Đinh Văn Tuấn
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (1650 - 1700) - xưa nay họ tên ông vẫn lưu truyền
phổ biến là Nguyễn Hữu Cảnh - ông là một kiệt tướng đời Chúa Minh, Nguyễn Phúc
Chu (1691- 1725) là con thứ của danh
tướng Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu
Dật và là em của Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào (tác giả
truyện Nôm Song tinh bất dạ). Thuở thiếu thời, Nguyễn Hữu Cảnh theo cha
phục vụ trong quân ngũ đến bậc Cai Cơ. Ông đã lập công trạng lớn “bình Chiêm”
đầu tiên khi chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1692 phái ông làm Thống
binh cùng với tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân đánh vua Chiêm là Kế Bà
Tranh, bình định biên cương. Ông được Chúa Nguyễn thăng chức Chưởng cơ và cho
làm Trấn thủ dinh Bình Khương. Ông chính là người có công khai phá, mở cõi phương Nam và bình định Chân Lạp. Mùa
xuân năm Mậu dần (1698) Chúa Nguyễn Phúc Chu sai làm Thống suất vào kinh lược
Chân Lạp, lấy đất Đông Phố đặt phủ Gia Định, chia vạch ranh giới, lấy Đồng Nai
làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lập
dinh Phiên Trấn. Mở đất được ngàn dặm, dân hơn bốn vạn hộ, bèn chiêu mộ lưu dân
từ Bố Chính trở về nam tới ở, thiết lập xã thôn phường ấp, khẩn đất hoang, định
tô thuế, lập sổ dinh. Mùa thu năm Kỷ Mão (1699) vua nước Chân Lạp là Nặc Thu làm phản, Chúa lại
hạ lệnh cử Trấn thủ Bình Khương Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm chức Thống
binh cùng phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân sĩ từ Dinh Bình Khương, cho dong 7 thuyền
chiến thuộc binh của Quảng Nam vào Trấn Biên, hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên
lo việc trấn vệ biên cương. Mùa xuân năm Canh Thìn (1700) đánh bức luỹ Nam Vang
và Bích Đôi. Nặc Yêm, Nặc Thu xin hàng. Sau chiến thắng, Nguyễn Hữu Cảnh kéo
quân về cù lao Cây Sao rồi đột nhiên bị bệnh nặng, về tới Rạch Gầm thì chết,
năm ấy 51 tuổi. Chúa Nguyễn phong tặng là Hiệp Tán Công Thần Đặc Tiến Chưởng
Dinh, thuỵ là Trung Cần, ban cho vàng lụa để hậu táng. Năm Gia Long thứ 4
(1805) tặng là Tuyển Lực Công Thần Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Cẩm y
vệ Đô Chỉ Huy Sứ Ty Đô Chỉ Huy Sứ, Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sư Phó Tướng Chưởng Cơ,
liệt vào hàng Thượng Đẳng Thần, Minh
Mạng thứ 12 (1831) tặng Thần Cơ Dinh Đô Thống Chế, Vĩnh An Hầu. Các Triều đại đều có Sắc phong Thượng
Đẳng Thần: Gia Long thứ 4 (1805), Minh Mạng thứ 3 (1822), Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), Tự Đức năm thứ 5 (1852).
Các sách báo viết về thân thế
và sự nghiệp của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ trước đến nay đều dựa vào thư tịch xưa để tham khảo, nói chung
đại cương giống như trên. Tuy nhiên vì các tài liệu xưa không phải là nhất
quán, lối ghi chép đại lược có khi tối nghĩa nên đã để lại những khúc mắc mà
cho đến nay vẫn chưa được các nhà nghiên cứu sử học nhất trí, giải quyết thấu
đáo, chẳng hạn như các vấn đề về tên húy của Nguyễn Hữu Cảnh, về địa danh Ngư
Khê – Lũy Hoa Phong, về cái chết của Lễ Thành Hầu. Bài viết này là một cố gắng
tìm hiểu thêm với hy vọng làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử trên.
1. Tên thật của Nguyễn Hữu Cảnh
Hầu như các sách sử
địa, gia phả xưa đều ghi tên Lễ Thành
Hầu là Nguyễn Hữu Kính 阮有鏡. Nhưng vì theo tục kỵ húy, người xưa đọc trại âm kính thành kiến (giọng miền
Nam
đọc là kiếng như tấm kiếng). Âm kiến = kính
đã từng được Huỳnh Tịnh Paulus Của ghi nhận trong Đại Nam Quốc âm tự vị
(ĐNQÂTV) [1] ở
mục từ 鏡 kiến (kính) như kiến soi, chiếu kiến, kiến hiển vi…, cũng
có khi kính thành kỉnh, trong sách TÓM LẠI về sự tích các đời vua nước Annam. 1876 [2],
Trương Vĩnh Ký đã viết KỈNH thay cho KÍNH ở các tên gọi như Mạc Kỉnh Cung (Mạc
Kính Cung), Mạc Kỉnh Khoan (Mạc Kính Khoan), Mạc Kỉnh Võ (Mạc Kính Vũ) và kính còn
đọc chệch thành cảnh (theo biến âm:
inh = anh và đổi thanh). Trong Đại tự điển
chữ Nôm [3], Vũ Văn Kính đã từng ghi
nhận âm CẢNH được viết là 鏡 (âm Hán Việt là kính). Nhưng
một số nhà nghiên cứu lại nhận định khá rắc rối, mơ hồ về cách đọc húy chẳng hạn
như Nguyễn Ngọc Hiền lý giải: “Ông tên thật là Nguyễn Hữu
Thành húy Kính (Cảnh)…phần đông người Việt hay kiêng tên húy. Do đó Kính được đọc
chếch ra là Cảnh. Về sau nhân dân miền Nam quá trọng vọng ông, họ đã tự động
húy cả hai tên: Kính gọi là Kiến hoặc Kiếng,
Cảnh gọi là Kiểng…mãi khi ông mất rồi, người đời sau chép tiểu sử mới dám viết
rõ tên ông là Nguyễn Hữu Cảnh. Còn tên húy là Kính chỉ được nêu ở quê hương Quảng
Bình” [4] hay Nguyễn Hữu Hiệp [5] cho rằng: “Nguyễn Hữu Cảnh nguyên danh Nguyễn Hữu Lễ,
lại có tên là Nguyễn Hữu Kính. Người miền Nam hiểu KÍNH và KỈNH cùng nghĩa, nên
đã gọi kiêng (lần 1) tên KÍNH là KỈNH, rồi gọi trại (lần 2) KỈNH thành KIỂNG,
sau lại do hiểu rằng KIỂNG và CẢNH cũng cùng một nghĩa nên gọi trại (lần 3) là
CẢNH - Nguyễn Hữu Cảnh”. Thật ra kiểng
không phải là đọc trại từ kỉnh hay từ
kính ra cảnh rồi từ cảnh mới
thành kiểng. Nguyên nhân của cảnh = kiểng chính là do cách đọc tên húy của Đông Cung Thái Tử Nguyễn
Phúc Cảnh 阮福景 (1780-1801),chứ không liên quan gì đến “kính”. Ở Sài gòn có Đình Tân Kiểng chính âm
là Tân Cảnh, vì kỵ húy Nguyễn Phúc Cảnh nên Cảnh
đọc trại là Kiểng [6]. Âm kiểng = cảnh thấy xuất hiện trong tự vị Dictionarium
Anamitico- Latinum (1838) của L.J. Taberd ở mục Mẫu văn đặt vần trắc (trang xliv) với câu: “ Xưa có kẻ lui về Phật kiểng”
[7] và sau cũng được ĐNQÂTV ghi nhận. Vậy từ tên húy KÍNH dân gian đã đọc ra các
âm: kiến (kiếng), kỉnh và cảnh. Đặc biệt là âm CẢNH chỉ dành riêng cho
tên húy KÍNH của Lễ Thành Hầu chứ hiện vẫn chưa thấy tài liệu nào ghi nhận là kiến (kiếng), kỉnh. Theo chúng tôi hiểu, có thể mới đầu KÍNH đọc trại là KỈNH và Nguyễn Hữu KÍNH sẽ là Nguyễn Hữu KỈNH nhưng
về sau vì lý do nào đó dân gian lại né tránh âm “kỉnh”, cũng có khi dân chúng sợ
lầm với “kỉnh” với nghĩa không hay, xấu trong
“cáu kỉnh”, “lỉnh kỉnh”
(= lủng củng) đã được ghi nhận từ
năm 1931 trong Việt Nam tự điển [8] do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo nên
đã tự động thay đổi cách đọc khác hay đẹp hơn? Theo Thuyết Văn Giải Tự : “鏡,景也”: Kính, là cảnh (ánh sáng mặt trời). Vậy có khả năng do lòng kính trọng
bậc Khai quốc công thần Lễ Thành hầu nên một vị Hán học uyên thâm nào đó trong dân
gian đã chọn âm CẢNH thay cho KỈNH rồi sau trở nên phổ biến. Nhưng âm đọc CẢNH
phải ra đời sau khi Hoàng Tử Cảnh qua đời (1801) và việc kiêng húy đã phai mờ,
có lẽ vào khoảng cuối thế kỷ XIX, bằng chứng là L.J. Taberd (1838),
Trương Vĩnh Ký (1876)
đã từng viết song hành CẢNH – KIỂNG trong cùng 1 văn bản. Ngày nay ở miền Nam, cách gọi Nguyễn Hữu CẢNH thay
cho Nguyễn Hữu KÍNH (KỈNH) đã trở thành thông dụng dù truyền thống kỵ húy đã bị mai một và rất ít
người gọi đúng tên là KÍNH tuy một vài dịch giả, sử gia cũng dùng.
Từ hai trích dẫn trên, các tác giả lại có
mâu thuẫn về tên gọi: Nguyễn Hữu Thành và Nguyễn Hữu Lễ. Nguyễn Ngọc Hiền dựa
vào gia phả họ Nguyễn Hữu nên tin rằng “tên thật là Nguyễn Hữu
Thành húy Kính”. Tên
THÀNH chưa thấy ở tài liệu nào khác ngoài Tộc phả Nguyễn Hữu vậy mà Nguyễn Ngọc
Hiền đã đi đến khẳng định: “Ông được Chúa
ban tước Hầu đặt là Lễ Tài Hầu, Lễ Thành Hầu; đây là lần đầu tiên thấy tên
Thành của Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa lấy đặt tước là Lễ Thành Hầu”. Nhưng
theo truyền thống, trong tước hiệu Hầu thì chữ đầu tiên thường là tên của người
được ban tước chẳng hạn như Hào Lương Hầu, Hào là tên của Nguyễn Hữu Hào; Thoại
Ngọc Hầu, Thoại là tên của Nguyễn Văn Thoại hoặc là 2 chữ gồm tên đệm và tên
chính như Vạn Long Hầu, Vạn Long là tên của Mai Vạn Long; Thắng Long Hầu, Thắng
Long là tên của Nguyễn Thắng Long. Ngoài ra chữ thứ 2 có thể là một mỹ tự như Cốc
Tài Hầu (Tôn Thất Cốc)…[9] Do
đó cách hiểu của Nguyễn Ngọc Hiền là một ngộ nhận. Ngoài tước hiệu Lễ Thành Hầu,
Đại Nam Thực Lục (ĐNTL) [10] còn ghi nhận thêm Lễ Tài Hầu hay Lễ Hòa Hầu, vậy chữ
thứ hai (Thành, Tài, Hòa) trong tước hiệu này có lẽ chỉ là một mỹ tự vua ban
hay do lầm lẫn nào đó mà thôi. Từ đó ta có thể nhận định: Lễ (trong Lễ Thành Hầu)
mới chính là tên khác của Nguyễn Hữu Kính (Cảnh). Lễ là tên gọi thường dùng của
ông còn Kính là tên húy, truyền thuyết ở Quảng Bình vẫn kể về Cậu Lễ tức là
Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) [11].
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông
chí (GĐTTC) [12] đã từng ghi nhận Lễ Thành
Hầu họ Nguyễn và có tên là Nguyễn Phúc Lễ
hay chỗ khác là Nguyễn Lễ, rất có thể họ Trịnh đã sơ xuất hay có lý do nào đó
mà ta chưa biết, vì lẽ ra họ tên của ông phải là Nguyễn Hữu Lễ (dòng họ Nguyễn
Hữu) mới đúng. Ngoài ra còn được gọi là Lễ Công (Ông Lễ) như sông Lễ Công hay
bãi Lễ Công, đền Lễ Công. Họ Trịnh cũng đã giải thích: “Việc lấy tên của ông
đem đặt tên sông là muốn người sau muôn đời không quên ơn đức của ông vậy”. Như thế cái tên THÀNH của Nguyễn Hữu
Cảnh do gia phả ghi chép cũng có thể là một tên khác của ông (cần phải thẩm
định lại) nhưng dù sao trong các sách Sử quán triều Nguyễn, Địa chí chính yếu
vẫn viết là Nguyễn Hữu Kính, Lễ Thành Hầu, Lễ Công, Nguyễn Phúc (Hữu) Lễ.
2. Địa danh Ngư Khê và lũy Hoa
Phong
Tháng 7 năm 1699, Nặc Thu nước Chân Lạp làm phản, đắp các lũy
Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam (Nôm), cướp bóc dân buôn. Tướng Long Môn là Trần
Thượng Xuyên đóng giữ Doanh Châu (Vĩnh Long) đem việc báo lên. Mùa đông, tháng
10 theo lệnh Chúa Nguyễn, Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, Cai bạ Phạm Cẩm Long
làm Tham mưu, Lưu thủ Trấn Biên là Nguyễn Hữu Khánh làm tiên phong, lãnh quân
hai dinh Bình Khang, Trấn Biên, và thuộc binh 7 thuyền dinh Quảng Nam, cùng với
tướng sĩ Long Môn chuẩn bị chinh phạt Chân Lạp. Nguyễn
Hữu Cảnh trước khi xuất binh đánh thẳng vào bức luỹ Nam Vang và Bích Đôi để dẹp loạn Chân Lạp, vào cuối năm 1698, lúc
này ông hiện đã trở về Trấn cũ sau khi hoàn thành tốt sứ mạng kinh lược Đồng
Nai, đang giữ chức Trấn thủ dinh Bình Khương (hay Bình Khang, Bình Hòa
nay là vùng Thị xã Ninh Hòa, Tỉnh Khánh Hòa)
[13], sau
khi nhận lệnh Chúa Nguyễn vào cuối năm 1699 theo Đại Nam Liệt Truyện tiền biên (ĐNLTTB) [14] cho
biết ông đã đem quân: “... bày trận ở Rạch Cá, đắp luỹ Hoa Phong, sai người dò xem tình hình hư thực rồi
chia đường tiến đánh, bức luỹ Nam Vang và Bích Đôi” Vậy địa danh Ngư Khê và lũy Hoa Phong ở đâu? Về
địa danh Ngư Khê đọc theo âm Nôm là Rạch Cá, hiện chưa thấy tài liệu nào ghi nhận chính xác
vị trí. Trịnh Hoài Đức viết trong GĐTTC lại cho Nguyễn Hữu Cảnh đóng quân ở Tân
Châu:“Tháng 11, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn công và Tham
mưu Cẩm Long hầu Phạm công điều động Lưu thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Hữu Khánh
và biền binh 2 dinh Quảng Nam, Bình Khang cùng tướng sĩ Long Môn đến đóng ở Tân
Châu để dò xem tình hình giặc hư thật thế nào, rồi tháng 3 năm Canh Thìn (1700)
kéo quân thẳng đến lũy Nam Vang.”, cũng theo theo soạn giả, Tân Châu xưa thuộc thành Gia Định, đặt ở giữa
sông Doanh Châu (Tân Châu trước ở
cù lao Giêng nay là Thị Xã Tân Châu Tỉnh An Giang). Nhưng theo nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Hiền lại cho
là ở Ngư Khê và xác định ở Tỉnh Vĩnh
Long (Rạch Cái Cá) chứ không phải là ở Tân Châu. Chúng tôi đồng ý với Nguyễn
Ngọc Hiền về địa danh Ngư Khê nhưng không tán thành việc xác định ở Vĩnh Long
(Rạch Cái Cá theo GĐTTC tên chữ Hán là Ngư Câu chứ không phải là Ngư Khê). Muốn
xác định vị trí của Ngư Khê theo ý chúng tôi trước hết cần phải xác định vị trí của Lũy Hoa Phong, vì dựa vào vị trí này ta sẽ xác
định được Ngư Khê ở đâu. Tuy Đại Nam Thực
Lục [15]
(ĐNTL) chỉ nói Nguyễn Hữu Cảnh đem quân các đạo tiến vào nước Chân Lạp,
đóng ở Ngư Khê mà không nhắc đến lũy
Hoa Phong nhưng theo Trịnh Hoài Đức (GĐTTC) thì lũy Hoa Phong ở huyện
Bình Dương, phủ Tân Bình, Dinh Phiên Trấn (Nay là Huyện Hóc Môn, Sài Gòn) giáp
ranh với Dinh Trấn Biên, lũy này do Lễ Thành Hầu đắp để phòng ngự Cao Miên. Theo
Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) [16] thì
lũy Hoa Phong xưa gọi là lũy Lão Cầm ở địa phận hai huyện Bình Dương và Bình
Long, vào năm Canh Thìn (1700): “Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính dẹp
Cao Miên, Lão Cầm là đốc đồng nội thuộc xây đắp lũy này, nên gọi tên thế”. Do
đó, sự kiện Nguyễn Hữu Cảnh cho đắp lũy Hoa Phong (Lão Cầm) là chính xác. Theo
sử liệu thì cuộc hành binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã diễn biến theo thứ tự: bày
binh tập trận ở Ngư Khê và đắp lũy Hoa Phong sau đó mới thăm dò tình hình cuộc
chiến rồi mới tiến đánh Nam Vang. Nếu Ngư Khê ở tận Vĩnh Long thì không giải
thích được nghịch lý: đang ở trận tiền, thông tin chiến thắng mấy trận liên tiếp của Trần Thượng Xuyên báo
về [17] mà Nguyễn Hữu Cảnh lại cho đắp lũy Hoa Phong mãi tận
Phiên Trấn! Thế thì Ngư Khê phải là một vị trí gần lũy Hoa Phong và thời điểm đóng
quân là cuối năm 1699.
Hiện nay ở Đồng Nai có 2 địa danh:
Rạch Cá và Rạch Bến Cá. Rạch Cá ở
Huyện Nhơn Trạch, Tỉnh Đồng Nai nhưng chưa thấy tài liệu xưa nào nhắc đến. Có
lẽ vị trí này xưa còn hoang vu, là nơi cư trú của người Man, Mọi và người Kinh
còn sống thưa thớt vả lại nơi đây kinh rạch chằng chịt nên vị trí này không an
toàn, thuận tiện cho việc cả đoàn quân thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đóng quân tập
trận. Còn Rạch Bến Cá ở cù Lao Tân Triều, Xã Tân Bình, Huyện
Vĩnh Cửu, vị trí này gần với Lũy Hoa Phong ở Huyện Bình Dương. Rất có thể Ngư
Khê chính là chỗ này vì Rạch Bến Cá, xưa gọi là Rạch Cá gắn liền với cù Lao Tân
Triều, Bến Cá nổi tiếng đã từng được sử sách ghi nhận. Địa danh Rạch Cá và chợ
Bến Cá vào thế kỷ XIX chính là ở Huyện lỵ của Huyện Phước Chánh, Tỉnh Biên Hòa.
GĐTTC
ghi chép về Chợ Ngư Tân (Chợ Bến cá): “Còn
gọi là chợ Bình Thảo, ở tổng Phước Vinh, khách buôn đông đúc, cả đường thủy và
đường bộ đều thông suốt tới bến, hàng nước ngoài, thổ sản địa phương, sơn hào,
hải vị không gì là không có, là một chợ miền núi rất đông đúc” chứng tỏ
vùng đất trù phú, yên ổn và rất an toàn này xưa có tầm quan trọng về chính trị,
kinh tế. Sau này vào năm 1778,
Giám mục Bá Đa Lộc vì lánh nạn Cao Miên -Tây Sơn đã chọn Tân Triều để
thiết lập Chủng viện và Nguyễn Ánh khi đóng quân tại Gia Định - Trấn Biên vẫn
thường tới lui Tân Triều để gặp gỡ Bá Đa Lộc để bàn bạc quốc sự [18]. Lương
Văn Lựu trong Biên Hòa sử lược toàn biên [19] cũng ghi nhận:“Chợ Bến Cá: Nguyên là chợ Ngư Tân, xưa ở thôn Bình Thảo, người buôn kẻ
bán tụ tập. Đường thủy lục đều thông thương. Hải vị, sơn hào, nội hóa, ngoại
hóa, không thiếu món gì. Đây là một đại thương hội ở miền núi, nay thuộc xã
Bình Phước (…) chợ vẫn còn, nhưng ngọn rạch bao Ngô Châu (Tân Triều) bị đất phù
sa lấp cạn” (Hình 1) [20]
Dĩ nhiên trước đó vào năm 1698, trong
thời gian kinh lược, Nguyễn Hữu Cảnh đã từng có mặt ở Đồng Nai, Vĩnh Cửu và đã
biết cù lao Tân Triều có giá trị ra sao rồi (Cù Lao Phố tuy sầm uất, trù mật
nhưng là địa phận của người Hoa, không tiện việc binh). Theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí [21] và
GĐTTC thì ở giữa cù lao Tân Triều và cù lao Ngô Châu là một dòng sông nhỏ dưới
đáy nhiều sỏi cát chỉ đủ thuyền độc mộc, ghe nhỏ qua lại, rạch này chảy ngược
về chợ sông Bến Cá (Ngư Tân). Dựa vào ghi chép của Trịnh Hoài Đức (GĐTTC): “… năm Giáp Tý (1744), niên hiệu Cảnh Hưng
thứ 4 vì có lũ lớn, bị xói lở chia làm 2, phía đông thành cù lao Ngô phía tây thành cù lao Tân Triều, ở giữa có
một sông nhỏ vừa cạn vừa hẹp chia ranh giới”, có thể cho địa danh Rạch cá (Ngư Khê) là một địa danh có trước năm 1744, lúc này chưa bị lũ lụt làm xói
lở thành sông nhỏ (tiểu giang) mà chỉ là một khe suối, rạch nhỏ
ở một cù lao khi chưa chia thành cù lao Tân Triều và Ngô Châu.
Từ Nha Trang (Bình Khương) theo đường
biển, đoàn thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh trước hết đến cửa biển Cần Giờ sau đó đến
Ngã Ba Nhà Bè, từ đây đi ngược dòng sông Đồng Nai vào Dinh Trấn Biên (thủy
trình trọng yếu này, trước đó Trần Thượng Xuyên đã đi vào Đồng Nai để khai phá
Cù Lao Phố và sau quân Tây Sơn cũng theo thủy trình này vào Gia Định, Biên Hòa)
rồi mới cho tập kết, bày binh bố
trận (có thể hiểu là tập trận, trù định kế sách chiến lược) ở Rạch Cá (Ngư Khê)
đồng thời hạ lệnh đắp lũy Hoa Phong để phòng ngự Trấn Biên. Vậy, địa
điểm lý tưởng mà Nguyễn Hữu Cảnh cho
quân binh của Dinh Bình Khương, Quảng Nam cùng Dinh Trấn Biên, Long Môn đóng
quân và tập trận ở Rạch Cá nay thuộc Xã Tân Bình, Huyện Vĩnh Cửu vào năm 1699 mới
hợp tình hợp lý. Trong phần chú thích từ
bản dịch ĐNLTTB (phần viết về Nguyễn Hữu Cảnh), dịch giả Cao Tự Thanh cũng đã từng suy đoán “4. Rạch Cá: nguyên văn là “Ngư Khê” đây tạm
địch ra âm Nôm, có lẽ là là Rạch Bến Cá, chỗ chợ Bến Cá tại thôn Bình
Thảo ở huyện Phước Chánh thuộc Biên Hoà” [22].
Nếu theo GĐTTC vào tháng 11 năm 1699 Nguyễn Hữu Cảnh đóng quân ở Tân Châu rồi
cho dò xét tình hình chiến sự nhưng sự thật thì vào tháng 3 năm 1700 (thư tịch
đều nhất trí) Nguyễn Hữu Cảnh mới bắt đầu xuất binh đánh Nam Vang, vậy thì
khoảng thời gian quá lâu (4 tháng) chỉ để
dò xét đối phương, án binh bất động trong tình hình chiến sự căng thẳng, Chân
Lạp đánh phá, cướp bóc ở biên giới là một chuyện không hợp lý về binh pháp. Có
thể giải thích hợp lý hơn: Nguyễn Hữu Cảnh vừa mới đến Trấn Biên, ông cho đóng
quân (sau một thủy trình dài cần phải cho quân binh nghỉ ngơi, dưỡng sức, bổ
sung lương thảo…) tại Rạch Cá (Tân Triều) để trù hoạch chiến lược, bày binh tập
trận và cần phải xây lũy Hoa Phong để phòng ngự Trấn Biên một cách chu đáo (nếu
chiến sự diễn biến không tốt). Mọi việc xong xuôi, đoàn quân thuyền của ông mới có thể tiến đến đóng tại đồn
Tân Châu (sát biên giới Cao Miên) như Trịnh Hoài Đức ghi chép, lúc này Nguyễn Hữu Cảnh mới sai người dò xem tình hình thực lực của quân Chân Lạp, sau khi nghe tin Trần
Thượng Xuyên thắng trận, ông mới hạ lệnh xuất binh đánh thẳng vào Nam
Vang vào năm 1700, ĐNTL tường thuật: “Tháng
3, Thống binh Trần Thượng Xuyên cùng quân giặc đánh liên tiếp nhiều trận đều
được. Khi quân ta đến lũy Bích Đôi và Nam Vang, Nặc Thu đem quân đón
đánh. Nguyễn Hữu Kính mặc nhung phục đứng trên đầu thuyền, vung gươm vẫy cờ,
đốc các quân đánh gấp, tiếng súng vang như sấm. Nặc Thu cả sợ, bỏ thành chạy.
Nặc Yêm (con vua thứ hai Nặc Nộn) ra hàng, Hữu Kính vào thành, yên vỗ dân
chúng. Mùa hè, tháng 4, Nặc Thu đến cửa quân đầu hàng, xin nộp cống. Nguyễn Hữu
Kính báo tin thắng trận rồi lùi quân đóng đồn ở Lao Đôi, kinh lý việc biên
giới.” [23] Nhân đây chúng tôi xin lưu ý: Các sách sử xưa nay đều
tôn vinh một mình Lễ Thành Hầu có công trạng lớn, hiển hách trong trận đánh
bình định Chân Lạp là có phần hơi cường điệu. Như đoạn trích dẫn trên (và cả
ĐNLTTB phần viết về Trần Thượng Xuyên) đều cho biết Trần Thượng Xuyên đã thắng trận liên tiếp sau đó Nguyễn
Hữu Cảnh mới đánh đòn quyết định và thắng trận dễ dàng, như vậy công lao của
Trần Thượng Xuyên cũng rất quan trọng.
3. Nguyễn Hữu Cảnh chết vì bạo bệnh?
Về
cái chết của Nguyễn Hữu Cảnh, nói chung các tài liệu như GĐTTC, ĐNLTTB, ĐNTL và
các sử sách sau này dựa vào đều cho là sau khi thắng trận, Nguyễn Hữu Cảnh mất đột
ngột vì bạo bệnh. Điển hình là ghi chép của ĐNTL như sau: “Tháng 5, Thống
suất chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính chết. Đầu là Hữu Kính đóng quân ở Lao Đôi,
gặp mưa to gió lớn, núi Lao Đôi lở tiếng kêu như sấm. Đêm ấy mộng thấy một
người mặt đỏ mày trắng, tay cầm cái phủ việt bảo rằng : “Tướng quân nên kíp đem
quân về, ở lâu đây không lợi”. Hữu Kính cười nói rằng : “Mệnh ở trời, có phải ở
đất này đâu ?”. Khi tỉnh dậy, thân thể mỏi mệt, nhưng vẫn cười nói như thường
để giữ yên lòng quân. Kịp bệnh nặng, bèn than rằng : “Ta muốn hết sức báo đền
ơn nước nhưng số trời có hạn, sức người làm được gì đâu ?”. Bèn kéo quân về, đi
đến Sầm Khê (Rạch Gầm.thuộc tỉnh Định Tường) thì chết, bấy giờ 51 tuổi.” [24]
Nhưng trong dân gian lại lưu truyền về cái chết của Nguyễn Hữu Cảnh khác hẳn. Vương Hồng Sển
trong Từ Vị tiếng nói miền
nam ở mục từ Cù Hu, đã
viết: “Cù Hu, tên vùng đất thuộc làng Tân Thành, tỉnh An Giang, nay thuộc tỉnh
Đồng Tháp. Nơi đây năm 1837 có xảy ra trận giao tranh dữ dội giữa binh nhà
Nguyễn với binh Xiêm liên hiệp, trong trận ta thắng nhưng hai tướng tử trận, đó
là Đốc Binh Vàng, có tên ghi vào kinh Đốc Vàng, và Chưởng binh Lễ Thành Hầu
Nguyễn Hữu Cảnh” [25]. Trong Nói về Miền nam, Sơn Nam cũng
đã viết rằng: “Nguyễn Hữu Cảnh đã mang
bệnh vì khí hậu ở vùng đất xa lạ (và có lẽ vì mang thương tích nhưng các sử gia
đã che giấu)” [26]
Bỏ qua chi tiết sai lầm về niên đại và sự gắn kết Nguyễn Hữu Cảnh với Đốc Vàng,
các thông tin của Vương Hồng Sển và Sơn Nam chứng tỏ có một lưu truyền về Nguyễn Hữu Cảnh đã bị tử trận chứ không phải là bị bạo bệnh chết
như sử liệu đã ghi chép. Sự thật có phải như thế không? Chúng tôi đã tìm thấy
trong sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa
Chí là bộ địa chí
đầu tiên của triều Nguyễn do Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định (1759-1813)
soạn xong và dâng lên vua Gia Long vào năm 1806 đã ghi nhận Nguyễn Hữu Cảnh chết trận (trận vong). Nguyên văn chữ Hán như sau: “Tích dữ Cao Miên binh tương chiến, trận
vong: Ngày trước từng giao chiến với Cao Miên rồi chết trận” [27] (Hình 2). Soạn giả
không dùng 2 chữ “bệnh vong” (chết vì
bệnh) nhưng lại dùng “trận vong” (chết trận)! Hóa ra Nguyễn Hữu Cảnh không phải chết vì bạo bệnh
mà chết tại trận tiền! Vậy sự thật có thể là Thống Suất Lễ Thành Hầu dù thắng trận Cao Miên nhưng vì trước đó trong lúc giao chiến thân
bị trọng thương hay sau đó có khả năng bị tàn quân Chân Lạp phục kích vì theo ĐNTL
cho biết: “Nguyễn Hữu Kính báo tin thắng trận rồi lùi
quân đóng đồn ở Lao Đôi, kinh lý việc biên giới” [28] và GĐTTC ghi chép chi tiết này: “...nhưng vì việc ngoài biên chưa xong, bọn
yêu nghiệt còn ẩn núp chốn núi rừng” [29] nên chắc là ông đã bị trọng thương và sau đột ngột
qua đời nhưng do công trạng to lớn và lòng dân kính mộ nên các sử gia triều
Nguyễn đã nói thác là chết vì bệnh để yên lòng quân dân.
Nhân bàn về cái chết của Nguyễn Hữu Cảnh, chúng
tôi xin kể thêm về một truyền thuyết có từ lâu đời liên quan đến Nguyễn Hữu
Cảnh (viết theo lời kể của anh Đỗ Công Luận, dân gốc Chợ Đồn (Cù Lao
Phố) Thành phố Biên Hòa, năm nay 62 tuổi, truyền thuyết do chính thân phụ anh
là Đỗ Văn Trầm (sinh Năm 1917) xuất thân từ Trường Bá Nghệ Biên Hòa, chuyên về
gốm sứ đã kể lại trước khi qua đời): “vào năm 1698, lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh
vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược vùng đất mới khai phá, lập ra dinh Trấn
Biên. Khoảng năm 1700 ông thống lĩnh binh sĩ đi dẹp loạn Man Di ở vùng Phước
Long, ở thượng nguồn Sông Bé. Trên một gò đất cao ở Cù Lao Phố, một ngày trời quang
mây tạnh, ông làm lễ xuất quân. Bỗng có một bà đồng bóng, gọi là cô Bóng Hiên
lên đồng ngăn cản: “Đừng đi sẽ nguy hiểm đến tánh mạng”. Vì trung quân ái quốc,
ông tuốt gươm chém cô bóng và ra lệnh tiến binh theo dòng Đồng Nai về hướng
thượng nguồn. Đến nơi bị trúng tên độc của kẻ thù phải vong mạng. Thi hài ông
được đưa về quàn tại gò đất nơi làm lễ xuất binh, trước khi được đưa về an táng
ở quê hương Quảng Bình. Nơi gò đất cao đó, sau này dân làng lập ra đình Bình
Kính để thờ tự ông cùng với ngôi mộ. Hướng bên kia sông gần Thanh Lương Cổ Tự,
dân làng lập ra ngôi miếu thờ cô bóng Hiên.” Dĩ nhiên, các truyền thuyết thường bị nạn “tam sao thất bản” do thời
gian, ký ức phai mờ, sự lẫn lộn về địa danh như ở sự tích này là điều dễ hiểu. Nhưng
điều chúng tôi muốn lưu ý chính là truyền thuyết này đã phù hợp sự thật lịch sử:
Nguyễn Hữu Cảnh đúng là vị võ tướng bình Man, kinh lược Cao
Miên, trước khi xuất binh ông đã từng có mặt ở vùng đất Trấn Biên, đúng là ông
bị chết trận chứ không phải là bị bạo bệnh mà chết. Đặc biệt sự tích này còn nói đến mối liên
quan giữa Nguyễn Hữu Cảnh và Cô Bóng Hiên. Tưởng chừng như hình ảnh một bà đồng
bóng được gọi là Cô Bóng Hiên nhuốm màu huyền thoại do dân gian hư cấu thêu dệt
nên nhưng không, nhân vật Cô Bóng Hiên là có thật trong lịch sử. Chúng tôi đã
tìm thấy đoạn văn liên quan về bà ở trong sách HVNTDĐC, soạn giả Lương Quang
Định là người gốc Huyện Binh Dương, Gia Định đã viết về ngôi Miếu cổ ở vùng đất
thuộc Huyện Phước Chánh (Huyện Vĩnh Cửu, Tình Đồng Nai) xưa như sau: “Bổng Hiên Miếu, Miếu tại giang chi Bắc,
tích hữu nữ vu danh Bổng Hiên cấu nhất ngõa Miếu, phụng tự Thần linh. Kim Miếu
tồn vân: Miếu Bóng Hiên, miếu ở bên bờ bắc, ngày xưa có bà đồng tên là Bóng
Hiên lập ngôi miếu ngói này để thờ thần linh, ngày nay vẫn còn.” [30] (Hình 3) Soạn niên của sách này là năm 1806, cách
nói “người xưa” thì ít nhất cách xa một đời người có tuổi thọ khoảng 70t hoặc
có thể cách xa mấy đời nữa, ở khoảng thế kỷ XVIII hay XVII.
Chúng tôi đã đến tận bản
quán của Cô Bóng Hiên ở xã Thiện Tân huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu
thêm về Miếu Bóng Hiên, dân địa phương vẫn gọi là “Miễu Bà Cô” vì sợ phạm húy và nay vẫn còn cả
ngôi mộ của bà [31]. Mộ
hiện nay chỉ là mộ được trùng tu vào năm 1970 (dựa vào ngôi mộ xưa đã hư hại).
Trên bia mộ thấy khắc chữ Hán: (hàng giữa):“Bản
xứ Thánh Nương tính Phạm chi mộ, (hàng dọc phải):“Sinh Giáp Tý niên (…?) nhị nguyệt thập ngũ nhật (…?), (hàng dọc trái): “Thạnh Hòa ấp hương chức cập thiện nam tín
nữ đồng lập (…?)” (hình 4) đại ý ghi
mộ này là của bà Thánh Nương họ Phạm người bản xứ và bà sinh vào ngày 15 tháng
2 năm Giáp Tý (hiện ở Miễu Bà Cô vẫn kỷ niệm Lễ Vía Cô (ngày sinh nhật) vào
ngày 15 tháng 2), do các hương chức và thiện nam tín nữ ấp Thạnh Hòa đồng lập
mộ. Không thấy ghi năm qua đời (có lẽ bia mộ xưa bị hư mất phần ghi ngày tháng
năm mất).
Qua thông tin của Lê Quang Định và mộ chí, bà Thánh Nương họ Phạm tên là
Hiên. Theo Can Chi, Giáp Tý thuộc những năm
1624, 1684, 1744. Từ cứ liệu trên, có thể xác định thời đại của cô Bóng
Hiên vào khoảng thế kỷ XVIII hay XVII ăn khớp với ghi chép của Lương Quang
Định. Như vậy, có lẽ câu chuyện bi thảm về số phận của Nguyễn Hữu Cảnh cũng như
bà đồng cốt họ Phạm không đơn giản chỉ là một huyền thoại? Như trên chúng tôi
đã luận chứng về địa điểm Nguyễn Hữu Cảnh đóng quân ở Rạch Cá, Cù Lao Tân
Triều, nay là xã Tân Bình Huyện Vĩnh Cửu thì vị trí này cách không xa so với vị
trí Miếu Bóng Hiên nay ở xã Thiện Tân Huyện Vĩnh Cửu và cũng rất có thể đã từng
xảy ra cuộc diện kiến giữa Nguyễn Hữu Cảnh và Bóng Hiên? Căn cứ vào năm sinh
ghi trên bia mộ của bà Bóng Hiên là năm Giáp Tý ta có thể đoán định đó là năm
1624 vì ở thời điểm năm 1699 (Nguyễn Hữu
Cảnh đóng quân ở Rạch Cá) bà khoảng tuổi 75 (nếu là năm 1684 thì bà còn quá
trẻ, mới 15 tuổi khó có thể trở thành bà đồng cốt nổi tiếng được, nếu là năm
1744 bà không thuộc thời đại Nguyễn Hữu Cảnh 1689-1700). Biết đâu chừng, trong bối cảnh thế kỷ XVII xưa kia, khi con
người còn sống trong những niềm tin, thần tượng khác hẳn thời nay như Trịnh
Hoài Đức đã từng ghi chép trong GĐTTC về tập tục, tín ngưỡng người dân Gia
Định, Biên Hòa như sau: “Họ sùng đạo
Phật, tin việc đồng bóng, kính trọng nữ thần, như: bà Chúa Ngọc, bà Chúa Động (tục gọi phụ nữ sang trọng bằng bà),
bà Hỏa Tinh, bà Thủy Long, cô Hồng, cô Hạnh v.v...” [32] và ngay cả
sử liệu triều Nguyễn như ĐNTL (hay trong ĐNLTTB và GĐTTC) cũng còn phải ghi
chép đường hoàng khi nói về vị Thần báo mộng cho Nguyễn Hữu Cảnh “một người mặt đỏ mày trắng, tay cầm cái phủ
việt bảo rằng : “Tướng quân nên kíp đem quân về, ở lâu đây không lợi”. Phải
chăng đây là một phiên bản khác từ giai thoại Cô Bóng Hiên lên đồng ngăn cản Nguyễn Hữu Cảnh:“Đừng đi sẽ nguy hiểm đến tánh mạng” ? Hiện
nay tín ngưỡng đồng cốt, đồng bóng đã
được đánh giá lại. Trong nghi thức đồng
bóng có Chầu Văn còn được gọi là Hát Văn hay Hát Bóng. Đây vốn là
một loại hình nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam. Nghi lễ Chầu Văn của người
Việt đã được đưa vào Danh mục di sản để nghiên cứu lập hồ sơ trình Unesco công nhận
là Di sản văn hóa Thế giới [33]. Dĩ nhiên, chúng tôi không hề khẳng định
truyền thuyết trên là sự thật lịch sử nhưng dù sao trong đó phần nào cũng phù
hợp với sử liệu: bà Bóng Hiên và Nguyễn Hữu Cảnh là người cùng thời đại. Từng
có lời tiên đoán hung gở về số phận của Nguyễn Hữu Cảnh và sau ông đã chết.
Thay lời Kết:
Qua những tìm hiểu và khảo
chứng về các vấn đề lịch sử lên quan đến Nguyễn Hữu Cảnh đã trình bày ở trên,
chúng tôi xin đưa ra mấy nhận định như sau: 1/ Lễ Thành Hầu tên thật là Nguyễn
Hữu Kính, do lòng kính mộ vị khai quốc công thần nên dân gian đã đọc húy âm
“Kính” thành các âm như “Kiến (Kiếng)”, “Kỉnh” và sau cùng mới đọc là “Cảnh”. Nhưng
âm “Cảnh” chỉ xảy ra sau khi Hoàng Tử Nguyễn Phúc Cảnh qua đời (1801) và việc đọc kiêng húy “Cảnh”
ra “Kiểng” đã phai mờ. Nguyễn Hữu Cảnh còn có tục danh khác là Nguyễn Hữu Lễ
cho nên mới được nhà Nguyễn phong tước Lễ Thành Hầu và tên gọi này đã được đặt
trong các địa danh như sông,
bãi Lễ Công và đền Lễ Công. 2/ Vào năm 1699, từ
Nha Trang (Bình Khương) theo đường biển, đoàn thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đến
cửa biển Cần Giờ và đi ngược dòng sông Đồng Nai vào Dinh Trấn Biên rồi mới cho tập kết, bày binh bố trận ở Ngư Khê, có
tên Nôm là Rạch Cá và địa điểm này khả
năng chỉ có thể ở Trấn Biên (nay thuộc Xã Tân Bình, Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh
Đồng Nai) và đồng thời, ông đã hạ
lệnh đắp lũy Hoa Phong để phòng ngự Trấn Biên. Sau khi sắp đặt chu đáo,
Nguyễn Hữu Cảnh mới tiến quân đánh thẳng vào Nam Vang. 3/ Ngược lại với các ghi
chép từ sử liệu xưa nay loan truyền về cái chết đột ngột vì bạo bệnh sau khi
thắng trận của Nguyễn Hữu Cảnh, vẫn từng có một nguồn tin khác lưu truyền trong
dân gian nhưng quan trọng hơn hết, thông tin này đã được chính Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định
(người Bình Dương, Gia Định) vào năm 1806 đã ghi chép trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa
Chí là Nguyễn Hữu Cảnh đã bị chết trận (trận vong) chứ
không phải là chết bệnh (bệnh vong).
Biên Hòa ngày 11 tháng 9 năm 2013
Chú
thích:
[1]Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Tom I-II Sài Gòn 1895-1896, Nhà xuất bản
Trẻ, tái bản 1998.
[2] Trương
Vĩnh Ký, Manuel des écoles primaires ou
simples notions sur les sciences. A l’usage des jeunes élèves des écoles de
l’administration de la basse-cochinchine (Volume 1),. Saigon 1876.
Nguồn: http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k54603724
[3] Vũ Văn Kính, Đại
tự điển chữ Nôm, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1999
[4] Như Hiền Nguyễn Ngọc Hiền. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền nam nước Việt
cuối thế kỷ thứ XVII. Nhà xuất bản Văn Học.1997. Xem thêm: 1/ Nguyễn Hữu Cảnh, nguồn:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_H%E1%BB%AFu_C%E1%BA%A3nh .2/ Nguyễn Hữu Cảnh (1650–1700) - Lễ Thành Hầu, Tổng binh thời Nguyễn. Nguồn: http://nguoiquangbinh.net/forum/diendan/showthread.php?t=16012
[5] Nguyễn
Hữu Hiệp, Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh,
nhân vật lịch sử có nhiều ngộ nhận đáng tiếc. Nguồn : http://namkyluctinh.org/a-lichsu/nhhiep-nguyenhuucanh.htm
[6] Huỳnh Minh, Gia
Định xưa (tái bản có chỉnh lý bổ sung), Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin,
2006
[7] L.J. Taberd, Dictionarium Anamitico- Latinum,
Fredericnagori Vulgo Serampore 1838. Nxb Văn Học
(tái bản). 2004
[8] Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam
tự điển, Hà Nội, 1931, Mặc Lâm tái bản, 1968
[9] Đỗ Văn Ninh. Từ
điển chức quan Việt Nam. Nhà xuất bản Thanh Niên. 2002
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam
thực lục. Viện sử học dịch. Nhà xuất bản Giáo dục. 2001.
[11] Như Hiền Nguyễn Ngọc Hiền. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu
Cảnh với công cuộc khai sáng miền nam nước Việt cuối thế kỷ thứ XVII. Nhà xuất
bản Văn Học.1997
[12] Trịnh
Hoài Đức. Gia Định thành thông chí.
Lý Việt Dũng (dịch và chú giải), Huỳnh Văn Tới (hiệu đính, giới thiệu). Nhà
xuất bản Tổng hợp Đồng Nai, 2008
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam
thực lục. Viện sử học dịch. Nhà xuất bản Giáo dục. 2001.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam
nhất thống chí. Nhà xuất bản Thuận Hóa. Huế, 1992
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam
thực lục. Viện sử học dịch. Nhà xuất bản Giáo dục. 2001.
[18] Trương Bá Cần, Lịch
sử phát triển công giáo Việt Nam,
Tập 1: Thời kỳ khai phá và hình thành (từ khởi thủy cho tới cuối thế kỷ XVIII),
Nhà xuất bản Tôn giáo, HN 2008
[19] Lương Văn Lựu. Biên
Hòa sử lược toàn biên. Tập 1,2 . Tác giả
xuất bản (1972-1973)
[21] Lê quang Định. Hoàng
Việt nhất thống dư địa chí , Phan
Đăng (dịch chú), Nhà xuất bản Thuận Hoá.Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây.
2002. (Nguyên bản chữ Hán in kèm theo phần phụ lục của sách)
[22] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam
liệt truyện tiền biên. Cao Tự Thanh (dịch chú) Nhà xuất bản Khoa học xã
hội, 1995
[25] Vương Hồng Sển. Từ
vị tiếng nói miền Nam.
Nhà Xuất bản Trẻ.1999
[26] Sơn Nam.
Nói về Miền nam, Cá tính miền Nam,
Thuần phong mỹ tục Việt Nam,
Nhà xuất bản Trẻ. 2007
[27] Lê quang Định. Hoàng
Việt nhất thống dư địa chí , Phan
Đăng (dịch chú), Nhà xuất bản Thuận Hoá.Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây.
2002. (Nguyên bản chữ Hán in kèm theo phần phụ lục của sách)
[30] Lê quang Định. Hoàng
Việt nhất thống dư địa chí , Phan
Đăng (dịch chú), Nhà xuất bản Thuận Hoá.Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây.
2002. (Nguyên bản chữ Hán in kèm theo phần phụ lục của sách)
[31] Lương Văn Lựu trong Biên Hòa Sử Lược cũng đã từng ghi chép về Miễu Bà Cô và ngôi mộ cổ
của bà nhưng soạn giả lại kể lại một truyền thuyết bi thảm khác về võ tướng
bình Man Lê Văn Lễ thời Tự Đức liên quan
đến bà đồng cốt Phạm Thị Hiên (Cô Bóng
Hiên). Câu chuyện xoay quanh việc bà
Hiên lên đồng thỉnh cốt tiên đoán số phận của Lê Văn Lễ rằng : “ Tiền
thắng hậu hung”, quả nhiên sau ông thắng trận nên đã hạ lệnh cho người đến Miễu
Bà Cô để chém đầu cô Bóng Hiên nhưng ông lại bị sa bẫy và ông mới hối hận liền
cho lệnh hủy án trảm nhưng không kịp, cô Hiên
đã bị chém chết. Quá đau lòng và cũng vì cùng đường ông bèn rút kiếm tự
vẫn. Về nhân vật Lê Văn Lễ thời Tự Đức chúng tôi không tìm ra nhưng vào thời
Minh Mạng thì có Án sát Biên Hòa là Lê Văn Lễ đã từng tham chiến đánh loạn quân
Lê Văn Khôi. Lê Văn Lễ thua trận bỏ thành, bị giáng chức, sau có công lại được
phục chức. Ông chết vì bệnh. Có lẽ truyền thuyết này bị lẫn lộn với nhân vật tên là LỄ, thay vì là LỄ Thành Hầu
Nguyễn Hữu Cảnh, người mang tên là Nguyễn Hữu LỄ là một danh tướng bình Man,
kinh lược Cao Miên như truyền thuyết do Đỗ Văn Trầm kể lại (đã dẫn trong bài)
nhưng có thể dân gian đã nhớ lầm là Lê Văn LỄ. Thời cô Bóng Hiên thuộc thời đại
của Nguyễn Hữu Cảnh (Lê Quang Định đã ghi chép về Miễu Bóng Hiên vào năm 1806
trong HVNTDĐC) nên chắc chắn Lê Văn Lễ
thời Minh Mạng không liên quan đến Bóng Hiên.
[32] Trịnh
Hoài Đức. Gia Định thành thông chí.
Lý Việt Dũng (dịch và chú giải), Huỳnh Văn Tới (hiệu đính, giới thiệu). Nhà
xuất bản Tổng hợp Đồng Nai, 2008
(Đăng trên Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 1/2014 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét