Tên chữ Hán của Hồ Quý Ly là 胡季犛 hay 胡季釐(厘)?
Đinh Văn Tuấn
Hồ
Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, tự suy tổ
tiên là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang vào đời Hậu Hán thời Ngũ Đại (947 – 950) sang làm
Thái thú lộ Diễn Châu (Nghệ An). Sau đó, làm nhà ở hương Bào Đột thuộc lộ này,
làm trại chủ đến đời thứ 12 là Hồ Liêm
dời đến ở hương Đại Lại tỉnh Thanh Hóa, làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn, từ đấy
lấy Lê làm họ mình. Quý Ly là cháu bốn đời của Lê Huấn. Sau Hồ Quý Ly thay ngôi
nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu và cải lại họ Hồ.[4] Theo Bùi Bá Kỳ viết
trong Cáo nạn biểu [12] đã cho biết
Quý Ly là con quan Kinh lược sứ đời Trần là Lê Quốc Kỳ [1]. Do
đó trong trong sử sách Hồ Quý Ly còn được gọi là Lê Quý Ly.
Tên chữ Hán của Lê Quý Ly hay Hồ Qúy Ly theo thư tịch cổ Hán
và Việt nói chung đều viết là 黎季犛 hay 胡季犛
và các sách sử học sau này đa số cũng viết như thế, chẳng hạn như trong Việt Nam sử Lược (1927) [8] của Trần
Trọng Kim cũng viết là Hồ Quý Ly 胡季犛. Các
chữ Hồ 胡, Lê 黎, Quý 季 trong họ và tên của vua nhà Hồ nói
chung về tự dạng không thay đổi, chỉ riêng chữ LY là có. Chúng tôi thấy trong văn
bản chữ Nôm Thiên Nam ngữ Lục ngoại kỷ
天南語錄外紀
[5] (AB.478, khuyết danh, khoảng thế kỷ 17), soạn giả này lại viết họ
tên Hồ Quý Ly là 胡季 厘 (H.1), LY không viết là 犛 mà là 厘.
Xem thêm Giản yếu Hán Việt từ điển (1932) [1] của Đào Duy
Anh ở mục từ Hồ, Hồ Quý Ly cũng thấy viết là 胡季釐 (theo từ thư Hán, 厘 là dạng khác của 釐). Có điều gì không ổn về tự dạng? Vua nhà Hồ tên là LY thật ra viết chữ Hán là 犛 hay 厘 (釐)? Đây
có phải là hiện tượng đồng âm dị tự,
hoặc còn nguyên do nào khác? Từ trước
đến nay, vấn đề này hình như chưa từng được bàn đến. Người viết thử tìm hiểu
xem thực hư ra sao?
Văn bản chữ Hán sớm nhất hiện còn liên quan đến họ tên Hồ Quý Ly có lẽ là ở bài Cáo nạn biểu của Bùi Bá Kỳ, họ ngoại của nhà Trần, làm quan đến ngũ phẩm và từng là một tỳ tướng của Trần Khát Chân, trong truyền bản này viết rõ tên Quý Ly là LY犛, đối chiếu nội dung bài biểu này trong Minh sử [2]明史, cũng thấy chép là LY犛. Sau đến bộ Đại Việt sử Ký Toàn Thư 大 越 史 記 全 書 (bản Chính Hòa thứ 18, năm 1697) [10] , trong đó tên của vua nhà Hồ là LY khắc là 犛 (H.2) nhưng về tự dạng không đúng dạng 犛 vì ở phần trên, bên trái không phải là chữ 未 mà là chữ 牙, xem thêm bản ĐVSKTT khắc in sau bản Chính Hòa 18, là bản Quốc Tử Giám thời vua Tự Đức Triều Nguyễn (1848-1884) [3] cũng thấy cùng một dạng chữ.
Ở văn bản chữ Nôm thì thấy, bản Nôm Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa [6] 指南玉音解義 (khoảng thế kỷ 17) tuy không trực tiếp liên quan đến Hồ Quý Ly nhưng trong mục từ ly (mao) ngưu thì chữ LY 犛 (H.3) khắc giống như dạng chữ ở ĐVSKTT nhưng thiếu nét 厂, chắc là do thợ khắc chữ sai sót (bản Nôm này khắc rất nhiều chữ Hán và Nôm sai) hoặc do cách viết “tục tự” của nhà Nho Việt xưa. Tìm hiểu kỹ thì trong Đại Việt lịch đại sử tổng luận 大越歷代史總論 (NLVNPF-0104, R.1744, là bài tổng luận về lịch sử Việt Nam từ khi khai thiên lập địa cho đến hết triều Lê, dĩ nhiên bản này chỉ xuất hiện sau Lê)[7] thì tất cả những chữ LY đều được người chép tay viết cả 2 dạng như ĐVSKTT và CNNÂGN (H.4), thế thì đã rõ, chữ LY 犛 trong CNNÂGN đơn giản là một kiểu tục tự (chữ thông tục trái với chính tự) của chữ mà thôi. Ở bản Nôm Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca [8] 越史 衍 義 四 字 歌 thấy chữ LY viết đúng dạng 犛.
Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: “犛 mao:
Mao ngưu 犛牛, một loài trâu
đuôi rất dài, ngày xưa dùng làm ngù cờ”. Cũng đọc là chữ ly.”
Với một nghĩa không mấy đẹp liên quan đến loài trâu. Tục ngữ, ca
dao người Việt thường nói: “Khổ như trâu”, “Tưởng
rằng danh giá những gì, Kiếp trâu khốn nạn vẫn là kiếp trâu” và người Hán có thành ngữ như: “Ngưu đầu mã diện” (đầu trâu mặt ngựa,
quỷ sứ âm ty), “Ngưu nhân mã nhân (người
làm việc nhu trâu, ngựa; bọn nô lệ), …thật khó hiểu tại sao thân phụ của
Hồ Quý Ly vốn là Kinh lược sứ họ Lê lại đặt tên cho con mình là LY 犛 trái với truyền thống đặt tên của
quan lại xưa, thường chọn tên chữ có ý nghĩa hay, đẹp, hiếm? Khảo sát
tên của các bậc vua chúa trước khi sáng
lập các triều đại độc lập tự chủ trong chính sử Việt Nam xưa nay như Ngô Quyền 權, Đinh Bộ Lĩnh 部
領, Lê Hoàn 桓,
Lý Công Uẩn 公蘊, Trần
Cảnh 煚, Lê Lợi 利, Mạc Đăng Dung 登庸, Trịnh Kiểm 檢, Nguyễn
Hoàng 潢, Nguyễn Huệ 惠, Nguyễn Phúc Ánh 福暎, đều không hề thấy một tên chữ nào
mang nghĩa xấu, không tốt cả. Nhưng chỉ riêng mỗi tên của Hồ Quý Ly, người sáng
lập nên vương triều Hồ lại thật bất hạnh
vì được viết bằng chữ LY 犛! Thế mà xưa nay sử gia, văn nhân
cứ thản nhiên viết mà không chút băn khoăn, hoài nghi! Phải chăng có một uẩn
khúc gì? Như trên đã dẫn Thiên Nam ngữ Lục, đã viết tên vua
nhà Hồ là LY 厘, theo Khang Hy tự điển có các nghĩa
chính là Phúc, Sửa sang, Cai trị. Với ý
nghĩa hay, tốt như vậy, thực ra mới xứng đáng với tên của con trai quan Kinh
lược sứ. Nhưng tại sao lại xuất hiện 2 dạng chữ LY 犛
và 厘?
Đây là cách viết đồng âm dị tự?
Tuy về nguyên tắc, tự dạng 犛 và 厘 có thể dùng thay nhau theo kiểu
đồng âm dị tự, nhưng nếu là tên của người dân bình thường thì có thể và không
có gì đáng nói, đằng này đây lại là tên của vua nhà Hồ, việc dùng một chữ đồng âm dị tự mang nghĩa
xấu, tầm thường để viết tên của vua nhà Hồ chắc chắn khó lòng xảy ra và không
thể nào qua mắt được Hồ Quý Ly lẫn các quan lại thâm Nho, nếu bị phát hiện sẽ
mang tội khi quân! Như vậy, cần phải tìm một hướng khác
để lý giải cho hiện tượng này.
Theo quan điểm chính
thống của vua quan các triều đại từ nhà Hậu Lê đến nhà Nguyễn, cũng như dư luận
dân gian thì Hồ Quý Ly bị lên án, phỉ nhổ,
gọi Hồ Quý Ly là “Hồ tặc”… bằng chứng rõ nhất là Nguyễn Trãi [11] đã viết về Hồ
Quý Ly và nhà Hồ như sau: “họ Hồ chính sự phiền hà. Để trong nước lòng
dân oán hận” (Đại
cáo bình Ngô), “họ Hồ thất đức”; “họ Hồ dối
trời gạt dân”; “cướp nước hiếp lòng dân” (Quân trung từ mệnh tập) và sử thần Ngô Sĩ
Liên phê phán Hồ Quý Ly là: “Bọn loạn
thần tặc tử…”, “ Quý Ly đến đây
tội ác đã chất đầy rồi” (ĐVSKTT). Trong sách Những chuyện lạ thi cử thời xưa [6],
có kể một chuyện lạ như sau, vào khoa thi Hội năm Canh Thân, niên hiệu Chính
Hòa thứ I (1680), có hai cặp thầy trò và cha con dự thi. Đó là Vũ Đình Phúc với
người con là Vũ Đình Thiều và học trò của ông Phúc là Phạm Hữu Dung nhưng trong
khoa thi Hội này, đầu văn sách có câu hỏi về nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly, thí
sinh phải tuân theo quan niệm chính thống của tầng lớp nho sĩ và xã hội đương
thời, khi viết tên Hồ Quý Ly, phải biết chọn chữ như thế nào, để biểu thị sự
khinh bỉ, chê bai nhân vật lịch sử này, theo đúng quan điểm của người ra đề.
Ông Thiều và ông Dung dùng chữ “ Ngưu” là “ Trâu” và khung cả bốn phía ngoài,
tượng trưng cho cái chuồng để tạo thành chữ “Ly”. Còn ông Phúc thì vẫn viết
đúng chữ Ly và cũng khung lại bên ngoài. Kết quả thật bất ngờ, đến kỳ xướng
danh hai ông Vũ Đình Thiều (1658-1727) và Phạm Hữu Dung (1652-?) đều đỗ tiến
sĩ. Còn thầy học Vũ Đình Phúc thị bị đánh hỏng, chỉ vì chữ “Ly” tên của nhân
vật lịch sử Hồ Quý Ly không viết là “Ngưu”, có nghĩa là “con trâu”! Như thế,
qua câu chuyện này ta thấy rõ việc viết tên của Hồ Quý Ly vào năm khoa thi Hội năm 1680 là một cách chơi
chữ nhằm khinh bỉ, chê bai. Chi tiết về chữ NGƯU 牛 (trâu) đã góp phần
lý giải cho sự xuất hiện phổ biến chữ 犛
(có chữ 牛) trong các sách sử từ ĐVSKTT (Chính Hòa thứ 18) và các
sách khác sau này. Theo suy luận của chúng tôi, rất có khả năng tên của vua nhà
Hồ thật ra nguyên gốc viết là LY 厘 hay 釐 (có chữ 里 chứ không phải là 牛)
và bản Nôm Thiên Nam ngữ Lục có thể đã dựa vào một nguồn thư tịch (trung thành
với chữ gốc thời Hồ) khác với ĐVSKTT để
phục nguyên lại tên chữ của Hồ Quý Ly. Tuy nhiên để xác minh lập luận này cần
phải có thêm chứng từ khách quan khác có giá trị thuyết phục. Người viết đã
truy tìm dấu vết tên của vua nhà Hồ trong thư tịch Trung Quốc và nhận thấy,
ngoài chữ LY 犛
(tên của vua nhà Hồ) xuất hiện phổ biến trong các sách quan
trọng như Minh sử, Bình An Nam chiếu, Bình định giao Nam lục,
Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư,…chúng tôi đã tìm thấy trong sách Đại
sử 岱史
[9] là sách địa phương chí của Tra Chí Long 查志隆 (biên soạn vào niên hiệu Vạn Lịch thứ
14, năm 1586), Nghiêu sơn đường ngoại kỷ 堯山堂外紀[9] là sách thông sử của Tưởng Nhất Quỳ蒋一葵 (đỗ Tiến sĩ năm Vạn Lịch thứ
25 (1594) đời Minh) và
Xích nhã 赤雅[10] là sách ghi chép về phong tục của dân
tộc Quảng Tây của Quảng Lộ 鄺露 (1602-1648, người Quảng Đông,
đời Minh), khi viết về vua nhà Hồ đã viết rõ ràng
là Lê Quý Ly 黎季釐(H.5), LY 釐chứ không phải là LY 犛. Không thể biết nguồn thông tin nào khiến cho Tra Chí Long, Tưởng Nhất
Quỳ và Quảng
Lộ đã viết tên của vua nhà Hồ khác với các sách vở chính thống của nhà Minh
nhưng chắc chắn
không thể lấy thông tin từ TNNL Có thể gián tiếp từ Lưỡng Quảng, biên giới Việt Nam và Trung Quốc họ đã tiếp cận được thông tin chân thật hơn về Hồ Quý Ly? Dù sao sự khác thường này cũng là một dấu chứng quan trọng (3 tác phẩm này ra đời vào đời Minh, khoảng thế kỷ 16, 17) xác nhận cho TNNL không phải là một hiện tượng “chữ tác đánh chữ tộ” hay là kiểu “đồng âm dị tự” tùy tiện và như thế tên vua nhà Hồ là LY 厘 hay 釐 có khả năng là một chữ nguyên gốc đời Hồ. Tra Khang Hy tự điển [2]: “犛: [廣韻]里之切, [集韻], [韻會] 陵之切,音釐.義同 (Ly: (Quảng vận) lí chi thiết, (Tập vận), (Vận hội) lăng chi thiết, âm như ly, nghĩa đồng 釐), vậy 2 chữ 犛 và 釐 là đồng âm, đồng nghĩa nhưng khác tự dạng, về nguyên tắc có khả năng dùng thông nhau. Như đã dẫn về câu chuyện văn tự liên quan đến tên của vua nhà Hồ ở khoa thi Hội năm 1680, về lô gích, chữ 釐 chính là chữ gốc, chữ 犛 là chữ phái sinh theo diễn biến 釐 -> 犛. Từ đây có thể suy luận như sau: Khả năng thứ nhất là, từ chữ LY 釐 gốc, cổ nhân thời Trần - Hồ do bất bình, khinh ghét Hồ Quý Ly, một gian thần cướp nước hại dân nên đã cố ý dùng chữ 犛 (đồng âm, đồng nghĩa với ly 釐) có chứa chữ ngưu 牛 (trâu) ở trong, hàm ý miệt thị như đồ súc vật. Trong Minh sử (biên soạn khoảng đời Thanh), có thuật lại vụ Bùi Bá Kỳ, cựu thần họ ngoại nhà Trần sau khi bị Hồ Quý Ly soán ngôi, đã đến tận cửa cung nhà Minh khóc lóc dâng bài biểu Cáo nạn cho vua Minh Thành tổ để xin cầu viện giúp khôi phục cơ nghiệp nhà Trần, ta thấy tên của vua nhà Hồ được viết là Quý Ly 季犛. Vậy phải chăng Bùi Bá Kỳ do căm phẫn nên cố ý dùng chữ 犛 thay cho chữ 釐 như một cách tỏ ý khinh miệt Hồ Quý Ly? Một kiểu chơi chữ rất sắc bén, thâm thúy! Nhưng đây chỉ là suy đoán chứ không có chứng cứ gì vì chưa chắc bài Cáo nạn còn nguyên dạng chữ gốc của Bùi Bá Kỳ qua truyền bản ở Việt Nam cũng như khi được chép lại trong Minh sử . Khả năng thứ hai sau đây có lẽ hợp tình lý và thuyết phục hơn, sự thật lịch sử cho thấy tướng Tống Binh Quốc Công Chu Năng đã thay vua nhà Minh với danh nghĩa “Phù Trần diệt Hồ” công bố bảng văn cáo những tội của vua nhà Hồ như: ”cướp ngôi, giết vua và tông thất nhà Trần, coi nước và nhân dân như thù địch” và bài chiếu của Minh Thành Tổ (sau khi đánh bại nhà Hồ) đã luận tội danh Hồ Quý Ly: “Nó tỏ ra lừa thánh, khinh trời, không có luân lý gì nữa”…[4] Cha con Hồ Quý Ly bị bại trận rồi sau bị quân Minh bắt giam cầm, lưu đày tận Kim Lăng (Trung Quốc), trong bối cảnh này rất có thể vua quan thiên triều Đại Minh đã có chủ ý chơi chữ khi cố tình dùng chữ 犛 (có chữ ngưu 牛) để dùng thay chữ 釐 (dựa theo vận thư, 犛 đồng âm, nghĩa với 釐) là tên chữ gốc của vua nhà Hồ như một sự nhạo báng, sỉ nhục Hồ Quý Ly chỉ là lũ trâu bò nô lệ mà thôi, như thế thì quả là một lối chơi chữ quá thâm hiểm của người Hán! Kiểu chơi chữ này, một lần nữa lại được cá sử gia, văn nhân Đại Việt từ Hậu Lê đến Nguyễn với quan điểm chính thống khinh miệt nhà Hồ nên đã dùng theo như một sự đồng lõa. Tóm lại, tên vua nhà Hồ là LY 厘 hay 釐 có khả năng là một chữ nguyên gốc đời Hồ, sau đó vì lý do chính trị, tâm lý nên người xưa đã cố ý dùng chữ 犛 viết thay cho 釐 nhưng hàm ý không tốt, khinh miệt.
Gần đây, nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức
Thọ, một chuyên gia nổi tiếng về chữ húy Việt Nam đã hầu như xác nhận chữ húy
vua nhà Hồ là LY, mặc dù ông chưa
thật sự công bố một chuyên khảo nghiên cứu khoa học nào trên sách, báo nhưng
qua các bài viết gửi trên mạng truyền thông internet, Ông Ngô Đức Thọ (NĐT) đã có
chủ ý như vậy khi viết như sau: “Sau khi xuất bản cuốn Nghiên cứu chữ huý Việt Nam... Sau đó, trong khi nghiên cứu niên
đại của sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa tôi đã phát hiện được chữ viết kiêng
huý tiểu tự (tên trước khi làm vua) của Hồ Hán Thương, Sau đó trong khi hoàn
thành bản thảo công trình nghiên cứu văn bản học tôi chọn việc giải mã niên đại
CNNÂ để thuyết minh phương pháp vận dụng tị huý học vào việc nghiên cứu văn bản
Hán Nôm, tôi đã đưa thêm cả phát hiện và khảo chứng về chữ Ly là tên huý của Hồ
Quý Ly nữa. Kể như hoàn chỉnh thêm được một chương về Chữ huý thời Hồ
chưa có trong cuốn sách đã công bố. “ (Bổ
sung nghiên cứu chữ húy thời Trần: Trinh貞&
Thiên 天)[11] Chữ huý của nhà Hồ mà tác giả nói, đó là chữ LY trong Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa qua mục từ ly (mao) ngưu, và Ngô Đức Thọ còn viết trong
Kẻ Chợ - Kattigara xa
xăm thân yêu [12] như sau: “9. … cả chữ kiêng huý Hồ Quý Ly cũng được
tìm thấy (Chỉ nam ngọc âm,
5b)” cùng với ghi chú trong bài viết (xem
hình).
Sự
thật có phải như NĐT đã xác nhận không? Mấu chốt quan trọng khiến cho Gs Ngô
Đức Thọ tin tưởng có chữ húy nhà Hồ chỉ là dựa vào hiện tượng chữ khắc in lạ
thường xuất hiện trong văn bản CNNÂGN với chữ LY 犛
khắc giống dạng chữ ở
ĐVSKTT nhưng thiếu nét 厂[13],
trùng tên Hồ Quý Ly.
Chắc hẳn NĐT xác định nó là một chữ viết húy Ngự danh, (tên vua nhà Hồ) kiểu khuyết
bút (lược nét) như phép kỵ húy triều Trần [3], nhưng nếu ông từng xem bản Đại Việt lịch đại sử tổng luận (bản này
chắc chắn có niên đại muộn hơn ĐVSKTT và CNNÂGN)
mà người viết đã dẫn ở trên, trong sách này, chữ LY 犛
viết cả 2 dạng như trong ĐVSKTT và CNNÂGN, 2 tự dạng này đã trở thành một
bằng chứng quan trọng để phủ nhận chữ LY của CNNÂGN là chữ viết húy vua nhà Hồ mà thật ra chỉ đơn giản là một dạng viết tục tự của nhà Nho
xưa. Chưa kể chữ LY 犛, theo luận cứ của chúng tôi chỉ là một
chữ dùng thay cho chữ 釐(chữ gốc tên của Hồ Quý Ly) theo ý đồ chính trị nhằm hạ thấp nhân cách của
vua nhà Hồ.
Hồ Quý Ly, người sáng lập ra một triều đại mới
là nhà Hồ, là vua của nước Đại Ngu, thế mà cái tên LY của ông, lại được các sử
gia Trung Quốc lẫn Việt Nam xưa kia đã viết bằng một chữ Hán có ý nghĩa tầm
thường, xấu liên quan loài trâu như chữ 犛!
Thân phụ Hồ Quý Ly là Lê Quốc Kỳ, vốn dòng
quan lại quý tộc, từng giữ chức Kinh lược sứ triều Trần, dĩ nhiên cũng là một
bậc túc Nho, không thể nào chọn một chữ LY 犛
như vậy để đặt tên cho con trai mình. Trong lịch sử, tên nhà vua có thể viết khác đi ở trường hợp như để
ngoại giao nhà vua có thể thay tên giả hoặc do lệnh kiêng húy tên vua, chứ
không thấy hiện tượng tùy tiện dùng chữ khác thay chữ gốc tên của vua, nhất là
lại dùng một chữ mang nghĩa xấu dễ dẫn đến họa sát thân vì phạm thượng. Rất
may, thư tịch còn để lại chứng cứ về một cách viết khác của tên vua nhà Hồ đó
là sách Đại sử, Nghiêu sơn đường ngoại kỷ,
Xích nhã (Trung Quốc) và Thiên Nam ngữ
lục (Việt Nam) với chữ LY viết là 釐 hay 厘. Đây
là một chữ mang nghĩa tốt đẹp hơn chữ 犛, vì vậy chúng tôi cho rằng chữ LY 釐 này mới đích thực là tên của Vua nhà Hồ, rồi sau do biến động của lịch sử, chữ 釐 đã xảy ra diễn biến
釐 -> 犛 thông qua một dụng ý văn tự của một
người hay tập thể nhằm thỏa mãn mục đích riêng.
Do đó, qua khảo chứng này, rất có thể người
viết đã phát hiện ra tên của vua nhà Hồ là LY, nguyên gốc viết chữ Hán là 釐 (厘) chứ không phải là chữ 犛 như trong thư tịch Hoa và Việt xưa
nay. Qua đó, vừa phục nguyên lại chữ viết
khai sinh họ tên của Hồ (Lê) Quý Ly là 胡 (黎)季釐 trong sử sách, gia phả họ Hồ từ
nay về sau và cũng là vừa khôi phục
lại danh dự, nhân cách của một nhân vật lịch sử nổi tiếng suốt bao thể kỷ qua, đã
chịu oan khuất trong bóng tối khi bị sỉ nhục bằng một lối chơi chữ đầy ác ý, thâm hiểm của người xưa mà không ai hay biết. Nhiều
khả năng tác giả của lối chơi chữ tinh ma để hạ nhục Hồ Quý Ly này chính là vua
quan nhà Minh trên quan điểm, thái độ về chính trị và tâm lý cao ngạo, khinh
miệt của nước thiên triều đối với nước phụ thuộc, qua chiêu bài “Phù Trần diệt
Hồ” mà thực chất là âm mưu xâm lược, thôn tính Việt Nam.
Biên Hòa ngày 24 tháng 3 năm 2012
Tài liệu tham khảo chính
- Đào Duy Anh, Giản Yếu Hán Việt từ điển,. NXB Tiếng Dân. Huế 1932
- Khang Hy tự điển , Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1997
- Ngô Đức Thọ. Chữ húy Việt Nam qua các triều đại,. NXB Văn Hóa 1997
- Nguyễn Danh Phiệt, Hồ Quý Ly, Viện Sử Học & NXB Văn Hóa – Thông Tin , Hà Nội 1997
- Nguyễn Thị Lâm (Phiên chú), Thiên Nam ngữ lục (thơ Nôm), NXB văn học, 2001
- Quốc Chấn, Những chuyện lạ thi cử thời xưa, NXB Thanh Hóa, 2006
- Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, NXB Đuốc Tuệ. Hà Nội 1942
- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (1919), Trung Tâm Học liệu tái bản 1971
- Tục tu tứ khố toàn thư, Sử bộ - Địa Lý loại. 3. Đại sử, Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã, 2002
- Viện Khoa Học Xã Hội, Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993
- Viện sử học, Nguyễn Trãi toàn tập. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1976
- Viện Văn học: Thơ Văn Lý - Trần, tập 111, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978
(Đăng trên Tạp
chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 7. 2012)
[2] Nguồn, http://www.archive.org/details/02079216.cn
[3] Nguồn, http://nomfoundation.org/nom-project/History-of-Greater-Vietnam
[5] Dự án số hóa kho
tàng thư tịch cổ Văn hiến Hán Nôm , website:
http://lib.nomfoundation.org/collection/1/
[6] Chỉ Nam ngọc âm
giải nghĩa, bản sao chụp từ bản ở Thư
viện Hội Châu Á, do anh Lê Sơn Thanh cung cấp.
[7] http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/114/
[8]Nguồn:http://www.trangnhahoaihuong.com/phpWebSite/index.php?module=documents&JAS_DocumentManager_op=viewDocument&JAS_Document_id=2&0f8ce0bda9980137be955eb2b8fc2927=6a87351d80bb974d2a18236dc864e2b7
[9] Nguồn, http://www.archive.org/details/02079216.cn
[11] Ngô Đức Thọ Blog:
http://vn.360plus.yahoo.com/ngoducthohannom/article?mid=357)
[12] Nguồn: www.viet-studies.info/NgoDucTho_KeCho.pdf
[13] Riêng về tên húy Hồ Hán Thương là HỎA 火, 踝 thì sau
khi đọc bài tham luận Thông tin mới nhất
về Chỉ Nam
ngọc âm cũng của Ngô Đức Thọ. (Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hội nghị Quốc tế về
chữ Nôm Ngày 12-13 tháng 11 năm 2004),
người viết (bút danh là Đinh Tuấn) cùng với các thành viên (huongho,
Khúc Thần…) trong Diễn đàn Viện Việt Học :
http://www.viethoc.org/phorum/read.php?11,32369, đã mở ra chủ đề: Chữ huý 踝 trong Chỉ Nam
Ngọc Âm ? để bàn thảo và xem xét khả
năng có chữ húy nhà Hồ trong CNNÂGN hay
không? Kết quả là không. Do khuôn khổ
bài viết, người viết không tiện đi sâu về tên húy của Hồ Hán Thương trong
CNNÂGN nên dự định sẽ viết một bài riêng về tên húy của Hồ Hán Thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét