho biết SINH THỜI chỉ xuất
hiện từ thời Tự Đức trở về sau nhưng
SINH THỜI (lúc còn sống) lại trái nghĩa với SINH THÌ (chết). Học giả Hoàng Xuân Hãn đã từng chú giải về 2
chữ SINH THÌ trong thư của Bento Thiện như sau: “2/ Sinh tử: chết vì tôn giáo. Theo thuyết Da tô thì chết tức sống một
cách vô tận ở cõi hồn, vì vậy đã dùng tiếng sinh để trỏ sự chết. Sinh thì nghĩa
là chết” [6], nhưng thật ra, như A. de
Rhodes đã xác nhận, sinh thì là “cách
nói của người Lương dân” không phải là từ ngữ của đạo Công Giáo. Có lẽ người
đầu tiên đã nỗ lực đi tìm nguồn gốc của 2 chữ SINH THÌ chính là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn qua bài viết vào năm
2001, Kỉ Niệm 350 Năm Tự Điển A. de
Rhodes - Về Hai Chữ Sinh Thì, [21] tác
giả đã nêu ra giả thuyết khi cho 2 chữ SINH THÌ vốn là THĂNG THÌ, vì xưa
THĂNG đọc là SINH theo luận chứng
sau: “ có lẽ xưa đã có một sự vô tình
nhầm lẫn nào đấy rồi sau sự nhầm lẫn ấy cứ truyền rộng mãi ra (…). Ở Hán Việt,
chữ ảo vốn là chữ huyễn (hoãn, hoạn) đọc nhầm mà thành, vì có tự dạng gần gần
như chữ ấu ! (…) Ở Chữ Nôm cũng vậy: chữ
mắng với nghĩa là “nghe” bị đọc nhầm thành mảng” và: “Theo Giáo sư Vương Lực cho biết, từ cuối Đường, đầu Tống thanh mẫu “thư”
nhập một vào thanh mẫu “sinh” ; và đến thế kỉ 14 thì Trung nguyên âm vận cũng
cho thấy 2 vận bộ “canh”, “ chưng” đồng
quy. Đây chính là lí do vì sao ở Bạch thoại ngày nay thăng đọc thành /sheng/
như sinh.”; “ Các giáo sĩ thế kỉ 16, 17 trước khi đến
Việt Nam truyền giáo thường phải kinh qua Trung quốc một thời gian. Rất có thể
do thói quen đọc thăng thành /sheng/ như sinh học được ở Trung quốc, khi mới
vào Việt Nam họ cũng đọc như vậy và đưa cách đọc đó vào các buổi giảng đạo, các
tài liệu giảng đạo (…) Mà giáo dân thì luôn luôn có tâm lí rất tôn trọng các
đấng bề trên, rất tuân thủ theo kinh bổn…”
Giả thuyết của Gs Nguyễn Tài Cẩn đã được Giáo sư Nguyễn Văn Trung phản hồi với
bài viết Góp ý với Gs Nguyễn Tài Cẩn về 2 chữ [22],
tác giả đã phê bình, phản chứng bằng ý
nghĩa của sinh thì qua ngữ cảnh văn bản
chữ Nôm và Quốc ngữ ở từng thời kỳ và khẳng định sự hợp tác giữa các nhà truyền
giáo nước ngoài và người Việt (nhà Nho, nhà sư theo đạo Chúa uyên thâm chữ
Hán), theo đó 2 chữ SINH THÌ là chính xác chứ không phải bắt nguồn từ sự lầm
lẫn về cách đọc nhưng lại không đưa ra một giả thuyết nào khác hợp lý hơn về từ
nguyên. Giả thuyết của Gs Nguyễn Tài Cẩn là một đóng góp quan trọng, rất có thể
tiếp cận sự thật. Tuy nhiên như Gs Nguyễn Tài Cẩn đã từng thận trọng nhận định: “Trong tình hình nghiên cứu hiện nay, thiết nghĩ có lẽ cũng chưa có thể
có một câu trả lời thực sự dứt khoát được” (bđd). Do đó chúng tôi xin mạo
muội góp phần tìm hiểu với một giả thuyết khác về nguồn gốc của SINH THÌ:
Khi A. Rhodes cho sinh thì = giờ lên,
là đã dựa vào âm đọc “sinh thì” hiểu như âm đọc Hán Việt và cho là 2 chữ
Hán 生 時 (như Majorica đã viết) rồi dựa vào tự điển Hán để giảng nghĩa.
Rhodes viết: “SINH, LÊN: lên, được nâng lên,
mọc, sinh” . Thật vậy, chữ sinh 生 theo Khang Hy tự điển [14] 康熙字典 dẫn Thuyết văn 說文: “進也” tiến dã: (tiến) tới, (tiến) lên và dẫn Ngọc thiên 玉篇:“起也” khởi dã:
dậy, cất mình lên còn thì 時 nghĩa là giờ. Theo sát mặt chữ thì đúng nghĩa Hán là “giờ
lên” nhưng ngoài nghĩa “giờ lên”, điểm quan trọng nhất là Rhodes còn cho SINH THÌ có một ý nghĩa khác đó
là chết (Đã sinh thì: iam mortuus est: đã chết). Hóa ra, chính ý nghĩa SINH THÌ là “chết” theo quan niệm của Lương dân
chứ không phải là “giờ lên” mới là mấu chốt vấn đề (xin nhấn mạnh). Giải đáp được bí ẩn mà
A. de Rhodes trong VBL đã xác minh: “Chúng
tôi mượn cách nói của người Lương dân, để chỉ ý nghĩa sự chết…” chính là
tìm ra được nguồn gốc của 2 chữ SINH THÌ.
Trong văn bản chữ Nôm Việt sử diễn
âm (VSDÂ, AB -110), theo nghiên cứu của Nguyễn Tá Nhí [8] thì: “đoán
định bản diễn ca ra đời vào khoảng niên hiệu Cảnh Lịch (1548 – 1553) nhà Mạc”
và chúng tôi đã đặc biệt chú ý đến từ SINH THIÊN 生 天 (hình 2) đã được sử dụng 7 lần trong bản diễn ca lịch sử
này:
1/ Câu 177: “Già dư
trăm tuổi sinh thiên lên trời” (Triệu Đà)
2/ Câu 465: “Già bốn
mươi tuổi sinh thiên chẳng còn” (Ngô Quyền)
3/ Câu 841: “Hai mươi
tư tuổi sinh thiên lên trời” (Lê Ngọa Triều)
4/ Câu 896: “Thuở ấy
Đại Hành sinh thiên” (Lê Hoàn)
5/ Câu 1480: “Năm mươi
dư tuổi sinh thiên lên trời” (Trần Nhân Tông)
6/ Câu 2054: “Thái
Tông Hoàng Đế thuở này sinh thiên” (Lê Thái Tông)
7/ Câu 2300: “Hiến
Tông Hoàng Đế thuở này sinh thiên” (Mạc Hiến Tông)
SINH THIÊN 生 天 trong các văn mạch trên được dùng để nói về vua chết thay cho
các kiểu nói như băng (hà), thăng hà. SINH THIÊN 生 天 chính là một thuật ngữ của Phật giáo, theo Phật Quang đại từ điển 佛光大辭典 [24], SINH THIÊN là được sinh (lên) ở cõi trời, tư tưởng này
vốn không phải là của Đạo Phật mà có
nguồn gốc từ tín ngưỡng Ấn độ thời cổ
sau được du nhập vào Phật giáo. Hệ phái triết học Di Mạn Sai 彌曼差 cho sinh thiên (Phạm ngữ Abhyudaya: đi lên, thành công, phồn
vinh) là được hưởng cực lạc, giải thoát
luân hồi. Kinh điển Phật giáo như kinh A Hàm nói rằng nhờ kính lễ Phật tích, cha mẹ, sáu phương, tu tập
Phạm hạnh, hành thiện, trì giới, cúng dường Sa môn mà được sinh thiên ngoài ra các kinh Bát Nhã, kinh Kim Quang Minh, kinh Lăng Già
đều có thuyết về sinh thiên. Sinh thiên 生 天 theo từ điển Hán Điển 漢 典 trực tuyến [5]còn có nghĩa là “升上天空”: lên
trên trời. Có lẽ vì thế người Hán chắc đã dùng ý nghĩa này của 生 天 để chuyển dịch ý niệm “Abhyudaya” của
người Ấn. Theo Từ Nguyên 辭 源 [28], sinh thiên 生 天 còn là một uyển ngôn (cách nói hoa mỹ, bóng bảy) để chỉ về tử
vong. Chính vì vậy tác giả VSDÂ đã mượn
dùng sinh thiên 生 天 (lên trên
trời, chết) để nói về vua chúa qua đời một cách tôn kính. Do đó Sinh thiên
trong VSDÂ không còn là thuật ngữ thuần túy của Phật giáo nữa.
Trong thư tịch cổ ở Việt Nam, từ SINH
THIÊN rất hiếm được dùng trong văn thơ Hán Nôm xưa, ngoài VSDÂ, chúng tôi chỉ
tìm thấy SINH THIÊN trong Văn tế thập loại chúng sinh (một tác
phẩm văn học Phật Giáo) viết bằng chữ Nôm tương truyền là của Nguyễn Du, theo
Học giả Hoàng Xuân Hãn viết trong Lễ Vu
Lan với văn tế cô hồn [5] thì bản Nôm này được in trong sách Ứng phó dư biên 應 赴 餘 編 do tăng
Chính Đại khắc ván năm 1895, nguyên tên là Thỉnh
cô hồn văn (thoại A). Hoàng Xuân Hãn đã chú thích về chữ siêu thiên ở thoại B (bản Nôm do cụ Lê
Thước phát hiện) nơi câu: “Giúp cho làm
của ăn đàng siêu thiên” như sau: “A:
Sinh thiên (có lẽ đã sao lầm chữ 升 ra chữ 生”. Thật ra trong bản Nôm Thỉnh cô hồn văn 請 孤 魂 文[29],
khắc in rõ 2 chữ sinh thiên là 生 天 và siêu
thăng khắc là 超 昇, chữ thăng không viết là 升 nhưng lại là 昇 và từ 昇 khó
lầm thành 生 được. Dễ dàng nhận thấy, thoại B và các
thoại sau ra đời sau thoại A vì đã tự ý hiệu chỉnh 2 chữ sinh thiên của thoại A thành
siêu thiên hay thăng thiên. Chứng tỏ sinh thiên 生 天 là một từ cổ, hiếm dùng.
Về mặt ngữ nghĩa, SINH THIÊN (chết, được
sinh (lên) cõi trời để hưởng cực lạc)
đúng là một khái niệm đồng nghĩa với SINH THÌ mà A. de Rhodes đã chú
giải trong VBL. Nhưng điều khó hiểu là tại sao các giáo sĩ thừa sai lại
không biết đến và dùng SINH THIÊN nhưng lại là SINH THÌ? Phải chăng có một sự
lầm lẫn nào đó? Về mặt văn tự, 2 chữ thiên 天, thì 時 thật khác nhau khó lòng bị viết lầm nhưng về mặt ngữ âm thì
sao? Chữ
thiên 天 có âm Phổ Thông (Bắc Kinh) là
/tiān/ và thì 時 là /shí/ cũng quá khác biệt không
thể lẫn lộn. Trong tự điển English
– Chinese vocabulary of the Vernaculnar or spoken language of Swatow [33] của William Duffus (1883) đã ghi nhận: “Heaven, thiⁿ; Sky, thiⁿ” (Cõi trời; Bầu
trời: âm thiⁿ), heaven, sky chính là
nghĩa của chữ thiên 天 được người Triều Châu đọc là /thiⁿ/, vậy âm đọc này đã phổ biến từ trước thế kỷ XIX. Tìm hiểu thêm
thì thấy trong Triều Châu tự điển 潮州字典 [26], chữ 天 (cõi trời, bầu trời) đúng là có âm đọc như thế:
• Tiếng thủ phủ Triều Châu 府城音:thiⁿ
• Huyện Hải Dương 海阳系:thiⁿ
• Huyện Lưu Hoàng 留隍:thiⁿ
• Huyện Triều An 潮安:thiⁿ
• Huyện Trừng Hải 澄海:thiⁿ
• Huyện Sán Đầu 汕头:thiⁿ
• Huyện Nhiêu Bình 饶平:thiⁿ
• Huyện Kiết Dương 揭阳系:thiⁿ
• Huyện Triều Dương 潮阳系:thiⁿ
• Huyện Phổ Ninh 普宁:thiⁿ
• Huyện Huệ
Lai 惠来:thiⁿ
• Huyện Lục
Phong 陆丰:thiⁿ
Như vậy, chữ 天 người
Triều Châu đọc là /thiⁿ/ (giọng mũi) nghe na ná như âm “thì” của tiếng Việt.
Còn chữ 生 âm Triều Châu là /sêng1/ không khác biệt lắm so với âm đọc
Phổ Thông /shēng/ hay âm Hán Việt sinh.
Đối với người Triều Châu, 2 chữ 生 天 sẽ đọc là
/sêng1 thiⁿ/ nghe rất giống âm đọc của người Việt là “sinh thì”. Phải chăng
nguồn gốc của âm đọc “sinh thì” chính là từ tiếng Triều Châu?
Về phương diện lịch sử, sự giao tiếp
giữa Trung Hoa và Đại Việt ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đã
có nhiều chứng cứ xác nhận. Li Tana
trong Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh
tế - và xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 [15]
đã viết: “…sau khi có lệnh (nhà Minh) cho phép, vào năm 1567 tàu bè qua
lại và buôn bán tại các nước Đông Nam Á, nhiều ghe mành của người Trung Hoa tới
buôn bán ở vùng Nam Hải. Theo “Thuyền xa binh chế khảo”, một thập niên sau, tức
năm 1577, 14 ghe mành chở đồng, sắt và đồ sành sứ từ Phúc Kiến tới Thuận Hóa để
bán.” và Cristoforo Borri trong cuốn Tường
thuật về Đàng Trong [3] đã ghi chép vào
năm 1618: “Chúa Đàng Trong xưa kia
cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành
phố cho tiện việc buôn bán (…). Thành phố này gọi là Faifo (Hội An (…) một phố
người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị
riêng, và sống theo tập tục riêng”; trong Hành trình và truyền giáo của giáo sĩ Đắc Lộ [18], Rhodes cũng đã tường thuật: “Đầu năm 1641 tôi đi 1 vòng tỉnh ở Quảng Nam…Đây là nơi buôn bán sầm uất
của người Bồ, người Trung Hoa và người Nhật Bản”. Một nghiên cứu khác của
Huỳnh Ngọc Đáng từ bài viết Về hai tên
gọi Minh Hương và Thanh Hà [10] đã xác
nhận: “…Những thương khách Trung Hoa sang
Đàng Trong trong thời kỳ này đã ngụ cư trong những Đại Minh Khách Phố đó. Đại
Minh Khách Phố ở Thuận Hóa có lẽ được thành lập sớm nhất và cũng sầm uất nhất…
Trần Kinh Hòa căn cứ vào một lá đơn gửi cấp trên của Hương bộ địa phương (trong
đó kể rằng sau khi Thượng vương dời phủ về Kim Long đã cho phép tiên hiền trong
vùng kiến thiết một khu phố chợ đầu tiên) mà suy luận rằng có lẽ Đại Minh Khách
Phố Thuận Hóa thành hình từ năm 1636, vài năm sau khi chúa Thượng dời phủ đến
Kim Long. Người Hoa chắc chắn đã đến sinh sống làm ăn ở đó từ trước rất lâu mới
tích lũy đủ khả năng tài chính để đến năm này xin phép xây cất phố chợ”. Như
vậy trước khi các giáo sĩ truyền giáo nước ngoài đến Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII để truyền đạo
thì các thương nhân, di dân (thợ thủ công và cả nông dân) người Hoa sống ở các
ven biển Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Ðông, Hải Nam do tình cảnh xã hội hay chính trị bất ổn của nhà Minh nên
đã thường xuyên đến buôn bán, làm ăn,
giao tiếp và cư ngụ ở Thuận Hóa, Hội An - Quảng Nam rồi. Được phép của Chúa
Nguyễn họ lập phố xá, rồi thành lập
“Minh Hương xã” và nhập quốc tịch Đại Việt. Bên cạnh làng Minh Hương còn có tổ chức của các kiều cư người Hoa do cư trú không ổn định hoặc nhiều
lý do khác về thế lực kinh tế, chính trị họ đã không nhập vào Minh Hương nhưng đã tổ chức riêng trong “Dương Thương
Hội Quán” (Trung Hoa Hội Quán). Sau này hình thành nên các Bang riêng gồm 5
Bang: Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia ứng. [16] Hội An cũng là một trung tâm Phật giáo lớn ở
Đàng Trong. Đa số các chùa ở Hội An thuộc dòng Lâm Tế của Tịnh Độ Tông, từ
Trung Hoa truyền sang vào thế kỷ XVII. Người Hoa sau khi nhập cư, sống ổn định
tại Đại Việt họ đã xây dựng chùa, miếu và di tích sớm nhất hiện còn là vào
khoảng trước 1653 như Chùa Bà (Quan Âm Phật Tự), Chùa Ông: (Quan Công Miếu)[27]
Chính trong bối cảnh như thế, nhà
truyền giáo Girolamo Majorica vào năm 1623 từ Áo Môn đến Hội An, Đàng Trong,
trong thời gian lưu trú ở đây, giáo sĩ đã học nói tiếng Việt và trở thành một
trong những nhà truyền giáo thông thạo tiếng Việt, am tường chữ Nôm nhất lúc
ấy. Vào thời kỳ này, G.Majorica đã lần đầu tiên sử dụng SINH THÌ 生 時 trong
các tác phẩm chữ Nôm như Các Thánh truyện. Biệt ngữ SINH THÌ này
giáo sĩ Majorica đã học hỏi trực tiếp từ người Hoa hay người Việt? Theo suy
luận của chúng tôi, có lẽ giáo sĩ đã
tiếp thụ từ người Việt sống cộng cư với
người Hoa Triều Châu ở Hội An ở thế kỷ XVII. Qua giao tiếp văn hóa, ngôn ngữ
Triều – Việt, người Việt đã tiếp thụ SINH
THIÊN 生 天 từ khẩu ngữ, theo giọng Triều Châu là
/sêng1 thiⁿ/ nhưng đã đọc theo giọng
Việt là “sinh thì” rồi lâu dần gốc gác của 2 chữ SINH THIÊN 生 天 đã bị quên lãng. Do vậy, Majorica đã viết
ký âm 2 từ SINH THÌ bằng 2 chữ Hán là 生 時 mà không hề biết nguyên gốc chính là SINH THIÊN 生 天. Có thể kể thêm một bằng chứng ngữ âm xác
định sự giao tiếp tiếng Triều Châu và tiếng Việt ở Quảng Nam, Đàng Trong
vào thế kỷ XVII đó là trong VBL, Rhodes từng ghi nhận từ QUA (nghĩa là tôi)
được dùng phổ biến vào thế kỷ XVII, từ này thật ra có gốc tiếng Triều Châu vì
chữ Hán ngã 我/wǒ/ (tôi) người Triều Châu lại phát âm là
/ua2/, đọc theo giọng Việt là “qua” và nếu viết Nôm, thường dùng chữ qua 戈 mà không dùng ngã 我 (Béhaine, Taberd, Huỳnh Tịnh Của).
Sau G. Majorica, đặc ngữ SINH THÌ đã
được A. de Rhodes sử dụng trong VBL và
PGTN rồi bắt đầu phổ biến với các văn bản như các thư tín của Igesico Văn Tín,
Bento Thiện viết vào năm 1659 [4], Sấm
Truyền Ca của Lữ Y Đoan (1670) [22] và
cho đến các thế kỷ sau như trong Thánh
giáo yếu lí quốc ngữ của Mgr d’ Adran (1782) [21],
Sấm Truyền Cũ, Thuật Cùng Gẫm Truyện Thánh Tổ Tông (bản đầu tiên có thể vào cuối
thế kỷ XVIII hay đầu thế kỷ XIX), Kinh
Đọc Thường Ngày (Kinh Toàn Niên), Nam
Kỳ Nhựt Trình (số 120 ngày 22 tháng 2 năm 1900) [22]
và cho đến hiện nay 2 chữ SINH THÌ vẫn còn được người Ky tô hữu của đạo Công Giáo đọc trong Ngắm
15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu.
Kể từ khi SINH THÌ xuất hiện lần đầu
tiên vào đầu thế kỷ XVII và đã được A. de Rhodes trong tự điển Việt – Bồ -La chú
giải cũng như thừa nhận từ này thuộc về “Lương dân” cho đến nay vẫn chưa tìm ra
chứng từ nơi người ngoài Công Giáo đã từng sử dụng SINH THÌ nhằm xác định nguồn
gốc thật sự của biệt ngữ này. Theo tìm hiểu và phát hiện của chúng tôi, trong
bối cảnh giao lưu Hoa – Việt ở Hội An, Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVI đầu thế
kỷ XVII, rất có khả năng SINH THÌ chính
là một cách đọc Việt hóa giọng nói Triều Châu của SINH THIÊN 生 天 (vốn là thuật ngữ của Phật Giáo). Hy vọng rằng giả thuyết mới
của chúng tôi về nguồn gốc của SINH THÌ sẽ góp phần làm sáng tỏ một bí ẩn của
văn học, ngôn ngữ thế kỷ XVII.
Biên Hòa ngày
20 tháng 01 năm 2013
Tài liệu tham khảo
- Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb Khoa học Xã hội, 1991.
- Alexandro de Rhodes (1651), Cathechismus (Phép giảng tám ngày), Tủ Sách Đại Kết tái bản theo bản Việt ngữ của Tinh Việt Văn Đoàn, 1993
- C. Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị (dịch, chú thích), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh – 1998
- Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, NXB Ra khơi, Sài gòn 1972
- Hán Điển 漢 典, nguồn: http://www.zdic.net/cd/ci/5/ZdicE7Zdic94Zdic9F148339.htm
- Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập III, Nxb Giáo Dục, 1998
- Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Hà Nội, 1931, Mặc Lâm tái bản, 1968
- Hội Khoa học Lịch sử VN – Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Văn miếu Quốc tử giám, Việt sử diễn âm, Nguyễn Tá Nhí (Sưu tầm , chú thích, biên dịch), Nxb Văn Hóa Thông Tin, HN 1997
- Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên (dịch và giới thiệu), Tự vị Annam - Latinh (1772 – 1773), NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999
- Huỳnh Ngọc Đáng, Về hai tên gọi Minh Hương và Thanh Hà, nguồn: http://www.xuquang.com/cms/index.php?option=com_content&task=view&id=857&Itemid=
- Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Tom I-II Sài Gòn 1895-1896, Nxb Trẻ, tái bản 1998.
- J.F.M Génibrel, Dictionnaire Annamite – Français, Deuxième édition, Tân Định, Saigon 1898, nguồn sách phổ biến từ books.google.com
- J.L.Taberd, Dictionarium Annamitico – Latinum, Nhà xuất bản Văn Học, 2004 (tái bản theo bản in năm 1838)
- Khang Hy tự điển 康熙字典, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 1997
- Li Tana, Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế xã hội Việt nam thế kỷ 17 và 18, Nxb Trẻ, 1999
- Nguyễn Chí Trung, Người Hoa trên hành trình nhập cư ở Hội An Nguồn: http://hoianheritage.net/index.php/vi/trao-doi-chuyen-nganh/trong-nuoc/NGUOI-HOA-TREN-HANH-TRINH-NHAP-CU-O-HOI-AN-69/
- Nguyễn Hữu Vinh, Ðặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Ðặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Uyên Thi, Tự điển chữ Nôm trích dẫn, Viện Việt Học ấn hành, 2009
- Nguyễn Khắc Xuyên (dịch), Hành trình và truyền giáo của giáo sĩ Đắc Lộ, nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailbook&id=85&ib=136
- Nguyễn Quang Hồng (chủ biên), Tự điển chữ Nôm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội 2006
- Nguyễn Quốc Dũng, Ngôn ngữ trong “Truyện Các Thánh” của Majorica – Khía cạnh từ vựng và ngữ pháp. Luận văn Thạc sĩ ngữ văn, Đại Học Sư Phạm Huế 2009, nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=612&ict=9218
- Nguyễn Tài Cẩn, Kỉ Niệm 350 Năm Tự Điển A. de Rhodes - Về Hai Chữ Sinh Thì, (Diễn Đàn số 110 (9/2001), nguồn: http://tieulun.hopto.org/download.php?file=VeHaiChuSinhThi
- Nguyễn Văn Trung, Dịch Thuật và Lý Luận Dịch Thuật. PHỤ LỤC III: GÓP Ý VỚI GS NGUYỄN TÀI CẨN VỀ HAI CHỮ (Diễn Đàn số 114, tháng 1/2002, nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=297&ict=3242
- Ông Thánh Y Na Xu truyện, bản Nôm gốc sao chụp từ Thư viện Quốc gia Paris và bản phiên âm của Nguyễn Huy Hùng, do anh Nguyễn Vinh Quang cung cấp.
- Phật Quang đại từ điển 佛光大辭典, nguồn: http://www.fgs.org.tw/fgs_book/fgs_drser.aspx
- P.J. Pigneaux, Dictionarium Anamitico - Latinum, (bản thảo viết tay) (1772-1773). Nguồn: bản pdf của NNT trong Diễn đàn VVH (viethoc.com)
- Triều Châu tự điển 潮州字典, nguồn: http://www.mogher.com/%E5%A4%A9
- Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam, Đô thị cổ Hội An, nguồn: http://www.dtdtqnam.gov.vn/di-tich-danh-thang-quang-nam.aspx?name=100-do-thi-co-hoi-an
- Từ Nguyên 辭 源(Tu đính bản), Thương Vụ Ấn Thư Quán Xuất Bản, Bắc Kinh 1998
- Ứng phó dư biên tổng tập 應 赴 餘 編 總 集, Thành Thái thất niên nhuận nguyệt đính san, bản sao chụp do anh Nguyễn Vinh Quang cung cấp.
- Võ Long Tê, Lịch Sử Văn Học Công Giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Tư Duy, Saigon 1965
- Vũ Đức Nghiệu, Khảo sát các từ cổ trong ba văn bản viết bằng chữ quốc ngữ thế kỉ XVII. T/c Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 26, số 4/2010
- Vũ Văn Kính, Đại tự điển chữ Nôm, NXB Văn Nghệ, 1999
- William Duffus, English – Chinese vocabulary of the Vernaculnar or spoken language of Swatow , Swatow: English pressbyterian mision press 1883, nguồn: http://archive.org/details/englishchinesev00duffgoog
(Đăng trên Tạp chí Ngôn Ngữ số 3/2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét