Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Một vài chữ Nôm và từ cổ đặc biệt trong Truyện Kiều



   (Vì bài viết có một số chữ Hán Nôm không hiển thị đúng nên xin vào đây đọc bản pdf:  http://vi.scribd.com/doc/171793284/TRUYEN-KIEUNOMTUCO )

                
                                                                                         Đinh Văn Tuấn

        Đọc Truyện Kiều qua văn bản chữ Nôm luôn là một việc khó khăn nhưng lại lý thú    nguyên tác Truyện Kiều cho đến nay coi như tuyệt tích mà chỉ là các truyền bản qua từng thời kỳ dẫn đến “tam sao thất bản” vì đã được rất nhiều nhà nhuận sắc. Bản thân chữ Nôm vốn chưa được điển chế nên rất phức tạp và có những từ cổ thời Nguyễn Du ở cuối thế kỷ 18 và đầu  thế kỷ 19 đối với người hiện đại là  xa lạ, khó hiểu và đôi khi là những bí ẩn gây nhiều băn khoăn, tranh cãi cho các nhà phiên Nôm xưa nay.

          Bài viết này chỉ đưa ra một vài trường hợp đặc biệt của chữ Nôm và từ cổ trong Truyện Kiều dù trước đây đã được nhiều nhà phiên Nôm phiên âm và chú giải  nhưng cho đến nay vẫn chưa được nhất trí, thông suốt. Người viết chỉ đề nghị những cách đọc hiểu chữ Nôm theo chủ quan và tri thức hạn hẹp của mình với hy vọng phục nguyên được ngữ âm, từ cổ thời Nguyễn Du.

1. Câu 28: “Sắc  đành   một tài  đành  hòa hai”
         
          Chữ thứ 3 của câu này (hầu hết các bản Nôm Truyện Kiều đều viết là ), xưa nay được mọi nhà phiên Nôm sang Quốc ngữ là ĐÒI, nhưng chỉ đến khi Hoàng Xuân Hãn phủ nhận và gợi ý nên đọc là TRỌI: “Chữ đòi một không thấy có nghĩa ở đấy. (…) sắc đành trọi một, tài đành họa hai. (…)Bởi vì chữ “đội” ấy có hai âm, một âm đọc nó biến ra chữ trụy (…). Từ chữ trụy ấy, ra chữ trụi, có khi là trọi (…) Trọi một là độc nhất, trọi là chữ độc, hồi xưa mình học độc là trọi. Sắc là độc nhất, tài đành họa hai.” [43] thì mới trở thành vấn đề cần phải thẩm định lại. Câu này có 2 vế: 1/ Nói về sắc, thì nhan sắc nàng Kiều chỉ có một chứ không hai, 2/ Nói về tài thì đành chịu hòa lẫn với hai (không phải độc nhất như sắc). Hiển nhiên 2 chữ “một” (vế 1) diễn ý “độc nhất”,  có âm Hán Việt là đội nếu đọc thành “trọi” là hợp cách, tiếng Việt từng có diễn biến ngữ âm: độn/trốn, đồ/trò và về chữ Nôm, để ghi âm đầu TR, vẫn thấy dùng thanh phù Đ như ở Tân biên truyền kỳ mạn Lục tăng bổ giải âm [13], dùng đáo ghi tráo (4, 66b); Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa [37], dùng đôn ghi trôn (13a), nhưng tiếc rằng tiếng TRỌI về mặt ý nghĩa lại không tương thích với nghĩa “độc nhất” mà Hoàng Xuân Hãn đã xác định. Tìm hiểu từ TRỌI trong các tự điển, tự vị chữ Nôm, Quốc ngữ xưa, lại không hề thấy ở đâu ghi nhận “TRỌI một”. Tiêu biểu là định nghĩa của Đại Nam quấc âm tự vị [16] của Huình Tịnh Paulus Của về mục từ TRỌI như sau:“Trống trơn, hết sạch, trơ ngơ không có vật gì - trơ trọi, hết trọi, núi trọi”. Tuy Hoàng Xuân Hãn đã xác nhận:  xưa mình học độc là trọi”, chữ độc có nghĩa là lẻ loi, một mình dĩ nhiên hợp nghĩa với trọi như P. Của đã định nghĩa thì hóa ra  trọi khi ghép với một, “TRỌI một” lại trở nên lạc lõng, xa lạ trong tiếng Việt xưa nay, hơn nữa trọi cũng không ứng đối với hòa ở vế 2.

           Không chỉ trong Truyện Kiều mới có cách dùng từ ngữ “  một mà còn thấy ở các văn bản chữ Nôm khác như ở Truyền kỳ mạn lục (1, 62b) [13] đã ghi nhận một là giải âm của độc bộ 獨步, độc bộ 獨步 nghĩa Hán là siêu quần xuất chúng, đệ nhất thiên hạ, “ một còn thấy ở Thiên Nam Ngữ Lục [31] ở câu: 7843: “Dưới trời một chẳng hai”, cũng đều diễn đạt ý “độc nhất”. Trong tiếng Việt xưa có từ TRỔI và theo định nghĩa của P. Của là: “Lấn hơn, giỏi hơn, cao hơn” như trổi hơn, trổi xa, trổi chúng. Vậy âm đọc TRỔI mới thật sự phù hợp với chữ theo ý nghĩa trổi vượt mà vế 1 của câu 28 đã bày tỏ: nói về sắc, thì nhan sắc nàng Kiều chỉ có một (trổi một, độc nhất) chứ không hai. Tiếng TRỔI được người sau đọc là TRỘI và còn dùng đến nay. Nhân tiện xin bàn thêm về chữ thứ 2 và 6 của câu 28 là chữ (đa số ở các truyền bản Truyện Kiều viết cùng một dạng), ở vế 2, đọc là ĐÀNH không có gì phải bàn (tài đành (chịu) hòa hai) nhưng ở vế 1 nếu vẫn đọc là ĐÀNH e không thích hợp (sắc đành (chịu) trổi một) vì nhan sắc đã là độc nhất sao lại phải “đành”!  Nay theo tìm hiểu của chúng tôi, nên đọc lại là DÀNH theo ý nghĩa là “dành phần” như P.Của đã giảng trong tự vị của mình và sẽ là: “Sắc DÀNH TRỔI một,…” (Sắc dành phần là độc nhất).
Vậy xin đề nghị đọc lại câu 28 là: “ Sắc DÀNH TRỔI một, tài đành hòa hai”

2. Câu 37: “㤿   trướng rủ màn che”

            Hai chữ đầu tiên của câu 37 được bản Kiều chữ Nôm khắc in sớm nhất còn lại đến nay là Kim Vân Kiều tân truyện do nhà Liễu Văn Đường xuất bản vào năm 1866 và được tái bản năm 1871 (LVĐ.1866, LVĐ.1871) khắc in là 㤿 và các bản Nôm khác như bản chép tay Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Hữu Lập năm 1870 (NHL.1870)  viết là 俺 腍, bản khắc in ở Quảng Đông năm 1872 do Duy Minh Thị (DMT.1872) [5] chủ trì là   Trương Vĩnh Ký trong Poème Kim Vân Kiều truyện 1875 [46] là người đầu tiên đã đọc Nôm 2 chữ đó là ÊM NIỀM. Có lẽ vì tối nghĩa nên  sau được các học giả sửa lại là ÊM ĐỀM như Truyện Thúy Kiều.1927 [4] của  Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim. Nhưng trong bản Quốc ngữ Truyện Kiều do Đào Duy Anh khảo chứng và phiên âm in trong phần Phụ lục của  Từ điển Truyện Kiều năm 1974 [7], tác giả lại phiên:“Êm nềm trướng rủ màn che”, ở mục từ “êm đềm” và “êm nềm” trong Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh đã giảng nghĩa:“Êm đềm: Êm dịu, yên ổn. X. Êm nềm” “Êm nềm: Tức là êm đềm. Vd. “Êm nềm trướng rủ màn che” và soạn giả giải thích tiếp: “Các bản Nôm đều viết hay . Nếu là êm đềm thì chữ đềm phải viết là (điềm) chứ không lẽ nào các bản đều viết như trên. Chúng tôi cho rằng xưa vốn là từ êm nềm cho nên viết thế, rồi sau do sự biến hóa của ngữ âm, êm nềm biến thành êm đềm, nhưng các bản chữ Nôm chép lẫn nhau vẫn ghi chữ . Vậy là Đào Duy Anh xác định “nềm” là từ cổ của “đềm”, sau này Nguyễn Quang Hồng” [28] đã tán thành rồi đến Nguyễn Tài Cẩn [30] cũng thuận theo để phiên là “Êm nềm”. Rất có thể đã có diễn biến ngữ âm từ êm nềm sang êm đềm?, thế nhưng điều khó hiểu ở chỗ vào thời kỳ này sao không thấy âm đọc “êm niềm” hay “êm nềm” được các tự điển, tự vị chữ Nôm và Quốc ngữ xưa ghi nhận? Tìm hiểu kỹ thì thật ra chữ là một chữ Nôm gốc Hán loại giả tá chứ không phải là chữ Nôm hình thanh như bấy lâu nay bị lầm tưởng theo kết cấu: + (thị+niệm) để đọc ra các âm niềm, nềm (nhưng bộ thủ ở đây là vô dụng!) Theo Khang Hy tự điển [18]:: 同稔稔: 忍甚切,𠀤 音荏(đồng 稔, 稔 … nhẫn thậm thiết, âm tựa nhậm), như thế (= ) có âm là Hán Việt là nhậm và từ nhậm có thể đọc trại thành nhiềm, nhìm. Năm 1874, Tăng Hữu Ứng  qua bản Đoạn trường tân thanh [40] chép tay của ông đã viết Nôm là 淹 恬 và theo mặt chữ người ta sẽ đọc là ÊM ĐỀM, nhưng thật ra điềm cũng nên đọc là nhiềm, nhìm chứ không phải là đềm vì theo luật biến âm (phụ âm đầu Đ -> NH) vẫn thường gặp trong chữ Nôm xưa như trong ĐNQÂTV đã ghi nhận: NHÓI (đối ), NHỌT, NHÚT (đột ),  hơn nữa đềm là một từ hiện đại mà đầu thế kỷ 20 mới được Việt Nam Tự Điển [11] ghi nhận. Trong tiếng Việt xưa có nhiềm, nhìm? Tra trong Tự vị của P. Của ở mục từ YM: “Ym liềm: lặng lẽ , không động tới”, J.F.M. Génibrel trong tự điển Dictionnaire Vietnamien - Francais 1898 [17] có ghi nhận: Im = ym, Im lìm: placide, Tranquille (yên lặng, yên tĩnh) và trích câu Kiều: “Im liềm trướng xủ màn che”, vậy ym liềm chính là im lìm như trong tiếng Việt hiện đại. Từ đây có thể suy luận, nhiềm, nhìm chính là cách đọc khác của liềm, lìm như phương ngữ  Bắc vẫn còn nói lầm là nhầm, lời nhời, lẽ là nhẽ, lạt là nhạt, lớn nhớn. Hiện tượng dùng phụ âm đầu NH để đọc thành NH và L không phải là cá biệt trong Truyện Kiều vì chính LVĐ.1866 ở câu 2882Khác nhau một chữ, hoặc khi có ”, chữ   này có âm phù là nhâm có thể đọc là nhầm nay là lầm, hơn nữa ở LVĐ.1871 nơi câu 1007 (mà bản LVĐ.1866 bị mất) cũng ghi chữ   cho nhầm, lầm (các bản Nôm  sau như NHL.1870, DMT.1872…đã xóa bỏ dấu vết này). Ngoài ra Truyện Kiều ở các câu 350, 730, 1287, 1317, 1379, 1738, 2150, 3114, 3129 qua hầu hết cá bản Kiều Nôm đều dùng các chữ,  với âm phù là nhĩ để ký âm cho nhẽ nay là lẽ. Đây chính là những dấu vết còn lại trong Truyện Kiều đã xác định thời Nguyễn Du vẫn thường đọc theo phụ âm đầu NH chứ không phải là L (Rhodes đã từng ghi nhận nhầm = mlàm, nhẽ = mlẽ), đúng với diễn biến ngữ âm học lịch sử đã xác nhận: NH -> L [25]. Do đó khả năng 㤿 đọc là YM NHIỀM (YM NHÌM) = YM LIỀM (IM LÌM)  trong Truyện Kiều là hoàn toàn hữu lý. Xét ngữ nghĩa câu 37, nàng Kiều ở tuổi chưa lấy chồng “Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê” (c.36) thì dĩ nhiên ở trong “trướng rủ màn che“ phải là sự im ắng, lặng lẽ (không có chuyện tình cảm đôi lứa) dù cho bên ngoài kia “tường Đông ong bướm đi về mặc ai” (c.38), tả như vậy là rất hợp và hay hơn là  dùng nghĩa “êm đềm” (hiện đại và sáo rỗng). Chúng tôi đề nghị đọc lại câu 37 là: IM LÌM  trướng rủ màn che”

3. Câu 41: “Cỏ non xanh   chân trời”
      
          LVĐ.1866, khắc in chữ thứ 4 ở câu 41 này là và cũng thế với mọi truyền bản khác. Trương Vĩnh Ký người đầu tiên phiên âm chữ tiễn này sang chữ Quốc ngữ là  TẬN, sau đó là Abel des Michels [1] và Génibrel cũng phiên là TẬN (chắc các soạn giả đã dựa vào Trương Vĩnh Ký) rồi đến 2 bản quốc ngữ phổ biến nhất ở Việt Nam (Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh) cũng vẫn đọc là TẬN.

          Thế nhưng chuyện không dừng lại ở đây, vì sau này, lại xuất hiện những cách phiên khác dẫn đến mổ xẻ, tranh cãi. Nguyễn Văn Anh (1958) [33], đã từ chối âm TẬN thay vào đó là âm RỢN và cũng được Đặng Thanh Lê (1972) tán đồng  [9], đến lượt Đào Duy Anh (1976) [47] phiên là TỊN hiểu như một âm cổ (phương ngữ) của TẬN (trong thơ Nôm Nguyễn Trãi hay Truyện Kiều) thay cho TẬN nhưng sau đến  Đào Duy Anh  (1979) [7] cùng các nhà hiệu đính khác lại phiên thành  DỢN! Lê Hữu Mục (1998) [21] đã phiên là TẠN không là TẬN dựa theo tự điển Việt-Bồ-La  của Alexandre de Rhodes [2] và còn cho biết tất cả các bản Quốc ngữ Truyện Kiều đã không phân biệt hai từ TẬN và TẠN, trừ bản của Paul Schneider Xuân Phúc, Nguyễn Khắc Bảo (2001) [24] đã chọn âm TẠN thay cho TẬN cũng dựa vào Việt-Bồ-La và một số cứ liệu chữ Nôm khác, Nguyễn Tài Cẩn đã chọn TẠN, Nguyễn Ngọc San (2004) [26], gần như đồng ý cách đọc TỊN của Đào Duy Anh. Về âm đọc RỢN hay DỢN, cho đến nay hầu như ít được ưa chuộng có lẽ vì không thuận tai vả lại tiếng Việt hiếm khi nói “xanh rợn (dợn)” mà chỉ nói “xanh dờn” mà ý nghĩa cũng  không phù hợp văn mạch. Sự thật thì về mặt ngữ âm, hai từ TẬN và TẠN thông qua  Việt-Bồ-La và các tự vị, tự điển sau (kế thừa) là tự điển của P. Béhaine (1772-1773) [34] và tự điển  của J.Taberd (1838) [20] cho đến  Tự vị của P. Của đều đã được chú nghĩa khác nhau như sau: TẬN là hết như tận thế,  TẠN là đụng, chạm tới, gần sát  như TẠN mây, TẠN trời, TẠN mặt. Tuy nhiên, ngoài cứ liệu về ngữ âm được ghi nhận qua các tài liệu Quốc ngữ trên, cần phải khảo sát các cứ liệu chữ Nôm cùng thời để đối chứng mới thật sự khẳng định về sự phân biệt giữa TẬN và TẠN.

          Ở văn bản chữ Nôm, theo chỗ chúng tôi biết, dấu vết chữ Nôm  có lẽ là xưa nhất liên quan đến TẠN ở khoảng thế kỷ 17 đó là bản Nôm Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, chương Thiên văn 1, ở đoạn: “Phong thanh: Gió mát 便 lầu”, theo mặt chữ sẽ đọc là “TẠN lầu” phù hợp với Việt-Bồ-La nhưng trong sách Thiền tông bản hạnh [14] đã lưu giữ các truyền bản chữ Nôm đời Trần, trong đó có Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông, ở Hội 9 có đoạn: "Thuyền tử rà chèo, dòng xanh chửa cho 羡洗 , 2 chữ tiễn tẩy 羡洗 theo Hán văn đúng ra phải là TẬN tẩy 盡洗 (sạch hết) nhưng ở đây nhà Nho xưa đã viết thay cho 盡.Bài phú này không phải là bản gốc đời Trần  nó chỉ là truyền bản được khắc in trong Thiền tông bản hạnh có niên đại 1745 nên thật khó xác định chữ Nôm còn đúng nguyên dạng hay là đã được hiệu chỉnh theo chữ Nôm đương thời, nếu như còn giữ đúng dạng chữ gốc sẽ là bằng chứng quan trọng chứng tỏ từ đời Trần đã có sự lẫn lộn tự dạng giữa (便), hay sự lẫn lộn ngữ âm TẬN và TẠN. Cũng trong Thiền tông bản hạnh, câu 225: "Vua thấy thầy thốt lòng”, một lần nữa tiễn lại được dùng thay cho 盡,  mà đúng ra phải ghi là vì “TẬN lòng” mới đúng nghĩa là hết lòng. Tình hình tương tự xảy ra  đối với  văn bản Quốc âm thi tập [32] của Nguyễn Trãi, ở bài thơ Bảo kính cảnh giới (bài 43) có câu: “Hồng liên trì đã mùi hương”, ở đây chữ cũng được viết thay cho vì đúng ra phải là “TẬN mùi hương” (hết mùi hương) nhưng vì đây chỉ là truyền bản được khắc in vào thời Tự Đức Mậu Thìn (1868) nên cũng không thể xác định chữ Nôm này thuộc đời Lê Sơ, mà có thể chịu ảnh hưởng chữ Nôm thời Tự Đức, hơn nữa cũng trong Quốc âm thi tập ở bài 67:“Gió rèm thay chổi quét” lại thấy ghi nhận theo âm “TẠN rèm”, vậy trong truyền bản này đã lưu lại hiện tượng dùng một chữ cho cả 2 âm TẬN và TẠN. Trong tự vị Béhaine đã thấy ghi nhận: “TẬN nhau” (gần sát bên nhau) chứ không phải là “TẠN nhau”, TẬN viết là (không phải là ).Theo Tự Điển Chữ Nôm (Nguyễn Quang Hồng chủ biên) [27], ở mục từ TẬN () đã dẫn chứng các văn bản Nôm như sau: Hoa Tiên, tờ 20b : "... trông ngây TẬN lầu”,Lý hạng ca dao, tờ 54b có "...TẬN   thiên tào”. Tăng Hữu Ứng (1874) [40], câu 322: “..kẻ nhìn TẬN mặt...” và theo Tự Đức Thánh Chế Tự Học Gỉải  Nghĩa Ca [36] ở câu 362: " ...lởm chởm TẬN   đầu chóp cao". Qua đó, tình hình chữ Nôm từ năm 1745 đến  thế kỷ 19 đã chứng minh rằng các nhà Nho xưa có thói quen dùng 2 mã chữ   ()  để ký âm cho tiếng TẬN như TẬN tẩy, TẬN lòng, TẬN lầu, TẬN thiên tào, TẬN mặt, TẬN đầu chóp. Xin đưa thêm những cứ liệu khác để đi đến  khẳng định: Tự điển Génibrel ở mục TẬN : tận nơi, đến tận nơi, vào tận nhà sau, tận trời, giao tận tay, tận nhau, tận đầu    còn dẫn ra câu Kiều 41:“Cỏ non xanh TẬN chân trời”. Thật ra chính trong Truyện Kiều, bản Nôm LVĐ.1866, để diễn đạt cùng ý “tận tay” đã thể hiện bằng 2 mã chữ   ở 2 câu, C.1838: “Bắt quì tận mặt, bắt mời  tay” và C. 2610: “Nợ đâu ai đã dắt vào tay!”, cách viết này cũng được các bản Kiều sau  như NHL 1870, LVĐ 1871, DMT 1872 sao lại y như vậy và chỉ đến Kiều Oánh Mậu (1902) [5] mới viết C.1838 là chữ 羨,không những thế, họ Kiều còn viết toàn bộ các câu liên quan đến TẬN (hay TẠN) (C.41 , 831 , 926 , 1838 , 2610 , 2704 , 2766) đều là chữ ! Nhưng  ngược lại, cũng cùng thời Kiều Oánh Mậu, một soạn giả khác đã viết lại toàn bộ những câu trên có chữ bằng  chữ đó là Chiêm Vân Thị [45].
        
            Qua khảo sát các văn bản chữ Nôm như trên, hiện chưa tìm ra các tác phẩm chữ Nôm có niên đại chính xác cùng thời hay trước thời điểm ra đời của Việt-Bồ-La (1651) chứa đựng các chứng tích chữ Nôm xác nhận sự khác biệt thật sự về ý nghĩa giữa 2 âm TẬN và TẠN. Những truyền bản từ Trần, Lê Sơ và các bản Nôm  sau đó đến Nguyễn  lại thể hiện sự lẫn lộn cả về âm đọc lẫn ý nghĩa, có vẻ như người xưa đã dùng một cách tùy tiện tùy theo cách phát âm và cách dùng chữ của mỗi người nhưng đều diễn tả các khái niệm: Hết; cùng tột, chạm tới, gần sát. Rất có thể vào thời điểm Việt-Bồ-La, TẬN và TẠN là khác nhau cả về âm lẫn nghĩa nhưng sau đó ít nhất là từ năm ra đời của Thiền Tông bản hạnh 1745, bắt đầu có sự lẫn lộn và cuối cùng nhập làm một như các văn bản chữ Nôm từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 đã chứng minh. Về mặt chữ Nôm, với Chiêm Vân Thị ghi nhất loạt là chữ TẬN không còn về mặt chữ Quốc ngữ thì vào năm 1931, Hội Khai Trí Tiến Đức cho xuất bản Việt Nam tự điển [10] đã ghi nhận ở mục từ “TẬN : 1/ Hết: năm cùng tháng tận - 2/ Cùng tột, đến nơi: Tiền đưa tận tay. Cơm bưng tận miệng” và theo nghĩa 2 có dẫn chứng: “Bắt quỳ tận mặt , bắt mời tận tay. Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay. Cỏ non xanh tận chân trời”. Đây chính là một sự khẳng định chính thức trong tiếng Việt đầu thế kỷ 20  không còn âm TẠN  nữa mà chỉ còn âm TẬN mà thôi.

           Mới gần đây, Nguyễn Hùng Vỹ đã viết như sau: “Với tất cả những điều trông thấy, dẫu không phải là người nghiên cứu chuyên sâu, tôi mạnh dạn đề xuất hãy mau trở lại phiên (với nghĩa chúng ta đang quan tâm) là TẬN trong tất cả văn bản Nôm quá khứ.” [23]. Theo thiển ý của chúng tôi, sẽ là chủ quan và quá vội vàng, thiếu thuyết phục nếu đi đến quả quyết dứt khoát như vậy. Như đã khảo sát và gợi ý ở trên, chúng tôi cho rằng, nên cẩn trọng với các văn bản có niên đại cùng thời hay trước Việt-Bồ-La vì hiện vẫn chưa có chứng cứ chính xác về niên đại xác nhận có sự lẫn lộn cả về tự dạng lẫn nghĩa giữa TẬN và TẠN nên việc phiên chữ (便) thành TẬN trong tất cả văn bản Nôm quá khứ sẽ là thiếu khoa học. Ngược lại cũng sẽ là chủ quan, cố chấp khi máy móc chỉ dựa vào Việt-Bồ-La để khăng khăng phiên mọi chữ (便) là TẠN ở các văn bản Nôm nói chung và nói riêng là Truyện Kiều. Nhưng đối với các văn bản chữ Nôm ít nhất là từ năm 1745 trở về sau, đặc biệt là ở Truyện Kiều thì có thể hoàn toàn vững tin để phiên những chữ là TẬN ở mọi câu. Vậy, cuối cùng xin vẫn nên đọc  câu 41 là: “Cỏ non xanh TẬN  chân trời” đúng như Trương Vĩnh Ký đã phiên Nôm từ năm 1875

4. Câu 78 : một nắm mặc dầu cỏ hoa”
         
         Hai chữ đầu tiên của câu 78 này, LVĐ.1866 viết là đã được TVK.1875, BK-TTK.1927 đọc là  “Vùi nông” theo nghĩa là chôn sơ sài rồi bỏ đó, KOM.1902 đã sửa chữ thành chữ hồng cho nên Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố [44] đã đọc hiểu là  “Vùi hồng” nhưng nếu xét những câu trước đó trong Truyện Kiều:“Thuyền tình vừa ghé đến nơi, Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!”,Buồng không lạnh ngất như tờ, Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh, cho thấy rõ khi người khách viễn phương đến thì nàng Đạm Tiên đã chết và chôn cất từ bao giờ rồi, làm gì có chuyện để người người đó phải ra tay “vùi nông” hay “vùi hồng” (chôn cất)! Chỉ có thể hiểu là người ái mộ Đạm Tiên sau khi biết tin nàng ấy đã qua đời khá lâu rồi nên mới vội mua sắm các thứ minh khí (vàng mã: vàng, tiền, vật dụng, xe châu làm bằng giấy) “Sắm sanh níp giấy xe châu” (c 77) để đốt trước mộ Đạm Tiên mà thôi. Cho nên vùi nông hay vùi hồng sẽ không thích hợp. Tản Đà [39] cũng dựa vào KOM.1902 nhưng không đọc là “vùi hồng” mà đọc là  “Bụi hồng”, soạn giả cho bụi hồng là lời hoa mỹ, ý chỉ mả chôn bên đường đúng lý hơn là vùi nông (không hay, tình người không trung hậu, hại đến văn lý). Nếu là “Bụi hồng” tuy thơ mộng nhưng lạc nghĩa, hụt hẫng không ăn ý với  câu trên “Sắm sanh níp giấy xe châu”. Theo chúng tôi, dựa vào bản LVĐ.1866  khắc in chữ  có thanh phù bội  bộ thổ (biểu ý về đất, tro bụi) sẽ đọc là BỤI và  thanh phù nông bộ hỏa (biểu ý về lửa, sức nóng) sẽ đọc là NỒNG,  vậy nên đọc là “Bụi nồng”, như thế sẽ hợp tình cảnh hơn: Sau khi đốt vàng mã xong sẽ còn lại một NẮM (chứ không phải là nấm) tro bụi nồng cháy mặc cho cỏ hoa ở gần đấy bị héo đi vì sức nóng. Do đó xin đề nghị đọc lại câu 78 là: ”BỤI NỒNG một NẮM mặc dầu cỏ hoa”

5. Câu 96: “   trước mồ, bước ra”

          Câu này có nhiều dị bản như: “sụt ngồi và gật(TVK.1875), “sụp ngồi đặt cỏ (BK-TTK.1927, Nguyễn Văn Anh 1958 [33]), sụp ngồi vài gật (KOM.1902, Chiêm Vân Thị [45]; Hồ Đắc Hàm.1929 [10]), sụp ngồi vài ngất (Quan Văn Đường.1906) [19],sụp ngồi và cáo (Nguyên Tài Cẩn [30])…nhưng dường như  cả về âm lẫn nghĩa có vẻ không xuôi hay có khi ngớ ngẩn và thô thiển là đằng khác. Theo ý chúng tôi nên dựa vào bản Nôm xưa nhất còn lại là LVĐ.1886 vì gần nguyên tác hơn hết để tìm hiểu nguyên ý của Nguyễn Du. LVĐ.1886 khắc là  ”, chữ lạp sẽ đọc là SẤP dựa vào nghĩa của từ SẤP trong Việt-Bồ La và các tự điển sau như P. Béhaine, P. Của đều giảng là úp mặt xuống như sấp xuống, sấp mặt đọc là BẢ theo nghĩa trong Việt Nam tự điển [11]: “một bó, một nắm”, vậy sẽ là “BẢ cỏ” (1 bó cỏ). Theo hiểu biết của chúng tôi, trong nguyên truyện Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳 [41] của Thanh Tâm Tài Nhân (đời Minh), đoạn liên quan này tả như sau:因折竹枝,插於墓頂: (Thúy Kiều) nhân đấy bẻ vài nhánh trúc (thay cho nhang) để cắm trên mộ (Đạm Tiên) và sau khi khấn nguyện xong:倒身四拜: (Kiều) cúi mình xuống lạy 4 vái. Trong Truyện Kiều có lẽ Nguyễn Du đã thay trúc bằng cỏ (như lau, sậy) cho hợp cảnh mồ hoang cỏ dại. Ngày xưa nghi thức giản dị trước mộ thường là: sau khi cắm nhang, thắp hương xong thì ngồi xếp bằng rồi sấp mặt xuống vái lạy và như vậy các chữ “  ” có thể đọc là “SẤP ngồi BẢ CỎ (trước mồ)” (ngồi và sấp mặt để vái, trước mồ là bó cỏ dùng thay nhang) theo đúng nghi thức, tiến trình trên. Đọc hiểu như thế, câu thơ sẽ trở nên giản dị, dễ hiểu hơn. Vậy theo thiển ý nên đọc câu 96 là: “SẤP ngồi BẢ CỎ trước mồ, bước ra”.

6. Câu 278 “Túi đàn sách đề huề dọn sang” .
Xưa nay hầu hết các bản phiên Truyện Kiều bằng chữ Quốc ngữ đều đọc chữ thứ ba là CẶP (kể từ Trương Vĩnh Ký trở về sau). Có thể cách đọc này đã dựa vào các bản Kiều Nôm như NHL 1870 viết , LVĐ 1871 khắc 极.Nhưng tiếng gọi “cặp sách” lại không thấy ghi nhận trong các tự điển, tự vị từ Rhodes đến Génibrel…Các sách Nôm như Tam Thiên Tự  chỉ ghi nhận cái NÍP: “ , 䈫” : Cấp là  níp,  Nhật dụng thường đàm cũng  ghi nhận cái NÍP: 𥸓”: Cấp là cái níp. Rhodes đã từng ghi nhận cái NÍP là rương, hòm đóng lại được. Chữ Hán đồ đựng sách. Vậy xưa gọi đồ đựng sách là cái NÍP. Cũng còn gọi là cái TRÁP như Thiều Chửu giải nghĩa trong Hán Việt tự điển: ,cấp: Hòm sách, tráp sách. Trong truyện Kiều, ở câu 2650: “Đeo bàu quảy NÍP rộng đường vân du”, tiếng NÍP thường được các bản Nôm viết là (NHL 1870, LVĐ 1871), có âm Hán Việt là  nhiếp, đọc ra “níp” hợp cách nhưng không thể ra “tráp” được.
          Chúng tôi tìm thấy trong Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca, có ghi nhận: “笈,(+dấu nháy) ”: Cấp là cặp sách, vậy chắc từ đời Tự Đức (18471883) đã gọi cái NÍP (tráp) là CẶP (sách)  nên Trương Vĩnh Ký vào năm 1875 đã phiên âm là “cặp sách”. Theo ý chúng tôi, thời Nguyễn Du có lẽ không gọi đồ đựng sách là “cặp sách” mà chỉ gọi là NÍP hay TRÁP. Bản Nôm Kiều sớm nhất hiện biết là LVĐ 1866, khắc in chữ thứ ba câu 278 ,chữ này có âm Hán Việt là tráp, nên đọc ngay ra là TRÁP, sẽ là “TRÁP sách”.  Bằng chứng là trong  Ngũ thiên tự, có ghi nhận: “笈,扱: Cấp là tráp. Do đó chúng tôi đề nghị nên đọc lại câu 278 cho phù hợp với tiếng Việt thời Nguyễn Du là: “Túi đàn TRÁP sách đuề huề dọn sang”.
7. Câu 424 “Lòng xuân phới phới, chén xuân 藏藏.

          Đa số các bản Nôm Truyện Kiều đều viết 2 chữ cuối là 藏 藏 và được mọi nhà phiên âm là “tàng tàng” nhưng thử tìm hiểu xem tiếng Việt thời Nguyễn Du đã từng có từ láy này chưa? Các tự điển, tự vị chữ Nôm, Quốc ngữ xưa không hề có mặt mục từ này, chỉ duy nhất trong Việt Nam tự điển có mặt với giải thích: “nói bộ say ngà  ngà” và trích dẫn câu Kiều “Lòng xuân phới phới, chén xuân tàng tàng”. Có vẻ như các nhà soạn tự điển này chỉ đoán nghĩa từ câu Kiều trên mà thôi. Khi tra mục từ XOÀNG trong tự vị P. Béhaine và sau P.Của kế thừa, thấy có từ láy XOÀNG XOÀNG và được giảng nghĩa như sau: “uống rượu vui, vừa say, có chén”. Như vậy người thời Nguyễn Du chỉ nói là say “xoàng xoàng” chứ không nói say “tàng tàng”. Có lẽ các nhà phiên Nôm chỉ dựa vào âm Hán Việt “tàng” của chữ nhưng không biết tiếng Việt xưa thực có âm gì nên cứ đọc thế? Trương Vĩnh Ký [46] khi chú thích câu này đã cho tàng  xoàng nhưng không hiểu sao ông lại chọn âm “tàng”, có thể vì nghĩ rằng phụ âm đầu T khó chuyển thành X? T tàng có thể đọc là xoàng là hợp cách vì trong chữ Nôm đã từng thấy dùng âm phù tốt để ghi từ xót như Tự Đức [36] và Tự vị P. Của cũng ghi nhận, âm phù tẩm ghi âm xam, âm phù tập ghi âm xấp. Vậy nên đọc lại 2 chữ là XOÀNG XOÀNG ở câu 424 là “Lòng xuân phới phới, chén xuân XOÀNG XOÀNG” và kể cả câu 3061: “XOÀNG XOÀNG chén cúc dở say”.

8. Câu 884: “Khi vào 推孕, khi ra vội vàng”

          Bản Quốc ngữ TVK.1875 phiên là “dùi thẳng”, theo P. Của,  dùi thẳng nghĩa là không quyết bề nào, tuy là hợp nghĩa  nhưng đây lại là một từ phương ngữ miền Nam e rằng không thích hợp với tác giả Truyện Kiều vốn quê cha ở Hà Tĩnh, quê mẹ ở Bắc Ninh. BK-TTK.1927 đã đọc là “đôi đóa” (có lẽ nhận lầm tự dạng từ dựng ra đóa ) với chú thích là vờ vĩnh, hững hờ, không hiểu hai học giả đã dựa vào đâu để giải thích như vậy? Chúng tôi đã thử tra cứu trong các văn liệu, khẩu ngữ đều tuyệt nhiên không thấy. Đào Duy Anh (1974) lại phiên là DÙNG DẮNG có lẽ dựa vào  QVĐ.1906  viết là 用孕 và Đào Duy Anh đã giảng là: “do dự, không dứt khoát”, đến  Vũ Văn Kính [48] cũng đồng ý với dùng dắng hiểu là “dùng dằng chưa quyết dịnh, còn do dự, lưỡng lự” và còn cho rằng: “có thể là âm trong thơ mà đọc là dắng”. Chúng tôi không đồng ý âm “dắng” với suy đoán và lập luận một cách tùy tiện như vậy. Cũng trong Truyện Kiều, ở LVĐ1866, câu 133: “Dùng dằng nửa ở nửa về”, câu 2781: “Dùng dằng khi bước chân ra”, C559: “Dùng dằng chưa nỡ rời tay” thì DÙNG DẰNG viết là hay 用孕 rất hợp về âm, chữ nhưng không phải là DÙNG DẮNG! Vậy trong Truyện Kiều có thực sự dùng DÙNG DẮNG? Các nhà phiên Nôm Truyện Kiều đã từng đọc là DÙNG DẮNG ở câu 2257: “Còn đang dùng dắng ngẩn ngơ”, chỗ này LVĐ.1866 viết là  dụng dựng , theo ý chúng tôi nên đọc là NHÙNG NHẲNG, đọc biến đổi phụ âm đầu D là NH, tiếng Việt miền Bắc đã từng nói sóng dồi/ sóng nhồi; dúng nước/ nhúng nước; dức đầu/nhức đầu. Tự vị Béhaine ghi nhận nhùng nhặng nghĩa là  rối rít. Theo P. Của, nhùng nhẳng là: “Rối rắm, dính lấy nhau”, mãi đến Việt Nam Tự điển (1931) vẫn còn ghi nhận nhũng nhẳng “dằng dai, không dứt”, vậy nhùng nhặng,  nhùng nhẳng nhũng nhẳng là một. Cho nên, C.2257 sẽ đọc là: “Còn đang nhùng nhẳng ngẩn ngơ”. Tiếng Việt chỉ có dùng dằng, nhùng nhẳng chứ không có dùng dắng!

         Trở lại câu 884,  xét LVĐ.1866 (bản Nôm gần nguyên tác nhất) viết là 推孕 không phải là vô nghĩa vì  thôi đọc là DÙI (chữ Nôm vẫn lấy phụ âm đầu TH đọc chuyển âm ra D như P. Của ghi âm dồn viết là thốn ,  dức viết là , âm phù thức) và dựng đọc là DẮNG sẽ là DÙI DẮNG (hay dùi dáng (lần chần, chậm chạp) như trong tự vị Béhaine), theo P. Của, dùi dắng nghĩa là “diên dẫn, trễ tràng” còn trong khẩu ngữ, người Bắc vẫn còn nói dùi dắng tương đương với ngập ngừng. Thế thì, xin đề nghị đọc Câu 884 là: “Khi vào DÙI DẮNG, khi ra vội vàng”.

9. Câu 1353: “Ở trên còn có nhà 椿

          Chữ 椿 ở câu này đa số các bản Nôm đều viết đồng dạng. Người đầu tiên phiên Nôm chữ này là XUÂN đó là Trương Vĩnh Ký (TVK.1875), âm “xuân” là chính âm Hán Việt của chữ 椿 như sau này Đào Duy Anh đã ghi nhận (1932) [5]. Nhưng vấn đề nảy sinh khi đọc là âm “xuân” bởi vì ở câu bát kế tiếp là: Lượng trên trông xuống biết lòng có thương” sẽ bị thất vận. Người đầu tiên phát hiện ra chi tiết này chính là Kiều Oánh Mậu qua chú thích câu 1353, vị túc Nho này đã  cho nguyên tác viết chữ 椿 (xuân) là thất vận, nếu đọc là “thung” () thì nghĩa sẽ khác, nên đổi ra  thông . Sau này BK-TTK.1927, Bùi Khánh Diễn [3], Nguyễn Văn Anh [33]…cũng đọc là “thông”, cách đọc thông (cây thông) làm sai lạc về nghĩa của chữ xuân 椿 nguyên nghĩa tượng trưng cho phụ thân, cha như ở các từ xuân huyên, xuân đường. Tản Đà (1941) đọc là “thung” với lời chú thích cho là vì xuân 椿 thung , 2 chữ thực giống nhau nên thường lẫn lộn, Nguyễn Du nhân hạ vần mà dùng. Đến lượt Đào Duy Anh (1974) rồi cả Hoàng Xuân Hãn [15], cũng công nhận sự lẫn lộn trên và chọn âm “thung” (nhà xuân = nhà thung,  ý nói về người cha).

          Thật ra, âm đọc THUNG của chữ 椿 đã có từ trước khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều rồi, bằng chứng là trong Tự vị của Béhaine (1772- 1773) đã ghi nhận 椿 có âm là thung và sau cũng được P. Của ghi nhận. Theo chỗ chúng tôi biết, nguyên nhân đọc chữ xuân 椿 thành thung có thể là vì chữ Xuân 椿 chính là tên húy của Lê Cung Hoàng [22], vị vua cuối cùng của đời Lê Sơ trị vì từ năm 1522 đến 1527. Do đó thời kỳ này bắt đầu xuất hiện cách viết húy chữ 椿 thành một dạng chữ khác có tự hình gần giống là chữ và đọc theo âm THUNG để kiêng âm XUÂN. Ngoài ra dấu vết kỵ húy này còn tìm thấy ở cách đọc biến âm từ xuân thành xoan như thay vì nói “Hát Xuân”  lại nói là “Hát Xoan”. Qua thời gian, lối kỵ húy này vẫn còn lưu lại qua chữ viết và tiếng nói. Như vậy, cách phê bình của các bậc tiền bối về câu thơ 1353 trong Truyện Kiều cần được xét lại. Nhà thơ thiên tài  Nguyễn Du không thể được đánh giá oan uổng là thất vận hay ép vần bằng một âm khác thay cho chính âm. Tác giả đã dùng đúng chữ và âm đọc của thời đại mình để làm thơ, không hề có chuyện thất vận lầm chữ gì hết. Cách đọc xuân 椿 thung còn thấy trong một số văn bản chữ Nôm như khảo sát của Tạ Trọng Hiệp [38], tác giả đã liệt kê như sau:Mà chẳng riêng gì Nguyễn Du, tôi còn thấy nhiều người khác cũng vậy: "Tống Trân số phận long đong / Lên ba bỗng bị nhà thung chầu trời" (Tống Trân Cúc Hoa, 25-26), "Tuyết sương trắng điểm cành thung / Phan phu nhân mới rướm dòng nước hoa" (Phan Trần, 35-36, ý nói cha đã già mới sinh Phan Tất Chính; bản Durand giải đúng ý điển nhưng đọc xuân, khiến lạc vần), "Con giữ đạo tam tòng / Riêng còn một cội huyên thung / Muộn mằn chưa nảy chồi lan quế" (chèo Quan Âm Thị Kính),"Tủi thân sớm vắng nhà thung / Lấy ai dạy dỗ cậy trông sau này ?" (Thạch Sanh, 115-116),"Chị nhờ em gánh hiếu trung / Chồi huyên gần cỗi gốc thung gần già" (Nhị Ðộ Mai, 973-974)”. 
            
             Hiển nhiên, từ cách đọc cổ của chữ 椿 thung, theo ý chúng tôi, với tinh thần tôn trọng nguyên tác của Nguyễn Du, phục nguyên âm đọc cổ cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 thì nên đọc câu 1353 là: “Ở trên còn có nhà THUNG tất cả các câu khác trong truyện Kiều có chữ 椿 liên quan đến cha là âm thung chứ không phải là  xuân như bấy lâu nay vẫn lưu truyền (Trương Vĩnh Ký đã phiên toàn bộ những chữ 椿 đều là âm xuân). Sau đây là các câu liên quan:
Cỗi THUNG (không phải cỗi xuân) ở các câu 673, 2237, 3010
THUNG đường (không phải xuân đường) ở các câu 534, 1292, 1388
THUNG huyên (không phải xuân huyên) ở các câu 759, 2837
THUNG già (không phải xuân già) ở câu 2237

10. Câu 2326: “Mặt như chàm đổ, mình dường  run”

           Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên đọc chữ thứ 7 là CẦY nhưng lại không cho biết đã dựa vào bản Nôm nào, bản Michels (lưu truyền ở miền Nam) viết là  (bộ khuyển) có thể đoán  họ Trương cũng đọc từ chữ này nhưng dù cho CẦY RUN là hợp lý (run như cầy sấy) nhưng liệu có đúng ý nguyên tác của Nguyễn Du hay không?  Trong NHL.1870 viết tay là  (bộ trùng) có thể  đọc là DẾ, DẾ RUN, sau đến Hồ Đắc Hàm cũng đọc là dế run, dế gáy rung mình? Nhiều nhà khác (BK-TTK, BKD, NVV, TĐ) còn đọc là  GIẼ (rẽ, dẽ) hiểu là loài chim giẽ thì chẳng ăn nhập gì với RUN. Đào Duy Anh [7] đã giải nghĩa “Dẽ run là loài chim dẽ hay rẽ, người ta cho rằng thứ chim này mình thường run luôn” nhưng ngờ rằng nghĩa này chỉ là suy diễn chứ không có thực chứng trong các tài liệu nào cả vì theo Việt Nam tự điển (1931), dẽ là một loài chim ăn giun như dẽ giun hay giẻ cùi là loài chim tốt mã dài đuôi, chỉ thế thôi. Có lẽ vì vậy nên Đào Duy Anh và Nguyễn Tài Cẩn đã phiên nước đôi là DẼ (CẦY) RUN hoặc Nguyễn Quảng Tuân [29] cũng phiên là “giẽ (dế) run”! Chỉ 1 chữ thôi  lại thật là lộn xộn và tối nghĩa! Chúng tôi thử xem xét lại, dựa vào bản Nôm xưa nhất hiện giờ trong các bản hiện còn là LVĐ 1866 khắc in là  (bộ túc chỉ ý về tay chân) thì đơn giản có thể đọc là RẨY như trong run rẩy (tay chân run rẩy) nhưng vì trong thơ nên tác giả đã đảo từ: run rẩy -> rẩy run. Ý nghĩa trở nên sáng sủa, tự nhiên hơn! Do đó chúng tôi đề nghị đọc câu 2326 là: “Mặt như chàm đổ, mình dường RẨY run”

11. Câu 3218 : “Một nhà ai cũng lạ lùng khen

         Bản Quốc ngữ của TVK.1875 và của A.Michels.1884 đã phiên âm chữ cuối cùng là SAO, “khen SAO!” nếu là khen SAO! (khen ngợi làm sao!) tuy hơi lạ tai nhưng tương đối dễ hiểu. Bùi Kỷ - Trần Trong Kim đọc là “khen KHAO” (nhưng không có chú giải gì), Lê Hữu Mục [21], đã chú thích: “Khen lao: khen ngợi và an ủi”, Đào Duy Anh cũng giải thích khen lao là khen ngợi, nhưng điều quan trọng là không một ai dẫn chứng LAO trong “khen lao” ở nguồn tài liệu nào mà chỉ suy đoán rồi quy về “từ cổ” một cách tùy tiện! Theo Vũ Văn Kính [48], đã chú giải : “…lao hay khao? Bùi Kỷ đọc là khao, các bản Nôm ... đều là lao, xin phục hồi âm lao. Khen lao là tiếng cổ đã thấy trong chuyện Lưu nữ tuớng, c550:“Cửu trùng yêu mến, phán lời khen lao” và Lục Vân Tiên, c231: “Vân Tiên xem thấy khen lao” Nếu khen lao là một từ ngữ quen thuộc thì tại sao lại vắng bóng trong các tự điển, tự vị từ Việt-Bồ-La cho đến Việt Nam tự điển? Vào thời của Trương Vĩnh Ký và Michels (1875 - 1884), tại sao các học giả trên lại không đọc khen lao  nhưng lại là khen sao? Như vậy cách đọc “khen LAO” là một điều đáng ngờ vì thiếu bằng chứng. Chúng tôi cho là có thể chữ trong các bản Nôm từ LVĐ.1866 trở về sau (hay ở các bản Nôm khác) có thể đọc là RAO và  hiểu là “truyền ra cho ai nấy biết” như P. Của đã giải nghĩa và cũng trong tự vị của ông đã ghi nhận: “Cao rao. Truyền rao”. Như vậy “khen RAO” là ngợi khen và rao truyền cho mọi người biết. Nên nay xin đề nghị đọc lại câu 3218 là: “Một nhà ai cũng lạ lùng khen RAO”.
                                                                                     Biên Hòa ngày 30 tháng 7 năm 2013                                                   


Tài liệu tham khảo  

  1. Abel des Michels, Kim Vân Kiều Tân Truyện, Paris 1884. Nguồn: http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5439461n
  2. Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch  tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb Khoa học Xã hội, 1991
  3. Bùi Khánh Diễn (chú thích), Kim Vân Kiều, Nxb Sống Mới, in lần thứ 3, Sài Gòn 1960
  4. Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (Hiệu khảo), Truyện Thúy Kiều (Đoạnj trường tân thanh), Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản. (in lần thứ hai, chữa lại rất kỹ và rất đúng với bản Nôm cổ) 1927
  5. Các bản Nôm truyện Kiều: LVĐ.1866, NHL.1870, LVĐ.1871, DMT.1872, KOM.1902 từ nguồn Dự án số hóa kho tàng thư tịch cổ Văn hiến Hán Nôm , website: http://lib.nomfoundation.org/collection/1/
  6. Đào Duy Anh, Giản Yếu Hán Việt từ điển,. NXB Tiếng Dân. Huế 1932
  7. Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Nxb KHXH. 1974
  8. Đào Duy Anh, Truyện Kiều (phiên chú) Nxb. Văn học 1979
  9. Đặng Thanh Lê (phiên chú) Nguyễn Du – Truyện Kiều, NXB Giáo Dục, 1972
  10. Hồ Đắc Hàm, Kiều truyện  dẫn giải. in lần thứ 1, Nhà in Đắc Lập, Huế. 1929
  11. Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Hà Nội, 1931, Mặc Lâm tái bản, 1968
  12. Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên (dịch và giới thiệu), Tự vị Annam -  Latinh (1772 – 1773), NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999
  13. Hoàng Hồng Cẩm Tân biên truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú - Tác phẩm Nôm thế kỷ XVI, Nxb Văn hóa dân tộc, H., 2000
  14. Hoàng Thị Ngọ, Thiền tông bản hạnh, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học & Nxb Văn học, 2009
  15. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập III, Nxb Giáo Dục, 1998.
  16. Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Tom I-II Sài Gòn 1895-1896, Nxb Trẻ, tái bản, 1998
  17. J.F.M Génibrel, Dictionnaire Annamite – Français, Deuxième édition, Tân Định, Saigon 1898, nguồn sách phổ biến từ books.google.com
  18. Khang Hy tự điển, Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1997
  19. Kim Vân Kiều tân truyện, Quan Văn Đường Tàng Bản., Thành Thái Bính Ngọ, 1906 (bản sao chụp do Nguyễn Vinh Quang cung cấp)
  20. L.J. Taberd, Dictionarium Anamitico- Latinum, Fredericnagori Vulgo Serampore 1838. Nxb Văn Học (tái bản). 2004
  21. Lê Hữu Mục, Phạm Thị Nhung, và Đặng Quốc Cơ, Truyện Kiều Và Tuổi Trẻ, Làng Văn, 1998
  22. Ngô Đức Thọ. Nghiên cứu chữ  húy Việt Nam qua các triều đại, Viện nghiên cứu Hán Nôm và  EFEO, Nxb Văn Hóa, 1997
  23. Nguyễn Hùng Vỹ, Những ghi chép chữ nghĩa khi đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Thông báo Hán Nôm học 2009  (http://www.hannom.org.vn)
  24. Nguyễn Khắc Bảo, Tìm hiểu ngôn ngữ ở kinh thành Thăng Long cuối thế kỷ XVIII qua “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Tạp chí Hán Nôm số 1 (45). 2001
  25. Nguyễn Ngọc San, Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb Đại Học Sư Phạm (tái bản), 2003
  26. Nguyễn Ngọc San, Thử bàn về vấn đề phiên Nôm (Nhân một số bài tranh luận trên báo chí gần đây), Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm 2004 (nomfoundation.org)
  27. Nguyễn Quang Hồng (chủ biên), Tự điển chữ Nôm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội , 2006
  28. Nguyễn Quang Hồng , Êm nềm" và "lắm thăn. Tạp chí Hán Nôm, số 1 - 1988
  29. Nguyễn Quảng Tuân (Phiên âm - khảo dị), Truyện Kiều - Bản Nôm cổ nhất 1866 mới phát hiện, Nxb Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.2004
  30. Nguyễn Tài Cẩn, Tư liệu Truyện Kiều Bản Duy Minh Thị 1872. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2002
  31. Nguyễn Thị Lâm (Phiên chú), Thiên Nam ngữ lục (thơ Nôm), NXB văn học, 2001
  32. Nguyễn Trãi, Quốc Âm Thi Tập. Phúc Khê Nguyên Bản, Phúc Khê Nguyên Bản, Tự Đức Mậu Thìn 1868 (Gs Lê Văn Đặng scan và gởi tặng. Nguồn:trangnhahoaihuong.com)
  33. Nguyễn Văn Anh, Đoạn trường tân thanh, Bộ Quốc Gia Giáo Dục in lần 1, Sài gòn 1958
  34. P.J. Pigneaux, Dictionarium Anamitico - Latinum, (bản thảo viết tay) (1772-1773). Nguồn: bản sao chụp của NNT trong  Diễn đàn VVH (viethoc.com).
  35. Phạm Kim Chi, Kim Túy  tình từ, Nxb Tri Tân, bản kỳ nhì, Cần Thơ. 1973
  36. Phan Đăng (dịch), Thơ văn Tự Đức tập 3, Nxb Thuận Hóa , Huế. 1996
  37. Pháp Tính, Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (bản sao chụp  từ  bản ở Thư  viện Hội  Châu  Á, do anh Lê Sơn Thanh cung cấp)
  38. Tạ Trọng Hiệp, Đọc cuốn hiệu chú “Bích Câu Kỳ Ngộ” của ông Hoàng Xuân Hãn Nguồn:http://vannghe.free.fr/tatrong/BCKN.html.
  39. Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, Nxb Tân Dân 1942
  40. Tăng Hữu Ứng, Đoạn Trường Tân Thanh (viết tay vào năm Giáp Tuất (1874) đời vua Tự Đức).GS Đàm Quang Hưng phát hiện ở Huế. GS Nguyễn Văn Sâm gửi tặng. Nguyễn Hữu Vinh scan bản Nôm, nguồn: trangnhahoaihuong.com)
  41. Thanh Tâm Tài Nhân Kim Vân Kiều turyện 金雲翹傳,  nguồn: http://www.gutenberg.org/catalog/world/readfile?fk_files=920343&pageno=4s
  42. Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, NXB Đuốc Tuệ. Hà Nội 1942, Nxb  Đại học Quốc gia Hà Nội. 2002
  43. Thụy Khuê -  Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu Kiều, nguồn: http://truyenkimvankieu.blogspot.com/2009/12/47-hoang-xuan-han-nghien-cuu-kieu-thuy.html
  44. Tri Tân (Tạp Chí) số 67, năm 1942 nguồn: http://sachxua.net/forum/index.php/topic,1197.new.html#new
  45. Trúc-Viên Lê Mạnh Liêu (phiên dịch và phụ-chú), Thúy Kiều truyện tường chú, Chiêm Vân Thị (chú đính), Sài-gòn: Bộ Giáo-dục, 1965.
  46. Trương Vĩnh Ký, Poème Kim Vân Kiều truyện, Sai gon 1875 (Bản sao chụp do Nguyễn Vinh Quang cung cấp)
  47. Viện sử học, Nguyễn Trãi toàn tập.. NXB  Khoa học Xã hội,  Hà Nội 1976
  48. Vũ Văn Kính. Tìm nguyên tác truyện Kiều, Nxb Văn Nghệ TPHCM.1998

         -------------------------------------------------------------------------------
Đã đăng trên Tạp Chí Ngôn Ngữ số 8/2013                                                                                                                       









             








         
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét